Pháp luật

Từ vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở phố Khương Hạ: Xây dựng sai phép có bị xử lý hình sự?

Liên quan đến vụ chung cư mini 9 tầng ở phố Khương Hạ, Hà Nội cháy làm nhiều người chết và bị thương, dư luận đặt câu hỏi, mức hình phạt chủ chung cư có thể phải đối diện ra sao và hành vi xây dựng sai phép sẽ bị xử lý thế nào?

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 13-9, CQĐT - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) - chủ của chung cư mini trên phố Khương Hạ đã xảy ra hỏa hoạn về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 BLHS 2015.

Theo điều luật này, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.

Ngoài hành vi trên, theo thông tin ban đầu, từ năm 2015, UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho ông Nghiêm Quang Minh xây dựng tòa nhà riêng lẻ tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình với quy mô 6 tầng, 1 tum nhưng chủ công trình đã xây thêm 3 tầng thành 9 tầng. Sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.

Từ vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở phố Khương Hạ: Xây dựng sai phép có bị xử lý hình sự?
Hiện trường vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dù pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể thế nào là hành vi xây dựng sai phép, song có thể hiểu xây dựng sai phép là việc cá nhân, hộ gia đình xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng và các bản thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức xử phạt với hành vi xây dựng sai phép, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với hành vi xây dựng sai phép của tổ chức như sau:

Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng; với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác bị phạt tiền từ 25-30 triệu đồng.

Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới: với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; Với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, tổ chức vi phạm sẽ áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm nếu hành vi xây dựng sai phép đã kết thúc.

Cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt bằng 1/2 mức tiền phạt của tổ chức nêu trên.

Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Điều 343, BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 tiệu đồng - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)




https://www.anninhthudo.vn/tu-vu-chay-chung-cu-mini-9-tang-o-pho-khuong-ha-xay-dung-sai-phep-co-bi-xu-ly-hinh-su-post551627.antd