Lối Sống

Áp lực vì vợ... thu nhập cao

Chuyện kiếm tiền là cần thiết nhưng việc chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng quan trọng không kém

Gần đây, vợ chồng anh Đức Minh (ngụ TP HCM) thường cãi nhau. Nguyên nhân chỉ vì vợ anh... giỏi kiếm tiền hơn chồng.

Cảm giác... sợ về nhà

Anh Minh là giảng viên một trường cao đẳng. Tổng thu nhập từ lương cơ bản, viết tài liệu... khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. 

Vợ anh là trưởng phòng của một công ty xây dựng, thu nhập gấp 2,5 lần chồng.

Hằng tháng, anh Minh đưa vợ hơn 7 triệu đồng, giữ lại ít tiền xăng xe, tiêu vặt. Nuôi 2 con, cộng thêm trả lãi ngân hàng mua nhà nên mọi chi phí đều do vợ anh cáng đáng.

"Vợ chê tôi lương thấp, giậm chân mãi một chỗ, kêu tôi nhìn bạn bè mà phấn đấu. Tôi biết vợ chịu áp lực khi có nhiều thứ phải lo, cũng rất thương cô ấy nhưng khả năng tôi chỉ có vậy. 

Tôi đã thử đi dạy thêm ở một số nơi. Một thời gian thấy không ổn khi con không ai chăm, nhà không ai lo cơm nước vì vợ đi làm đến tối muộn. 

Nói điều này thì vợ cho rằng trong lúc kinh tế gia đình còn khó khăn, đàn ông phải chủ động xông ra ngoài kiếm tiền cho vợ con bớt khổ. Bởi vậy, bây giờ hết giờ làm tôi lại có cảm giác sợ về nhà, sợ đối diện gương mặt cau có, tiếng thở dài của vợ…" - anh Minh tâm sự.

Anh Việt Hoàng (ngụ Đồng Nai) cũng có lương kém vợ một bậc. Anh có bằng thạc sĩ, chuyên môn tốt trong lĩnh vực marketing, đi làm từ sáng, tối mịt mới về nhà nhưng thu nhập không bằng vợ - một chuyên gia công nghệ.

"Kinh tế gia đình tôi ở mức khá nhưng vợ liên tục nhắc chuyện tiền nong. Về quê nội - ngoại, cô ấy kể phải vất vả lo toan cho gia đình vì chồng làm chẳng được bao nhiêu tiền. 

Cách cô ấy nói chuyện về tiền bạc thiếu tinh tế khiến không ít lần tôi tự ái, "nóng mặt", riết rồi ngại đi đâu cùng vợ. Không biết cô ấy uất ức gì hay tại tôi chưa đủ giỏi giang?" - anh Hoàng băn khoăn.

Trong khi đó, dù thu nhập kém vợ, chức vụ cũng thua xa nhưng anh Văn Cường (ngụ TP HCM) và chị Thùy Trang vẫn luôn ấm êm. 

Họ yêu nhau từ thời đại học, ra trường anh theo chị vào TP HCM làm việc rồi kết hôn. Anh làm nhiều công việc để có tiền phụ vợ học lên cao. Anh luôn tự hào khoe về người vợ giỏi giang của mình.

"Anh ấy làm tốt công việc ở công ty, rồi về nhà đưa đón con, nấu ăn, làm hậu phương vững chắc cho tôi, chẳng bao giờ than thở. 

Thành công của tôi sẽ không có được nếu thiếu anh bên cạnh động viên, đồng hành. Chúng tôi tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm với nhau" - chị Trang bày tỏ.

Áp lực vì vợ... thu nhập cao
Minh họa: KHỀU

Luôn tôn trọng nhau

Theo nghiên cứu "Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đặt ra" của PGS-TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, 76,6% phụ nữ xem yếu tố công việc, kinh tế là tiêu chí quan trọng để lựa chọn bạn đời; bản thân người đàn ông tự nhìn nhận mình là "trụ cột" gia đình. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra tỉ lệ phụ nữ có thu nhập cao nhất gia đình chiếm 15,5% và đang tăng lên mạnh mẽ.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải An (TP HCM) cho rằng phụ nữ ngày càng được đề cao trong xã hội nên chuyện vợ có thu nhập cao hơn chồng là bình thường. Dù vậy, điều này cũng tạo không ít áp lực lên người chồng do quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình.

Vợ có địa vị xã hội cao hơn, kiếm nhiều tiền hơn làm chồng có cảm giác bị lấn át, luôn mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, thời đại bình đẳng giới, thị trường lao động nhiều cạnh tranh, kỳ vọng chồng là trụ cột kinh tế không phải đàn ông nào cũng đảm đương được.

"Trách nhiệm đóng góp cho gia đình của vợ và chồng như nhau. Nếu đàn ông không có cơ hội kiếm tiền nhiều thì để vợ ra ngoài xông pha, còn mình chăm sóc gia đình. Chuyện kiếm tiền là cần thiết nhưng việc chăm sóc con cái, gìn giữ mái ấm hạnh phúc cũng quan trọng không kém" - ông Nguyễn Hải An nhìn nhận.

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, một số đàn ông hành động theo hướng áp đặt, gia trưởng để chứng tỏ mình mạnh mẽ khi thua kém vợ trong việc kiếm tiền. Điều này dễ khiến gia đình mâu thuẫn, thậm chí tan vỡ.

Chuyên viên tâm lý này nhận định điều cốt lõi để gìn giữ hôn nhân chính là người trong cuộc luôn trong tâm thế tôn trọng nhau, nếu góp ý thì phải trên tinh thần xây dựng. 

Vợ kiếm được nhiều tiền hơn thì chồng nên khuyến khích, ủng hộ; nâng cao hiểu biết, phát triển bản thân và có trách nhiệm hơn để vợ luôn cảm nhận được điểm tựa vững chắc, đáng tin cậy.

"Người vợ cũng phải khéo léo trong lời nói, cách ứng xử; biết nhìn vào điểm mạnh, tích cực của chồng, hỏi ý kiến và tôn trọng chồng" - bà Nguyễn Thị Phương Trang đưa ra lời khuyên. 

Theo Vũ Lương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/ap-luc-vi-vo-thu-nhap-cao-1962312021907011.htm