Kinh tế

Yêu cầu lập cơ quan thẩm định việc thay đổi kết cấu đê tả sông Hồng

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thành lập cơ quan thẩm định việc thay đổi kết cấu đê tả sông Hồng đoạn An Dương, mời các nhà khoa học uy tín nhất tham gia. Sau khi đã được thẩm định, phải công bố để người dân đồng tình

 
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thành lập cơ quan thẩm định việc thay đổi kết cấu đê tả sông Hồng đoạn An Dương, mời các nhà khoa học uy tín nhất tham gia. Sau khi đã được thẩm định, phải công bố để người dân đồng tình
 
 Việc thay cốt đê sông Hồng bằng bê tông đang gây tranh cãi

Không ngại điều chỉnh quy hoạch nếu đó là vì lợi ích của người dân

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, hôm qua (17/2), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật của Thủ đô Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, thời gian ngắn vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã có thay đổi rất tích cực cả về cảnh quan và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển dân cư từ vùng nông thôn, từ các đô thị nhỏ hơn về Hà Nội ngày càng gia tăng, tạo ra thách thức lớn về hệ thống hạ tầng. Do đó, mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng, nhưng vẫn không đáp ứng được đòi hỏi của người dân.

Cụ thể như ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn; ngay tại Thủ đô vẫn còn tình trạng thiếu nước sạch cho sinh hoạt, còn phải dùng nước giếng ngầm; ô nhiễm môi trường ngày càng có xu hướng gia tăng; tỉ lệ nước thải sinh hoạt qua xử lý còn rất ít; việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn còn chậm; xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế; còn nhiều lúng túng trong đầu tư xây dựng nghĩa trang, chưa đáp ứng đòi hỏi của người dân…

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cái “gốc” của vấn đề phát triển hạ tầng của Hà Nội hiện nay là phải giải quyết đồng bộ từ quy hoạch phát triển đô thị đến tổ chức thực hiện quy hoạch đó.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu đô thị đã có nhưng cần rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp. Điều chỉnh quy hoạch không phải là “xấu”, mà sẽ là tích cực nếu mục tiêu nhằm đáp ứng lợi ích của quốc gia, của người dân. Không ngại điều chỉnh quy hoạch nếu đó là vì lợi ích của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, cần hết sức chú ý kết nối giao thông đô thị trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh bởi kết nối tốt sẽ tạo ra động lực mới ở các đô thị vệ tinh như Bắc sông Hồng, Nam Hà Nội. Trong đầu tư, cần chọn ra các dự án trọng điểm cấp bách (51 dự án), nếu cần thiết có thể xem xét bổ sung thêm, từ đó có kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thay đổi kết cấu đê tả sông Hồng: Phải mời các nhà khoa học tham gia

Về việc thay đổi kết cấu đê tả sông Hồng đoạn An Dương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh 4 yêu cầu tiên quyết. Đó là yêu cầu phải đảm bảo an toàn chống lũ cho Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo ra một công trình kiến trúc đẹp, đồng thời góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực.

“Yêu cầu Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập cơ quan thẩm định, mời các nhà khoa học uy tín nhất tham gia. Sau khi đã được thẩm định, phải công bố để người dân đồng tình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về hệ thống đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để quản lý tốt 6 tuyến đường hiện có, đồng thời nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Đối với đường sắt đô thị, cần đẩy nhanh thi công hai tuyến đang đầu tư, đồng thời nghiên cứu để kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia. Bên cạnh đó, cần tích cực tìm nguồn vốn để triển khai các dự án còn lại của hệ thống đường sắt đô thị. Về giao thông đường thuỷ, Phó Thủ tướng lưu ý Hà Nội cần chú ý kết hợp với phát triển du lịch, phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo thoát lũ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, yêu cầu phải cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; bảo đảm an toàn; bảo đảm mỹ quan. Những khu đô thị mới bắt buộc phải hạ ngầm đường điện một cách khoa học để có thể quản lý, vận hành an toàn, đảm bảo mỹ quan.

Về hạ tầng cấp nước, yêu cầu đặt ra là có đủ nước sạch, bảo đảm nước sạch đảm bảo vệ sinh, giá hợp lý ở mức người dân chấp nhận được. “Khuyến khích đầu tư xã hội nhưng phải đảm bảo kiểm soát chặt về giá. Muốn vậy, phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước”, Phó Thủ tướng nói.

Về quy hoạch thoát nước, Phó Thủ tướng đề nghị phải tăng thêm diện tích hồ chứa cục bộ tại các khu đô thị mới, các khu vực sản xuất. Vừa kết hợp cảnh quan môi trường, vừa điều tiết nước khi có mưa lớn chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng ngập úng.

Theo Bích Diệp (Dân Trí)