Pháp luật

Vụ án xảy ra tại Bộ Công thương: EVN gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Nếu tính luôn nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt ngày 02/01, trong số 8 bị can của EVN bị bắt cho đến nay đều là cán bộ liên quan đến công tác mua bán, quản lý điện... Vụ án gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi chỉ đạo.

Thiếu minh bạch trong cấp phép, mua bán điện 

Từ ngày 04/11/2023, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 6 bị can liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công thương, gồm: 2 cán bộ của Cục Điều tiết điện lực: Trần Quốc Hùng - Phó trưởng phòng cấp phép và quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Trịnh Văn Đoàn - chuyên viên phòng cấp phép và quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực. Bốn người bị bắt là Nguyễn Danh Sơn - Giám đốc Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nguyễn Hữu Khải - Trưởng phòng kinh doanh mua điện Công ty Mua bán điện, Đỗ Ngọc Tuyền - chuyên viên, Trương Hoàng Dũng - chuyên viên phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin Công ty Mua bán điện.

Đỉnh điểm của vụ án xảy ra tại EVN là ngày 02/01/2024, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, đối với Hoàng Quốc Vượng (SN 1963, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương).

Ông Hoàng Quốc Vượng tốt nghiệp trường Mỏ MGRI tại Mát-xcơ-va (Nga), từng kinh qua các chức vụ: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương từ tháng 8/2010. Tháng 9/2012, ông Vượng được điều động sang EVN giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn.

Vụ án xảy ra tại Bộ Công thương: EVN gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Bị can Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Bộ Công an

Sau 3 năm, đến tháng 01/2015, ông Vượng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN và trở lại Bộ Công thương giữ chức vụ Thứ trưởng. Ngày 01/01/2024, ông Vượng về hưu theo chế độ và bị bắt ngay sau đó (02/01). Trong suốt thời gian ông Vượng chịu trách nhiệm ở EVN và cả ở Bộ Công thương, đã để xảy ra một số khuyết điểm lớn, trong đó đã để thiếu điện vào mùa khô năm 2023, không bảo đảm điện cho yêu cầu sản xuất. Hậu quả, EVN phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân đơn vị được chỉ ra trong kết luận thanh tra của Bộ Công thương công bố ngày 12/7/2023.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021 - 2023 của EVN và các đơn vị có liên quan. Theo đó, EVN và các đơn vị có liên quan chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng; điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm.

Vì sao điện tái tạo phát triển quá nóng cũng là câu hỏi trong quy hoạch điện, mà hơn ai hết EVN hiểu rất rõ, trong đó có việc chậm thực hiện Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) dài 515km đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được giao cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, nhằm tăng năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc, để hạn chế hiện tượng nghẽn mạch trên lưới truyền tải Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ.

Nhìn vào danh sách cán bộ EVN và của Bộ Công thương bị bắt, trong đó 2 cán bộ thuộc Cục Điều tiết điện lực và 4 cán bộ của Công ty Mua bán điện thuộc EVN, dư luận nghĩ gì? Tìm hiểu chức năng của Cục Điều tiết điện lực sẽ biết. Đây là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch.

Vụ án xảy ra tại Bộ Công thương: EVN gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng - 1
Bị can Nguyễn Danh Sơn. Ảnh: Bộ Công an

Cục Điều tiết điện lực còn có nhiệm vụ tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Còn Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN, được tập đoàn này ủy quyền thực hiện quản lý, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư các dự án nhà máy điện có công suất trên 30MW.

Qua đó, dư luận dễ thấy vì sao các cán bộ trên bị bắt tạm giam và khởi tố, vì liên quan đến hoạt động cấp phép, mua bán điện của EVN mà thời gian qua rất lùm xùm về giá, đặc biệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ để khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo).

Lãng phí rất lớn nguồn năng lượng tái tạo

Vấn đề lớn nhất là lãng phí nguồn năng lượng tái tạo khi các DN đầu tư hàng nghìn tỷ đồng rồi "đắp chiếu". Thống kê cho thấy, có 87 dự án đã lỡ giá FIT nên phải chấp thuận cơ chế chuyển tiếp với mức giá thấp hơn. Sự phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở phía Nam đã gây thêm nhiều khó khăn cho công tác vận hành hệ thống, trong khi hệ thống truyền tải không được đầu tư đủ.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội nêu nhiều vấn đề xung quanh việc đầu tư, mua bán điện tái tạo... Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) còn kiến nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây. Việc bắt các cán bộ thuộc EVN và Bộ Công thương, trong đó có cả Thứ trưởng Bộ này, đã trả lời cho kiến nghị và các câu hỏi về các hoạt động thiếu minh bạch về việc mua bán điện, đầu tư năng lượng tái tạo trong thời gian qua.

Ngày 26/3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác Công an quý I/2024. Trung tướng Tô Ân Xô, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo. Liên quan đến vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Đại tá Phan Thành Bá, Phó Cục trưởng Cục ANĐT cho biết, đây là vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, phạm vi rộng, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.

Vụ án xảy ra tại Bộ Công thương: EVN gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng - 2
Hàng chục ngàn tỷ đồng được các doanh nghiệp đầu tư cho điện tái tạo một thời gian dài bị lãng phí. Ảnh: TTXVN

Đến nay, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can thuộc Bộ Công thương, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công thương, Công ty Mua bán điện - thuộc EVN) về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Kết quả điều tra bước đầu xác định, các bị can có sai phạm trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sai phạm trong việc thẩm định, cấp Giấy phép hoạt động điện lực và công nhận ngày vận hành thương mại cho một số dự án Nhà máy điện mặt trời trái quy định của pháp luật, trái quy định trong Hợp đồng mua bán điện, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho EVN.

Thiệt hại lớn hơn nữa, khi hàng chục ngàn tỷ đồng được các doanh nghiệp đổ vào đầu tư cho điện tái tạo đang bị lãng phí, sau thời gian khuyến khích đầu tư. Chính sách về giá cho năng lượng tái tạo không nhất quán làm cho các nhà đầu tư nản lòng... Hiện Cơ quan ANĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ các nội dung khác của vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Xuân Nhân (Công an TPHCM)




https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/evn-gay-thiet-hai-hang-tram-ty-dong_160573.html