Thế giới

Báo Trung Quốc lộ rõ âm mưu quân sự hóa Biển Đông

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng tải loạt vũ khí và hướng triển khai ở Biển Đông lộ rõ ý đồ quân sự hóa của nước này.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng tải loạt vũ khí và hướng triển khai ở Biển Đông lộ rõ ý đồ quân sự hóa của nước này.

Theo đó, tờ báo cho rằng, trên các đảo nhân tạo không thể thiếu được các thiết bị trinh sát, cảnh báo sớm, một số lượng nhất định radar kiểm soát trên không, radar cảnh giới đối không và radar trinh sát đối hải.

PLA "cần triển khai 2 hệ thống radar cảnh giới chủng loại khác nhau trở lên để hỗ trợ cho nhau và tăng cường năng lực chống nhiễu", tờ báo viết.

Hệ thống radar cảnh báo sớm của Trung Quốc đặt tại tỉnh Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang.


Bên cạnh đó, Hoàn Cầu cho rằng cũng cần triển khai phi pháp một lượng nhất định hệ thống định vị thủy âm ở đáy biển để ngăn chặn tàu ngầm nước khác đến gần trinh sát bất chấp thực tế là Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền của nước khác.

Trong khi đó, một nguồn tin quân sự khác được Hoàn Cầu trích dẫn  cho rằng PLA nên triển khai cả các trạm vệ tinh mặt đất, đài vô tuyến sóng ngắn, thiết bị thông tin vô tuyến điện cao tần và hệ thống cáp quang đáy biển quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang thiết lập cơ sở hạ tầng.

Trước đó, có những nhận định từ giới quan sát quân sự châu Á và quốc tế cho rằng, Trung Quốc có thể điều các hệ thống phòng không như HQ-9, HQ-12, HQ-16 hoặc S-300, thậm chí cả S-400 mùa được từ Nga trên những hòn đảo ở tuyến đầu mà TQ đã chiếm được.

Ngoài hệ thống phòng không,Trung Quốc có thể triển khai các vũ khí chống hạm YJ-8 và YJ-62, pháo phòng thủ bờ biển với các kích cỡ khác nhau để tập trung đối phó với các hoạt động mà tờ báo của Bắc Kinh cho là "khiêu khích" của các nước xung quanh khi căng thẳng xảy ra.

PLA cũng có có thể triển khai phi pháp các vũ khí săn ngầm và vũ khí chống người nhái, đặc công nước trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây phi pháp ở Biển Đông.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho hay, các bến tàu do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở các đảo đá trên Biển Đông là khá nhỏ, không thể triển khai tàu chiến cỡ lớn, có thể điều tàu chiến cỡ vừa và nhỏ cũng như máy bay trực thăng tiến hành cái gọi là “tuần tra định kỳ” trong tương lai.

Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc khuyên PLA nên triển khai máy bay tiêm kích trên các đảo nhân tạo đã xây dựng đường băng mà Trung Quốc đã chiếm và bồi đắp phi pháp.

Tướng về hưu của Trung Quốc Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) trên báo Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 08/01/2016 cũng cho hay đã sân bay trên Đá Chữ Thập sẽ phần lớn phục vụ cho những chuyến bay dân sự, như vận chuyển hàng hóa, cứu trợ, nhưng cũng có thể được máy bay quân sự sử dụng để tuần tra Biển Đông. Sớm muộn gì thì máy bay quân sự sẽ cất cánh từ đấy, và có lẽ trong vòng nửa đầu năm nay.

Tướng Trung Quốc nhận định, phi trường thường dùng đón máy bay dân sự có những đòi hỏi chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn là phi trường quân sự, và việc các chuyến bay dân sự đã thử nghiệm phi đạo thành công, cũng có nghĩa là nó cũng phù hợp cho máy bay quân sự, từ chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, cho đến máy bay tuần thám và trực thăng.

Thủ đoạn "dân sự bán quân sự hóa" của Trung Quốc

Học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phát biểu trên tờ National Interest nhận định, Trung Quốc có hàng loạt lựa chọn quân sự hóa tại các cơ sở mới xây dựng trên Biển Đông từ triển khai hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) cho tới các tổ hợp tên lửa. Và mỗi hoạt động phục vụ lợi ích cũng như mục tiêu riêng của Bắc Kinh.

Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters


Cụ thể, khi triển khai các hệ thống ISR trên đảo nhân tạo, các radar trinh sát tầm xa có thể phát hiện tàu thuyền và máy bay ở khoảng cách 320 km tính từ những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng.

Nếu Trung Quốc cho máy bay tuần tra hàng hải Y-8X cất cánh từ đường băng dài 3 km trên bãi Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nó có thể định vị và theo dõi tàu thuyền và máy bay các nước trong bán kính 1.600 km. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn hoạt động của tàu thuyền và máy bay Việt Nam, Malaysia và Philippines nằm trong phạm vi theo dõi của máy bay trinh sát Trung Quốc.

Các đường băng và cảng nước sâu ở bãi đá Chữ Thập và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) còn có thể được dùng làm điểm luân chuyển và tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ và tàu quân sự của Trung Quốc.

Thậm chí, một khi các hệ thống tên lửa Trung Quốc được triển khai tới đảo nhân tạo, chúng sẽ làm tăng mối đe dọa và chi phí cho hoạt động quân sự của các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng như quân đội Mỹ.

Việc đưa các máy bay tiếp nhiên liệu trên không tới các đảo nhân tạo còn giúp lực lượng máy bay quân sự Trung Quốc kéo dài thêm thời gian và mở rộng phạm vi tuần tra trên Biển Đông. Ngay cả việc triển khai các oanh tạc cơ chiến lược H-6K cũng sẽ đưa nhiều nước bao gồm Australia vào tầm tấn công của Không quân Trung Quốc.

Theo ông Glaser, ngay cả những thế hệ tên lửa không đối đất do Mỹ cung cấp như AGM-84 Harpoon cũng dễ dàng bị hệ thống phòng không Trung Quốc như SAM S-300 tiêu diệt.

Hải quân Trung Quốc mua 2 chiếc tàu đổ bộ đệm khí Zubr từ Ukraine và tự đóng 2 chiếc tại nước này theo công nghệ được phía Kiev chuyển giao.


Không một quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hiện đủ năng lực tấn công Trung Quốc mà không đẩy lực lượng máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước và binh sĩ vào vòng tấn công của các tên lửa đất đối không (SAM) cũng như tên lửa hành trình diệt hạm (ASCM) Trung Quốc.

Theo Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á Phạm Nguyên Long, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, việc Bắc Kinh đang đóng một đội tàu riêng cho lực lượng “dân quân biển” ở Biển Đông có thể coi là "thủ đoạn dân sự bán quân sự hóa" và đã được Trung Quốc chuẩn bị từ lâu.

Theo đó, ông Long cho rằng không riêng gì việc chuẩn bị đóng tàu cho đội dân quân biển thể hiện tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông mà mọi hành động từ trước tới nay đều thể hiện âm mưu này.

"Biển Đông gắn bó với lợi ích của Trung Quốc rất lớn nên tư tưởng bành trướng hóa được thể hiện ngày càng rõ", ông Long nhìn nhận và khẳng định, "động thái này ngày càng đe dọa tới hòa bình, ổn định trong khu vực".

Theo Cúc Phương (Đất Việt)