Pháp luật

3 cựu công an trộm dê: Bị hại vắng mặt lần 2 có xét xử?

Do vắng mặt bị hại cùng một số nhân chứng nên phiên tòa xét xử 3 cựu công an bắn chết dê của dân tạm hoãn. Nếu bị hại vắng mặt lần 2 có xét xử?

Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 3 cựu công an thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) về hành vi trộm cắp tài sản. Các bị cáo hầu tòa gồm cựu đại úy Nguyễn Văn Nhân cùng 2 cựu thượng úy Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng. Nhân, Việt, Tùng bị cáo buộc bắn chết dê của người dân ở huyện Mỹ Đức vào cuối tháng 6. Phiên xét xử cũng triệu tập bị hại là người mất dê cùng một số nhân chứng nhưng đều vắng mặt.

3 cựu công an trộm dê: Bị hại vắng mặt lần 2 có xét xử?
 Các bị cáo tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, dù bị hại, nhân chứng đã trình bày ở giai đoạn điều tra, nhưng do các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội có "mức độ" nên cần triệu tập đủ để làm rõ tình tiết vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng đây là lần mở tòa đầu tiên, nhưng vắng bị hại, nhân chứng nên cần hoãn phiên tòa để triệu tập họ có mặt, đảm bảo quyền lợi các bên. Do đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trường hợp tòa án mở phiên tòa lần thứ hai mà người làm chứng cố tình vắng mặt thì tòa án có thể dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa. Trường hợp người bị hại vắng mặt thì tòa án vẫn xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.

Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ án này hành vi bắn dê là rất rõ ràng, có thể nói là "bắt quả tang" nên vấn đề hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đã được xác định rất rõ ràng. Vấn đề còn lại là cơ quan tố tụng sẽ làm rõ mặt chủ quan của tội phạm bao gồm yếu tố lỗi, động cơ, mục đích thuộc mặt chủ quan của tội phạm.

3 cựu công an trộm dê: Bị hại vắng mặt lần 2 có xét xử? - 1
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 

Nếu kết quả xét xử cho thấy các bị cáo nhận thức rõ đây là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác, nhưng đã dùng súng bắn để chiếm đoạt thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Động cơ mục đích thực hiện hành vi phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội, động cơ mục đích muốn chiếm đoạt tài sản của người khác và nội dung thừa nhận này phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác, trong đó có những con dê bị bắn để trong cốp xe) thì đủ căn cứ để kết tội đối với các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Luật sư Cường phân tích: "Trường hợp, các đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng hành vi của mình không có lỗi, không biết đây là tài sản của người khác nhưng cơ quan tố tụng có các chứng cứ để chứng minh ý thức chủ quan thực hiện thông qua hành vi khách quan, cho thấy có hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản thì vẫn kết tội đối với các bị cáo này. Về nguyên tắc thì ý thức chủ quan sẽ được thể hiện thông qua hành vi khách quan. Việc đối tượng có biết đây là những con dê nuôi hay không, không chỉ thể hiện qua lời khai nhận tội hoặc chối tội mà còn thể hiện qua thái độ cử chỉ hành động của đối tượng trước, trong và sau thời điểm thực hiện hành vi bắn, bắt dê..

Nếu hành vi của đối tượng là lén lút, ngó trước, nhìn sau, thấy người dân phát hiện thì bỏ chạy hoặc trường hợp là có đối tượng bắn súng còn đối tượng khác cảnh giới, che giấu hành vi của mình thì diễn biến tâm lý, diễn biến hành vi thể hiện ra bên ngoài như vậy cho thấy các đối tượng đang lén lút chiếm đoạt tài sản. Đây là những yếu tố khách quan, quan trọng để chứng minh đối tượng này có lỗi hay không, có động cơ mục đích trộm cắp tài sản hay không. Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các chứng cứ này để kết luận và tòa án cũng sẽ làm rõ các chứng cứ này tại phiên tòa để quyết định có đủ căn cứ để chứng minh mặt chủ quan của tội phạm, chứng minh yếu tố lỗi, động cơ, mục đích để buộc tội hoặc rửa tội cho các bị cáo hay không".

Cũng theo luật sư Cường, tòa án cũng sẽ làm rõ nhận thức của các đối tượng này về khả năng sát thương của khẩu súng, về sở thích săn bắn, hiểu biết về môn thể thao săn bắn. Đồng thời sẽ làm rõ đối tượng này có biết khu vực núi này có người dân chăn thả dây hay không, sẽ làm rõ nhận thức hiểu biết của các đối tượng này về động vật hoang dã, về đặc điểm sinh trưởng, phân bố của dê hoang dã ở Việt Nam. Trường hợp kết quả xét xử cho thấy đối tượng này nhận thức rằng khu vực này không thể có động vật hoang dã thì đây cũng là một trong những căn cứ để xác định mặt chủ quan của tội phạm, là cơ sở để xác định bị cáo có lỗi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trường hợp tòa án kết luận các đối tượng này nhận thức rõ đây là những con dê do người dân nuôi chứ không phải là dê núi thông qua hành vi, thái độ, cử chỉ trong quá trình thực hiện việc bắn và bắt dê thì cơ quan tòa án sẽ kết tội đối với các bị cáo này. Theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về "Tội trộm cắp tài sản": Giá trị những con dê này dưới 50 triệu đồng, đồng thời hành vi không được xác định là có tổ chức thì các bị cáo trong vụ án này sẽ bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp kết quả xét xử cho thấy những con dê này có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hoặc hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức thì các bị cáo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Luật sư Cường nhấn mạnh, trường hợp bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đấy cũng là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự trong trường hợp tòa án kết tội. Còn trường hợp các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mà tòa án có đủ căn cứ để kết luận các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ vẫn kết án mà không cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

Theo Gia Đạt (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/3-cuu-cong-an-trom-de-bi-hai-vang-mat-lan-2-co-xet-xu-1910836.html