Thế giới

"Anh hùng quốc dân" trong chương trình hạt nhân Triều Tiên

Năm 2009, Triều Tiên phát hành video ca ngợi "anh hùng quốc dân" mới của nước này. Đó là cỗ máy giữ vai trò trung tâm trong chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Năm 2009, Triều Tiên phát hành video ca ngợi "anh hùng quốc dân" mới của nước này. Đó là cỗ máy giữ vai trò trung tâm trong chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

“Vị anh hùng” được ca ngợi trên thực tế là một công cụ rất quen thuộc ở khắp các nhà máy toàn thế giới: máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính (CNC). Những cỗ máy to lớn màu xám này sử dụng các chương trình được lập trình sẵn để sản xuất thành phần cho mọi sản phẩm, từ ôtô, điện thoại di động đến đồ nội thất và cả quần áo. Chúng hoạt động đạt độ chính xác cao mà những máy móc do con người vận hành không thể bì kịp.

'Anh hung quoc dan' trong chuong trinh hat nhan Trieu Tien hinh anh 1

Tiết mục ca ngợi máy CNC trong một sự kiện văn nghệ lớn của Triều Tiên năm 2011. Ảnh: Reuters.

Tại Triều Tiên, nhờ sự kết hợp của công nghệ “cây nhà lá vườn” và kỹ thuật đảo ngược (tháo dỡ một thiết bị, thành phần để tìm hiểu hoạt động của nó) mà CNC đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí của nước này. Chúng giúp Triều Tiên có thể phát triển bom hạt nhân và tên lửa mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ từ bên ngoài.

Thậm chí, các chuyên gia hạt nhân cho rằng CNC là lý do mà Bình Nhưỡng có thể thúc đẩy những vụ thử hạt nhân và tên lửa mặc dù bị quốc tế cấm vận, ngăn cản việc chuyển giao những thiết bị nhạy cảm.

Công nghệ nội địa

“Tất cả tên lửa và máy ly tâm mới của Triều Tiên đều phụ thuộc vào những thành phần do cỗ máy CNC tạo nên. CNC là công nghệ cơ bản cần thiết trong việc sản xuất vũ khí của Triều Tiên”, Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Viện Chiến lược Middlebury (Mỹ), nói.

Kể từ năm 1996, máy CNC đã được đưa vào Thoả thuận Wassenaar, một nỗ lực đa phương nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí hoặc công nghệ lưỡng dụng (có thể sử dụng cả trong mục đích quân sự và dân dụng). Tuy nhiên, Triều Tiên không phải là nước tham gia thoả thuận này.

Triều Tiên ăn mừng công nghệ CNC ở nước này rất hoành tráng. Hàng trăm vũ công trong trang phục cam, xanh biểu diễn bài hát về CNC tại một lễ hội của đảng Lao động năm 2011.

Năm 2012, khi bài hit Gangnam Style của Hàn Quốc tung hoành khắp thế giới, Triều Tiên đưa ca khúc về CNC vào tất cả danh sách nhạc karaoke trên khắp nước này. Video cho bài hát là hình ảnh tên lửa tầm xa Triều Tiên được phóng vào không trung.

'Anh hung quoc dan' trong chuong trinh hat nhan Trieu Tien hinh anh 2

Một máy CNC được sử dụng ở Triều Tiên. Ảnh: NKEconwatch.

Theo các chuyên gia hạt nhân, Triều Tiên bắt đầu chế tạo những máy CNC của nước này vào đầu thập niên 1990; một phần trong nỗ lực thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Máy CNC nội địa đầu tiên của Triều Tiên ra mắt năm 1995. Năm 2009, báo Rodong Sinmun cho biết lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il đặt tên cho máy là Ryonha. Đó cũng là lần đầu tiên truyền thông nhà nước đề cập đến công nghệ này.

Kể từ đó, CNC là “nhân vật” chính trong chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng, khi nước này phát động kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa.

Sau khi Triều Tiên bị quốc tế gia tăng trừng phạt vì vụ thử hạt nhân lần 2 và phóng tên lửa tầm xa năm 2009, Bình Nhưỡng ngay lập tức công bố ảnh ông Kim Jong Il đến thăm một nhà máy sản xuất ống nhôm gắn trong máy ly tâm hạt nhân. Các ống nhôm này do chính máy CNC nội địa sản xuất ra.

“Đến năm 2010, Triều Tiên đã có thể sản xuất nhiều loại máy CNC phục vụ các mục đích khác nhau”, Kim Heung Gwang, cựu giảng viên Đại học Công nghệ máy tính Hamhung ở Bình Nhưỡng (nay đang sống ở Hàn Quốc) nói.

Năm 2013, Tập đoàn Liên doanh Cơ khí Ryonha, đơn vị sản xuất CNC chính ở Triều Tiên, mới bị Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa vào danh sách cấm vận vì vai trò của nó trong chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

'Anh hung quoc dan' trong chuong trinh hat nhan Trieu Tien hinh anh 3

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm một nhà máy sản xuất điện hồi đầu năm. Các máy CNC có thể sử dụng trong mục đích quân sự và dân sự. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực tự lực

Theo ước tính của ông Kim Heung Gwang, Triều Tiên hiện có 15.000 máy CNC.

Bình Nhưỡng ca ngợi những cỗ máy tự chế này chính là thành công điển hình cho học thuyết “tự lực” của họ. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy.

Tháng 8/2016, truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố ảnh ông Kim Jong Un đến thăm một công xưởng sử dụng CNC nhưng lại có nhãn công ty cơ khí ABB, một trong những nhà cung cấp CNC hàng đầu trên thế giới. Các chuyên gia hiện vẫn chưa rõ vì sao những cỗ máy này có thể đến được Triều Tiên.

Khi được báo chí liên hệ, ABB khẳng định họ tôn trọng và tuân thủ mọi nghị quyết của Liên Hợp Quốc, không có bất kỳ giao dịch nào với Triều Tiên.

“Tuy nhiên, chúng tôi không thể loại trừ việc một số thiết bị của hãng có thể đã được bán lại cho Triều Tiên mà không có sự chấp thuận của chúng tôi”, đại diện ABB phản hồi Reuters.

Ngoài ABB, Uỷ ban giám sát cấm vận LHQ cho biết Công ty Tengzhou Keyongda (Trung Quốc) cũng là một nhà cung cấp CNC lớn cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, đại diện công ty này cũng khẳng định họ đã ngưng bán CNC và chấm dứt mọi quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng từ cách đây 4 năm, ngay sau khi LHQ gia tăng cấm vận với Triều Tiên.

Theo chuyên gia Lee Choon Geun (Viện Chính sách Khoa học Công nghệ Hàn Quốc), lỗ hổng lớn nhất trong cấm vận nằm ở mục đích sử dụng của CNC. Tuy một số máy CNC lưỡng dụng (dùng trong quân sự và dân dụng) bị cấm, một số loại khác phần lớn là được sử dụng trong công nghiệp dân dụng. 

“Với tính năng kép này, anh có thể nhập khẩu máy cho những mục đích khác nhau, nhập từng bộ phận rồi sử dụng chúng vào những việc mà anh muốn. Con đường để vào Triều Tiên có thể đi qua Trung Quốc hoặc Nga”, ông Lee nói.

Cách biên giới liên Triều gần 10 km, cuộc sống ở Sanyang-ri là sự đan xen của thanh bình, trật tự cùng với lo âu thường trực do nằm trong tầm bắn của 10.000 khẩu pháo Triều Tiên.

Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)