Pháp luật

Cô giáo Lê Thị Dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung cho rằng, bản án sơ thẩm có dấu hiệu oan sai, không có căn cứ buộc tội nên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Sáng 12/6, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lê Thị Dung trình bày, thời điểm gửi kháng cáo bản án sơ thẩm, do bà chưa nhận được bản án nên nay xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng, tất cả việc chi cho bản thân cũng như cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trung tâm là theo đúng theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Quy chế này được xây dựng một cách dân chủ, công khai, đúng quy định, quy trình, đã gửi cho cơ quan cấp trên và giám định tư pháp. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm đều được hưởng như bị cáo cho nên không thể xem đó là hành vi “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cô giáo Lê Thị Dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Bị cáo Lê Thị Dung (áo xanh) và bị cáo Nguyễn Thị Hương tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, bị cáo Lê Thị Dung cũng nêu, trình tự và thủ tục tố tụng chưa được công tâm, có dấu hiệu oan sai. Theo bà Dung, thủ tục tiếp nhận đơn báo tội phạm có sai sót nhưng cấp sơ thẩm cho rằng, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. 

“Tôi cho rằng ảnh hưởng rất lớn, bởi đây có thể là dựng hồ sơ vụ án. Ngày 4/10/2021, bị cáo Nguyễn Thị Hương (kế toán của Trung tâm GDTX từ năm 2012-2017) đến tự thú nhưng không thu giữ tài liệu hồ sơ, không bắt giam. Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú chưa đồng nhất”, bị cáo Dung nói.

"Việc thu giữ tài liệu không khách quan. Kế toán trung tâm là bà Hương sử dụng hồ sơ, tài sản của Nhà nước với tư cách cá nhân để đưa cho cơ quan cảnh sát điều tra, tôi cho đó là đánh cắp tài liệu, không đúng quy định pháp luật. Về căn cứ buộc tội tôi là không đúng”, bị cáo Dung khẳng định tại phiên tòa.

Bị cáo Lê Thị Dung cũng trình bày, trong phiên tòa sơ thẩm, việc 2 luật sư bào chữa bị cho là không tuân thủ theo các quy định ở phiên tòa và bị đưa ra khỏi phòng xử án là hết sức vô lý. 

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSNN hỏi bị cáo Lê Thị Dung có thấy mình sai? Quy định về tiết dạy là của ngành giáo dục? Lấy quy định của cơ quan (Trung tâm GDTX) để quy đổi thành tiết dạy có đúng thẩm quyền?

Cô giáo Lê Thị Dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm - 1
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An hỏi bị cáo Lê Thị Dung tại phiên tòa. Ảnh: QH

Bị cáo Dung trả lời, việc đó là đúng thẩm quyền, bởi quy định giáo viên làm việc mỗi tuần làm 40 giờ. "Chúng tôi đã bàn bạc với nhau và thống nhất như thế”, bị cáo Dung trình bày.

“Nhà nước không quy định như thế. Nhà nước quy định giờ dạy, tiết dạy. Vẫn có Thông tư 28 nhưng không quy định cho công chức, viên chức. Đặc thù của ngành giáo dục là khác”, đại diện VKSND chỉ rõ.

HĐXX yêu cầu làm rõ bản kháng nghị, đại diện VKSND cho biết: “Chúng tôi đã nêu rõ trong hồ sơ như số tiền chiếm đoạt; Việc cấp sở thẩm cáo buộc bị cáo chiếm đoạt đã có trong hồ sơ”.

Đại diện VKSND cũng nói bị cáo Lê Thị Dung cần nhận thức rõ về hành vi của mình.

Theo Quốc Huy - Trần Văn Tuyên (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/co-giao-le-thi-dung-tiep-tuc-keu-oan-2153754.html