Thế giới

Điều bất ngờ trong chiến dịch đặc nhiệm Mỹ đổ bộ bắt tướng quân đội ở quốc gia châu Phi

Quân đội Mỹ từng huy động lực lượng đặc nhiệm đổ bộ ở một quốc gia châu Phi nhằm bắt một tướng chỉ huy có ảnh hưởng lớn nhất nhằm có thể sớm chấm dứt nội chiến.

Điều bất ngờ trong chiến dịch đặc nhiệm Mỹ đổ bộ bắt tướng quân đội ở quốc gia châu Phi
Binh sĩ Mỹ chiến đấu ở Somalia năm 1993.

Năm 1991, một biến cố lớn xảy ra ở Somalia. Tướng Siad Barre, người có công thống nhất hầu hết lãnh thổ Somalia trong gần 20 năm, đột ngột qua đời. Các thế lực quân sự khác bắt đầu triệt hạ lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực.

Bước ngoặt trong giao tranh ở Somalia diễn ra vào năm 1993, khi một trong các thủ lĩnh quân sự tỏ ra chiếm ưu thế hơn hẳn. Đó là tướng Mohamed Farrah Aidid.

Nhưng để đạt các mục tiêu quân sự, tướng Aidid sẵn sàng áp dụng các chiến lược khắc nghiệt. Tướng Aidid bị cho là người gây ra nạn đói khiến 300.000 người chết ở Somalia.

Các tay súng trong hàng ngũ của Aidid cướp những hòm chứa thực phẩm mà Liên Hợp Quốc thả xuống bằng máy bay. Kiểm soát nguồn lương thực là một trong những cách để tướng Aidid kiểm soát lãnh thổ.

Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đã đưa quân đổ bộ vào Somalia, chấm dứt tình trạng cướp bóc lương thực, khôi phục trật tự. Lính Mỹ sau đó nhanh chóng rời khỏi quốc gia châu Phi.

Nhưng tướng Aidid không dễ dàng cho qua chuyện này. Ngay khi các binh sĩ Mỹ rời đi, tướng Aidid đã tuyên chiến và tấn công các lực lượng gìn giữ hòa bình còn lại ở Somalia.

Trước thách thức công khai từ tướng Aidid, Tổng thống Mỹ Bill Clinton phê duyệt Chiến dịch Gothic Serpent với mục tiêu bắt sống tướng Mohamed Farrah Aidid và các thành viên chủ chốt.

Chiến dịch diễn ra ở thủ đô Mongadishu của Somalia. Mỹ huy động 441 đặc nhiệm tinh nhuệ Ranger cùng các trực thăng vận tải, trực thăng tấn công, xe bọc thép cho sứ mệnh này.

Ngày 28/8/1993, trong cuộc đụng độ đầu tiên, các tay súng trung thành với tướng Aidid bắn súng cối khiến 4 đặc nhiệm Ranger bị thương. Trong một tháng sau đó, các đặc nhiệm Ranger đã cố gắng xác định vị trí của tướng Aidid - người khi đó đã không còn xuất hiện trước công chúng.

Ngày 25/9/1993, lực lượng trung thành với tướng Aidid bắn rơi một trực thăng Black Hawk khiến 3 thành viên phi hành đoàn của Mỹ thiệt mạng. Mặc dù trực thăng tổn thất không thuộc lực lượng đặc nhiệm, nhưng sự việc này được coi là chiến thắng về mặt tâm lý với phe của tướng Aidid.

Trước trận đánh quyết định diễn ra vào tháng 10/1993, lực lượng Mỹ đối mặt với một số thách thức. Làn sóng chống Mỹ ở Somalia có xu hướng gia tăng, tạo ra lợi thế cho tướng Aidid. Sau nhiều lần đột kích nhưng không bắt được tướng Aidid mà chỉ gây thương vong cho dân thường, chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton buộc phải áp dụng quy tắc giao tranh mới, nghĩa là hạn chế sử dụng vũ khí có sức công phá lớn.

Điều bất ngờ trong chiến dịch đặc nhiệm Mỹ đổ bộ bắt tướng quân đội ở quốc gia châu Phi - 1
Xe bọc thép Mỹ trúng phải mìn ở Somalia và bị phá hủy hoàn toàn.

Tướng William F. Garrison, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đã nhiều lần yêu cầu được cung cấp máy bay vũ trang AC-130 và xe tăng M1 Abrams nhưng đều bị từ chối.

Ngoài ra, tướng Garrison cũng đưa ra quyết định sai lầm khi treo giải thưởng trị giá 25.000 USD cho bất kì cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của tướng Aidid. Tướng Garrison không ngờ rằng giải thưởng này đã tạo ra phản ứng ngược. Người dân Somalia tỏ ra bất bình, cho rằng Mỹ đưa ra phần thưởng quá thấp, xúc phạm đến danh dự.

Thiếu tá Roger Sangvic, nhà phân tích chiến lược của quân đội Mỹ, từng nói: "Khoản tiền thưởng quá ít ỏi này chỉ càng khiến tướng Aidid gia tăng uy tín và được đông đảo người dân Somalia ủng hộ".

Đầu tháng 10/1993, đặc nhiệm Mỹ chuyển sang mục tiêu truy bắt hai cấp dưới của tướng Aidid, kì vọng đây sẽ là nguồn cung cấp manh mối quan trọng.

Hai nhân vật này cùng các thành viên khác được xác định sẽ gặp nhau trong một cuộc họp ở khách sạn Olympic, thủ đô Mogandishu vào 3 giờchiều ngày 3/10/1993. Khu vực quanh khách sạn được đánh giá là nơi có rủi ro cao do người dân ở khu vực có tư tưởng chống Mỹ rất mạnh.

Theo kế hoạch, đặc nhiệm Delta sẽ đổ bộ từ 4 trực thăng AH-6, mỗi trực thăng chở 4 người. Họ sẽ là lực lượng chính tiến vào khách sạn Olympic để bắt hai cấp dưới của tướng Aidid và những người liên quan.

Đồng thời, các đặc nhiệm Ranger sẽ đổ bộ xuống 4 tòa nhà xung quanh, tạo ra hàng rào an ninh ngăn các tay súng trung thành với tướng Aidid tìm cách giải cứu đồng đội. Lực lượng thứ ba do trung tá Danny McKnight chỉ huy, di chuyển trên các xe bọc thép HMMWV, đưa các tù nhân lên xe rồi nhanh chóng rời khỏi khu vực. Toàn bộ cuộc đột kích được ấn định diễn ra dưới 1 giờ đồng hồ.

Điều bất ngờ trong chiến dịch đặc nhiệm Mỹ đổ bộ bắt tướng quân đội ở quốc gia châu Phi - 2
Binh sĩ Mỹ tuần tra trên đường phố Somalia vào ngày 13/10/1993.

Nhưng những gì diễn ra trên thực địa hoàn toàn khác. Các đặc nhiệm Mỹ mất 15 giờ để hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là cuộc đột kích gây thương vong lớn nhất cho Mỹ trong hàng thập kỷ.

Sau 20 phút đầu tiên, các đặc nhiệm Mỹ đã khống chế thành công hai nhân vật cấp cao của tướng Aidid và 18 người liên quan. Nhưng khi đưa những người này về căn cứ, các đặc nhiệm Mỹ gặp khó khăn.

Tướng Garrison được xác định đã mắc sai lầm khi đưa ra chỉ thị chomáy bay trinh sát tầm cao Orion trực tiếp tham gia dẫn đường cho đoàn xe bọc thép.

Do hạn chế về mặt công nghệ khi đó, máy bay Orion phải truyền tín hiệu về trung tâm chỉ huy. Trung tâm chỉ huy lại truyền thông tin tới trực thăng hoạt động ở khu vực và trực thăng mới truyền tải dữ liệu cho đoàn xe của trung tá Danny McKnight.

Khâu truyền tải dữ liệu với rất nhiều bước này tạo ra độ trễ lớn, khiến đoàn xe bọc thép liên tục đi nhầm đường và bị các tay súng Somalia phục kích.

Cuộc đột kích kéo dài cũng khiến các trực thăng Mỹ trở thành mục tiêu của phiến quân Somalia. Ngay trước khi đoàn xe bọc thép Mỹ đưa cáctù nhân rời khu vực, hai trực thăng Black Hawk bị phiến quân sử dụng súng phóng lựu RPG bắn rơi.

Điều bất ngờ trong chiến dịch đặc nhiệm Mỹ đổ bộ bắt tướng quân đội ở quốc gia châu Phi - 3
Sau chiến dịch bắt tướng Mohamed Farrah Aidid bất thành, các binh sĩ Mỹ dần rút khỏi Somalia.

Các đặc nhiệm Mỹ sau đó phải phân tán lực lượng, tìm cách giải cứu các phi công còn sống sót và cuối cùng bị mắc kẹt. Suốt đêm ngày 3 và rạng sáng 4/10/1993, quân đội Mỹ đã huy động máy bay, trực thăng liên tục quần thảo bầu trời, bắn hơn 80.000 quả đạn để ngăn lực lượng trung thành với tướng Aidid áp đảo lực lượng Mỹ dưới mặt đất.

Quân đội Mỹ sau này thừa nhận, cuộc đột kích diễn ra vào ban ngày đặt ra rủi ro lớn. Mỹ cũng đã đánh giá thấp mức độ thù địch của người dân Somalia sống ở khu vực.

Cuộc đột kích diễn ra vào ban ngày cũng giúp lực lượng của tướng Aidid dễ dàng phát hiện dấu hiệu bất thường để đưa ra biện pháp đối phó.

Khi được hỏi rằng, có phải phiến quân Somalia biết về cuộc đột kích hay không, đại úy Haad, một thành viên trung thành với tướng Aidid,sau này kể lại: "Ngay khi các máy bay Mỹ rời căn cứ, chúng tôi đã biết về điều đó".

Xét trên phương diện quân sự, cuộc đột kích vẫn được coi là thành công vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Sáng ngày hôm sau, các đặc nhiệm Mỹ được lực lượng chi viện gồm 70 xe bọc thép giải cứu và đoàn xe rời khỏi thủ đô Mogandishu cùng các tù nhân.

Nhưng xét trên phương diện chính trị, cuộc đột kích đã dẫn đến thất bại của chiến dịch. Dư luận Mỹ phản ứng dữ dội khi đặc nhiệm chịu tổn thất lớn. Ước tính khoảng 70% quân nhân Mỹ tham gia cuộc đột kích hứng chịu thương vong.

Ngày 6/10/1993, Tổng thống Mỹ Clinton ra lệnh cho quân đội chấm dứt toàn bộ hoạt động chiến đấu ở Somali. Binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Somali vào tháng 3/1994. Sau khi thoát khỏi sự truy bắt của Mỹ, tướng Aidid ngày càng củng cố uy tín và trở thành Tổng thống Somali năm 1995.

Cuộc điều tra của quân đội Mỹ sau này quy trách nhiệm hoàn toàn cho tướng Garrison. Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm đã thừa nhận hoàn toàn sai sót và rời quân ngũ năm 1996.

Thất bại trong chiến dịch ở Somalia khiến Mỹ gần như không còn trực tiếp can thiệp quân sự vào bất cứ điểm nóng nào trên thế giới, cho đến khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Theo Đăng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/ieu-bat-ngo-trong-chien-dich-ac-nhiem-my-o-bo-bat-tuong-quan-oi-o-quoc-gia-chau-phi-a622716.html