Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Đại dịch Covid-19 có thể khiến trẻ 5 tuổi bị chậm phát triển

Đó là thông báo được nhóm nghiên cứu đến từ Nhật Bản vừa đưa ra khi họ phát hiện, dưới tác động của đại dịch Covid-19, sự phát triển của trẻ 5 tuổi sẽ bị chậm lại trung bình 4,39 tháng so với những đứa trẻ bình thường.

Đại dịch Covid-19 có thể khiến trẻ 5 tuổi bị chậm phát triển
Giáo viên đo nhiệt độ cho một em học sinh tại trường mẫu giáo ở Tokyo vào tháng 7/2022. Ảnh: Kyodo.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Kyoto và Đại học Tsukuba của Nhật Bản đã thực hiện nghiên cứu dựa trên việc kiểm tra tình hình phát triển của trẻ mẫu giáo ở độ tuổi lên 5 tại một thành phố thuộc khu vực đô thị ở Tokyo.

Tuyên bố của nhóm không cho biết, liệu có sự chậm phát triển nào ở trẻ cùng độ tuổi ở các thành phố khác hay không nhưng nghiên cứu này nhằm để tìm xem liệu có sự chậm phát triển ở trẻ do sự giảm tương tác với những người khác trong thời gian thành phố bị phong tỏa và các nhà trẻ bị đóng cửa thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 hay không.

Kết quả nghiên cứu của nhóm đã được công bố hôm 11/7 trên báo điện tử JAMA Pediatrics, một tạp chí y khoa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.

Theo Japan Times, nghiên cứu dựa trên đánh giá của các giáo viên mẫu giáo về tình trạng phát triển của 447 trẻ em trên 1 tuổi và 440 trẻ em đã trên 3 tuổi tại tất cả các trường mẫu giáo đủ đáp ứng yêu cầu chăm sóc trẻ của nhà nước tại nơi khảo sát. Trong quá trình đánh giá, nhóm nghiên cứu sẽ yêu cầu các giáo viên cho trẻ thực hiện theo 130 yêu cầu cụ thể, từ đó xác định trẻ có bị chậm phát triển hay không.

Kết quả cho thấy, nhóm đã phát hiện sự chậm phát triển 4,39 tháng ở những đứa trẻ 5 tuổi lớn lên trong thời kỳ đại dịch so với những đứa trẻ khác. Sự chậm phát triển nổi bật trong các hành động liên quan đến kỷ luật và giao tiếp với người lớn.

Ngược lại, không có sự chậm phát triển rõ ràng nào được xác nhận đối với trẻ 3 tuổi trong thời kỳ trải qua đại dịch. Kết quả có thể chỉ ra rằng “Trẻ 5 tuổi ít có cơ hội tương tác với người khác hơn khi chúng được cho là đã có kỹ năng xã hội hóa trong khi trẻ mới lên 3 có nhiều thời gian hơn để giao tiếp với người giám hộ khi làm việc ở nhà.” Ông Koryu Sato, thành viên của nhóm, hiện đang là trợ lý giáo sư tại Trường Đại học Y khoa của Đại học Kyoto cho biết.

Ông Sato cũng cho biết, điều quan trọng là phải tăng cường hỗ trợ cho trẻ chậm phát triển và nhanh chóng đưa môi trường nuôi dưỡng trở lại như trước khi xảy ra đại dịch để trẻ bắt nhịp cuộc sống và phát triển theo độ tuổi của mình.

Nhi (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/dai-dich-covid-19-co-the-khien-tre-5-tuoi-bi-cham-phat-trien-d170336.html