Kinh tế

VN-Index thủng mốc 1.400 điểm, cuộc tháo chạy bắt đầu lan rộng

Chỉ số VN-Index thủng mốc 1.400 điểm ngay đầu phiên giao dịch 20/4 sau khi đã giảm khoảng 120 điểm trong vòng 2 tuần qua.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có các nhóm cổ phiếu nóng “họ FLC”, “họ DNP”, “họ Louis” và nhiều mã bất động sản, xây dựng, chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu trụ cột trong VN-30 cũng phân hóa mạnh. Nhiều mã tài chính chứng khoán giảm giá, trong khi nhóm bất động sản cũng suy yếu. Nhóm bán lẻ và tiêu dùng và dầu khí cũng chịu áp lực bán ra.

Cổ phiếu GAS giảm 2.600 đồng xuống 111.300 đồng/cp; Thế Giới Di Động (MWG) giảm 1.600 đồng xuống 154.400 đồng/cp sau vài phiên đi ngược thị trường nhờ sức mua của khối ngoại. Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1.400 đồng xuống 67.500 đồng/cp.

Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tiếp tục giảm sàn xuống 6.650 đồng/cp với dư bán lên tới 16 triệu đơn vị. Tình từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FLC đã giảm 3,5 lần, từ mức gần 23.000 đồng/cp xuống dưới ngưỡng 7.000 đồng như hiện tại. ROS cũng giảm hơn 3 lần từ mức trên 15.0000 đồng/cp xuống 4.040 đồng/cp mở cửa giao dịch 20/4.

Nhóm cổ phiếu “họ APEC”, “họ Louis”, "họ DNP" cũng như nhiều cổ phiếu trong ngành bất động sản… tiếp tục giảm giá, với nhiều mã mất hàng chục phần trăm so với đỉnh thiết lập hồi tuần đầu tháng 1/2022.

VN-Index thủng mốc 1.400 điểm, cuộc tháo chạy bắt đầu lan rộng
VN-Index giảm mạnh, mất mốc 1.400 điểm.

Các cổ phiếu như NVT, HQC, AMD, HAI, HAR, QCG… đều giảm sàn với dư mua bằng o.

Nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục giảm mạnh sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa quyết định đưa 3 cổ phiếu "họ FLC” gồm FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Xây dựng FLC Faros và HAI của Nông dược H.A.I vào diện cảnh báo do 3 doanh nghiệp này đã chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, 3 cổ phiếu này cũng đã bị HOSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng đã yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán đối với 7 mã chứng khoán liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART và GAB.

Trong vài tuần qua, nhóm cổ phiếu “họ FLC” liên tục giảm sàn. Dòng tiền nóng có dấu hiệu án binh bất động sau vụ cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”.

Nhóm cổ phiếu bất động sản chịu ảnh hưởng tiêu cực sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất khu Thủ Thiêm, sau đó là sự kiện lô trái phiếu 10 nghìn tỷ của tập đoàn này bị hủy. Tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng thêm khi trên thị trường có các tin đồn liên quan tới lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Không ít mã bất động sản giảm 40-50% như DIG, CII, QCG, NBB, SCR, CEO…

Trước đó, 29/3, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và sau đó đã bắt giữ 2 em gái ông Quyết để điều tra về tội danh "thao túng thị trường chứng khoán". 

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, Tập đoàn FLC đã bổ nhiệm ông Đặng Tất Thắng vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt từ ngày 31/3/2022.

Trước đó, hôm 31/3, Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương đã có kết luận liên quan đến nhiều lãnh đạo ngành chứng khoán. Theo đó, Đảng ủy Cơ quan UBCK đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc UBCK có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các cựu quan chức và đương chức ngành chứng khoán như ông Vũ Bằng; Trần Văn Dũng,Nguyễn Thành Long, Lê Hải Trà, Nguyễn Sơn, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan UBCKNN, HOSE, HNX, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ tới 60-80% do đầu tư vào các cổ phiếu nóng. Không ít người sốc và tính chuyện rút ra khỏi thị trường.

Một số nhà đầu tư chia sẻ trên một nhóm trên Facebook cho biết, anh này đầu tư 100 triệu vào thị trường cổ phiếu từ trước Tết trong 4 tháng không lãi nổi 2 triệu. Cú giảm sốc gần đây khiến tài khoản âm 75 triệu và nhà đầu tư này đã quyết định cắt lỗ 65%.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, tâm lý giao dịch vẫn còn yếu, cùng với lực cầu mua giá cao cũng chưa quyết liệt, khiến cho thị trường tiếp tục bị bán mạnh, xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng.

Mặc dù động thái bắt giá thấp vẫn đang diễn ra, nhưng thanh khoản lại sụt giảm khi VN-Index tiếp cận vùng cung 1.440 điểm cho thấy dòng tiền vẫn chưa tự tin vào chiều tăng của thị trường. Với áp lực giảm mạnh cuối phiên, dự kiến, quán tính giảm sẽ kéo thị trường tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ thấp hơn là 1.390 điểm nhưng có thể sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại. 

Trong khi thị trường giảm, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tổng cộng 1.700 tỷ đồng trong vài phiên qua.

Theo M. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn-index-thung-moc-1-400-diem-cuoc-thao-chay-bat-dau-lan-rong-2011246.html