Thế giới

Đằng sau cuộc khủng hoảng ngành y ở Hàn Quốc

Khoảng 9.000 bác sĩ thực tập đã nghỉ việc ngày thứ 9 liên tiếp ở Hàn Quốc hôm 28/2, một ngày trước hạn chót mà chính phủ đưa ra để họ trở lại làm việc.

Theo hãng tin Yonhap, nếu không chấp hành, họ có nguy cơ bị đình chỉ giấy phép hoặc thậm chí bị truy tố. Trong bối cảnh không bên nào chịu nhượng bộ, nhiều dịch vụ y tế đã bị gián đoạn. Các bệnh viện phải gác lại các ca phẫu thuật hoặc từ chối nhận bệnh nhân cấp cứu.

Tâm điểm của cuộc tranh cãi là kế hoạch tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y trong năm tới, so với mức 3.058 hiện nay. Chính phủ hy vọng bước đi này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn và trong những lĩnh vực y tế thiết yếu, như phẫu thuật nguy cơ cao, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Đằng sau cuộc khủng hoảng ngành y ở Hàn Quốc
Một bác sĩ thực tập tại thủ đô Seoul đang nghỉ việc để phản đối chính sách của chính phủ Hàn Quốc Ảnh: Reuters

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 27-2 khẳng định kế hoạch này là "biện pháp cần thiết tối thiểu" để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh đây không phải là vấn đề để thương thảo hoặc thỏa hiệp.

Chính phủ cho biết những bác sĩ thực tập chịu trở lại làm việc ngày 29-2 sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành động trước đó của họ. Song song đó, Seoul cũng cảnh báo những người không tuân thủ sẽ phải lãnh hậu quả. Chính phủ cũng đang lên kế hoạch điều tra thiệt hại do hành động nghỉ việc nói trên gây ra cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho người làm việc tại các khoa quan trọng.

Bác sĩ thực tập tại các bệnh viện lớn thường nhận được khoảng 3,5 triệu won (khoảng 64,5 triệu đồng) mỗi tháng, tương đương mức lương trung bình của nhân viên công ty. Các bệnh viện lớn phụ thuộc rất nhiều vào bác sĩ thực tập, những người thường làm việc khoảng 80 giờ/tuần.

Trang tin Bloomberg dẫn lời giới quan sát cho biết mức lương thấp của bác sĩ trong lĩnh vực công và mối đe dọa kiện tụng gia tăng từ bệnh nhân đã thúc đẩy một số bác sĩ chuyển sang các chuyên khoa sinh lợi nhiều hơn nhưng ít rủi ro hơn, như da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong các dịch vụ công quan trọng.

Ông Choi Jin, người đứng đầu Viện Nghiên cứu sự lãnh đạo của Tổng thống (trụ sở ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc), cho rằng chưa có chính trị gia nào cố gắng tìm giải pháp cho những vấn đề nói trên. Chuyên gia này lập luận rằng những giải pháp như thế đòi hỏi tăng tiền đóng thuế của người dân và sẽ không được ủng hộ.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/dang-sau-cuoc-khung-hoang-nganh-y-o-han-quoc-196240228210611823.htm