Lối Sống

Từ câu chuyện cô gái 20 tuổi nhiễm HIV khi đi làm móng, chuyên gia chỉ điểm bất thường và cảnh báo điều cực nguy hiểm

Các chuyên gia cho rằng, một số kiểu làm đẹp như tỉa cắt móng có thể đối diện với nguy cơ lây nhiễm giang mai, HIV,… Tuy nhiên, khi đối diện với những chia sẻ trên mạng cũng cần phải cân nhắc vì có thể chỉ là chiêu trò câu view.

Mới đây, câu chuyện một cô gái 20 tuổi bị nhiễm HIV khi đi làm móng được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Theo chia sẻ, cô gái trẻ này chưa từng quan hệ tình dục, gia đình không ai mắc bệnh gì nhưng gần đây cô thấy mệt mỏi, kèm ớn lạnh, có hạch ở cổ, phát ban toàn thân, hay ốm sốt... Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán nhiễm HIV khiến cô gái rất bất ngờ vì trước đó chưa từng có bạn khác giới động vào người.

Sau khi suy nghĩ, cô gái nhớ ra 2 tháng trước đi làm móng, lúc lấy da thừa có bị chảy máu và đó có thể là nguyên nhân lây nhiễm. Hiện cô gái rất hoang mang, chưa chia sẻ sự việc với bố mẹ.

Qua câu chuyện trên, rất nhiều chị em hoang mang vì nhu cầu làm móng hiện khá phổ biến, trong khi các cơ sở thường dùng chung các dụng cụ, việc xử lý vô khuẩn dụng cụ sau mỗi lần thực hiện làm móng dường như không có. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tâm sự của cô gái trẻ thu hút sự quan tâm của nhiều người nhưng lại có rất nhiều sự bất thường.

Trao đổi với phóng viên, Ths, BSCK II Nguyễn Tiến Thành - Chuyên gia thẩm mỹ, làm đẹp (thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, về lý thuyết, việc dùng chung dụng cụ có nguy cơ gây chảy máu, tổn thương da, niêm mạc ví dụ như máy tông đơ, dụng cụ lấy dáy tai, xăm môi, làm móng, massage kích dục... thì đều có nguy cơ phơi nhiễm vi khuẩn như giang mai, hoặc các virus như HPV gây sùi mào gà, Herpes, đặc biệt phơi nhiễm HIV.

Bác sĩ Thành cho biết, lâu nay mọi người vẫn thường khuyến cáo, giang mai, HIV thường lây truyền qua đường tình dục không an toàn, tiêm chích… mà ít đề cập đến các vấn đề khác như qua việc làm đẹp, làm móng… trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ này lại rất nhiều. Do vậy, việc khuyến cáo cho người dân và các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp là rất quan trọng và cần thiết.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, khi làm móng, người thợ sẽ dùng kìm làm sạch da, cắt khóe chân, khóe tay và có thể gây chảy máu. Nếu dụng cụ trước đó dùng để làm cho người nhiễm HIV (cũng bị chảy máu), xong không được sát khuẩn thì có thể tăng nguy cơ phơi nhiễm cho người khác nếu có vết thương hở.

Dụng cụ làm móng hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm các bệnh như giang mai, HIV. (Ảnh minh họa)

Không chỉ làm móng, các biện pháp như cạo râu, đi xăm, phun thẩm mỹ nếu không đảm bảo quy trình nhiễm khuẩn, bạn đều có nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu khác.

Tuy nhiên, trước câu chuyện của cô gái trẻ được chia sẻ trên mạng xã hội, các chuyên gia đều chung nhận định rằng, có thể đây chỉ là chiêu trò câu view, tăng tương tác của ai đó, vì có rất nhiều vấn đề không hợp lý. Theo đó, cô gái cho rằng, người ớn lạnh, có hạch cổ, hay sốt, phát ban cơ thể và đi khám phát hiện mắc HIV, tuy nhiên lần bị chảy máu khi làm móng chỉ cách ngày đi khám 2 tháng. Trường hợp có lây nhiễm thật thì cũng chưa thể có những ảnh hưởng nặng nề đến như vậy chỉ trong 2 tháng.

Vấn đề tiếp theo là người mắc HIV hiện vẫn phải được bảo mật thông tin cá nhân, hơn nữa tâm lý chung những người mắc thường lo sợ bị mọi người xung quanh biết, nên không dễ gì câu chuyện được chia sẻ dễ dàng như vậy.

Dù câu chuyện thật giả thế nào, nhưng các bác sĩ cũng cho rằng, đây là vấn đề đáng cảnh báo để mọi người cảnh giác, phòng bệnh. Bác sĩ Thiệu khuyến cáo, khi đi làm đẹp, mọi người cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp an toàn như sau: Chọn cơ sở làm đẹp uy tín, an toàn. Nên sử dụng kìm làm móng cá nhân. Nếu bạn không có kìm cá nhân cần yêu cầu khử trùng các dụng cụ trước khi làm. Nếu có hiện tượng chảy máu trong quá trình làm, bạn nên đi khám kịp thời tại các cơ sở y tế khi có triệu chứng lây nhiễm.

Với người nhiễm HIV nếu không được điều trị thuốc kháng virus ARV kịp thời, người bệnh mất đi khả năng chống lại các nhiễm trùng và một số bệnh lý ác tính khác.

Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)




a