Pháp luật

Phát hiện '1 triệu USD nhuộm đen' ở Sân bay Tân Sơn Nhất: Lời khai bất ngờ

Giám định "1 triệu USD nhuộm đen" phát hiện tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Công an TP HCM nhận định đây là tiền giả nhưng không xác định được phương pháp in.

Ngày 17-11, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án vận chuyển "1 triệu USD nhuộm đen" ở Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM) do Nguyễn Khắc Việt (SN 1976) và Trần Cẩm Tú (SN 1972; cùng ngụ TP Thủ Đức) thực hiện.

Các bị cáo bị VKSND TP HCM truy tố cùng về tội "Vận chuyển tiền giả".

Phát hiện '1 triệu USD nhuộm đen' ở Sân bay Tân Sơn Nhất: Lời khai bất ngờ
Hai bị cáo tại phiên xét xử

Nội dung vụ án thể hiện sáng 15-9-2022, tại ga đi quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan sân bay soi chiếu hành lý xách tay phát hiện bên trong vali của Việt và Tú (cùng chuyến bay từ TP HCM đi Thái Lan) có 12 cọc nghi là USD (số lượng 10.518 tờ) nhưng nhuộm đen.

Kiểm tra bằng mắt thường, Cục Hải quan xác định các tờ tiền nhuộm đen giống hình ảnh đồng tiền 100 USD. Cục Hải quan đã bàn giao Việt, Tú cùng vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý.

Ngày 17-9-2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM. Hôm sau, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM bắt khẩn cấp Việt và Tú.

Tại các bản kết luận giám định ngày 27-9-2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM kết luận: 10.518 tờ giấy bạc mệnh giá 100 USD có hai mặt phủ chất màu đen, kích thước 15,6cm x 6,5cm, không rõ số sê ri là giả. Số tiền giả này được làm bằng cách in hình ảnh giấy bạc mệnh giá 100 USD trên giấy rồi nhuộm đen hai mặt. Do bề mặt các tờ giấy đã bị nhuộm đen nên không xác định được phương pháp in.

Thời điểm này, tỉ giá 1 USD = 23.277 đồng, 12 cọc tiền có tổng trị giá hơn 1 triệu USD.

Làm việc với cơ quan điều tra, Việt khai đã mua 12 cọc tiền từ ông Hùng (không rõ lai lịch) tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 với giá 30 triệu đồng vào khoảng tháng 9-2021.

Ông Hùng hứa đưa cho Việt hóa chất tẩy rửa chất nhuộm đen trên tờ tiền để thành tờ 100 USD hoàn chỉnh nhưng không đưa và cắt liên lạc. Việt thử dùng nước để rửa tiền nhưng không được.

Việt khai biết là tiền giả nhưng vẫn cất giữ. Khoảng tháng 10-2021, Việt đưa cho Tú xem số tiền này và nói nếu ai có nhu cầu mua thì giới thiệu cho Việt.

Khoảng tháng 9-2022, Tú nói với Việt về người phụ nữ tên Kim Hen (quốc tịch Thái Lan) đang tìm mua USD giả với giá cao. Cả hai quyết định mang 12 cọc tiền của Việt đến Thái Lan để bán, lợi nhuận chia đôi.

Làm việc với cơ quan điều tra, Tú khai quen biết Kim Hen trong chuyến đi Campuchia hồi tháng 5-2022. Khoảng tháng 8-2022, Kim Hen đến Việt Nam, đưa cho Tú xem 1 tờ tiền mệnh giá 100 USD có đặc điểm giống như các tờ tiền của Việt đưa cho Tú xem và nhờ Tú giới thiệu người bán các tờ tương tự. Kim Hen nói sẽ mua với số lượng lớn nhưng không nói mục đích mua.

Tú nói với Việt rằng Kim Hen đang tìm mua USD giả với giá cao nhưng phải mang sang Thái Lan để giao cho Kim Hen, Việt đồng ý.

Tại phiên xét xử, các bị cáo bất ngờ thay đổi lời khai nói rằng 12 cọc nghi tiền giả chỉ là giấy. Bị cáo cho rằng kết quả giám định của cơ quan chức năng không đúng.

Xem xét vụ án, HĐXX nhận định vụ án còn một số tình tiết cần được làm rõ, do đó, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo Ý Linh (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/phap-luat/phat-hien-1-trieu-usd-nhuom-den-o-san-bay-tan-son-nhat-loi-khai-bat-ngo-20231117114529526.htm