Ôtô - Xe máy

Bán áp đảo đối thủ, nhiều xe nhập chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam, tìm hướng để giành thêm tệp khách mới

Toyota Fortuner, Honda CR-V, Mitsubishi Xpander và sắp tới là Ford Ranger đều là những mẫu xe "top" doanh số phân khúc được chuyển đổi sang lắp ráp trong nước.

Tháng 1/2018 là cột mốc đáng nhớ của thị trường ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực Đông Nam Á về 0% (với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%). Các doanh nghiệp có xu hướng đổi từ xe lắp ráp sang nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia.

Bán áp đảo đối thủ, nhiều xe nhập chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam, tìm hướng để giành thêm tệp khách mới

Tuy nhiên, thời thế thay đổi khi xe nhập khó về hơn do vướng một số thủ tục, hơn nữa, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, như bỏ thuế nhập khẩu linh kiện về 0% từ ngày 10/7/2020 hay hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ ngày 28/6/2020 đến hết năm 2020... Chính phủ cũng đang có những chủ trương nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nước nhà trong thời gian tới.

Trong năm 2020, có 2 mẫu xe được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại Việt Nam là Honda CR-V và Mitsubishi Xpander. Trong đó, CR-V là mẫu xe từng được đổi từ lắp ráp sang nhập khẩu từ Thái Lan vào năm 2018 để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, nay lại quay trở lại lắp ráp trong nước và bán ra từ tháng 7/2020. Xpander sau khi xuất hiện tại Việt Nam được hơn 1 năm cũng bắt đầu rục rịch được lên kế hoạch lắp ráp, và đến tháng 7/2020, những chiếc xe lắp ráp đầu tiên bắt đầu được bán ra thị trường.

Bán áp đảo đối thủ, nhiều xe nhập chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam, tìm hướng để giành thêm tệp khách mới - 1

Cả CR-V và Xpander đều là những xe bán chạy nhất phân khúc. Trong năm 2019, có tổng cộng 13.337 chiếc CR-V bán ra thị trường, cao hơn đáng kể so với mẫu xe đứng thứ 2 phân khúc là CX-5 với 10.231 xe. Xpander còn gây chú ý hơn khi là một mẫu xe mới nhưng bán được tới 20.098 xe chỉ trong năm 2019, cao gần gấp đôi cựu vua doanh số phân khúc Innova (doanh số 12.164 xe). Cả 2 mẫu xe này đều có sức tăng trưởng tốt, hứa hẹn sẽ tiếp tục dẫn đầu trong năm 2020, bỏ lại các đối thủ khác với khoảng cách doanh số lớn.

Trước đó, vào năm 2019, Toyota Fortuner cũng được chuyển sang lắp ráp trong nước. Trong số 6 phiên bản, có 4 bản lắp tại Việt Nam, còn 2 bản nhập từ Indonesia. Sang năm 2020, Fortuner đổi sang bản nâng cấp facelift, vẫn tiếp tục bán song song xe nhập và xe lắp ráp. Số lượng bản lắp ráp tăng lên thành 5 bản, còn nhập khẩu là 2 bản. Các các bản động cơ diesel mới được lắp ráp tại Việt Nam. Điểm chung giữa Fortuner và CR-V là được chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, sau một thời gian lại quay trở về lắp ráp.

Bán áp đảo đối thủ, nhiều xe nhập chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam, tìm hướng để giành thêm tệp khách mới - 2

Theo dự kiến, trong năm 2021, xe lắp ráp trong nước sẽ đón nhận thêm thành viên mới là Ford Ranger. Mẫu xe này hiện được lắp tại Thái Lan và xuất khẩu đi nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Nếu đúng như kế hoạch, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 2 trong Đông Nam Á lắp ráp mẫu bán tải này. Trong sự kiện nội bộ, lãnh đạo của Ford Việt Nam từng tiết lộ đang xây dựng dây chuyền lắp Ranger và những chiếc lắp ráp đầu tiên có thể xuất xưởng vào quý II năm sau.

Bán áp đảo đối thủ, nhiều xe nhập chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam, tìm hướng để giành thêm tệp khách mới - 3

Ford Ranger nhiều năm liền dẫn đầu doanh số phân khúc bán tải. Thậm chí, doanh số của Ranger còn cao hơn tổng doanh số của các đối thủ cộng lại. Thị phần của Ranger luôn áp đảo các mẫu xe khác. Trong VAMA, tính riêng trong năm 2019, thị phần của Ranger chiếm tới xấp xỉ 60% phân khúc bán tải. Đà tăng trưởng của Ranger vẫn giữ vững trong năm 2020.

Doanh số và thị phần ngần đó có lẽ là chưa đủ với Ranger khi lãnh đạo Ford Việt Nam tiết lộ dự định tiếp tục mở rộng thị phần của mẫu bán tải này trong thời gian tới. Họ nhận thấy số lượng khách nữ mua bán tải ngày một nhiều. Khi "miếng bánh" hiện tại Ranger đã ăn gần hết thì họ phải chuyển sang "miếng bánh" khác, mà trước mắt chính là tệp khách hàng nữ.

Theo Khôi Nguyên (Pháp luật & Bạn đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ban-ap-dao-doi-thu-nhieu-xe-nhap-chuyen-sang-lap-rap-tai-viet-nam-tim-huong-de-gianh-them-tep-khach-moi-162202912114536741.htm