Thế giới

Lá chắn tên lửa 40 tỷ USD vừa thử nghiệm thành công của Mỹ

Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên Mặt đất (GMD) được thiết kế để hủy diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong không gian nhưng đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả.

Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên Mặt đất (GMD) được thiết kế để hủy diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong không gian nhưng đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả.

Lịch sử phòng thủ tên lửa được hình thành vào đầu những năm 1950, khi 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô đẩy mạnh việc phát triển các loại tên lửa đạn đạo. Theo Global Security, Mỹ sở hữu danh sách khá dài các chương trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa như chương trình Nike-Zeus những năm 1950, chương trình Sentinel những năm 1960, chương trình Safeguard đầu những năm 1970.

Năm 1972, Mỹ và Liên Xô thống nhất ký kết Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) nhằm hạn chế số tên lửa đánh chặn của mỗi nước dưới 100. Năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan kích hoạt chương trình Sáng kiến Phòng thủ chiến lược, còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Năm 1999, Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM để phát triển hệ thống Phòng thủ Tên lửa Quốc gia (NMD) do Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) quản lý phối hợp với Bộ tư lệnh Không quân và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hệ thống đánh chặn đắt nhất thế giới

Năm 2002, chương trình NMD được đổi tên thành Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa trên Mặt đất (GMD) để phân biệt với các chương trình phòng thủ tên lửa khác của Mỹ. Chương trình GMD do Boeing làm nhà thầu chính và một số nhà thầu phụ.

Theo trang web chính thức của MDA, tính đến năm 2017, tổng chi phí cho chương trình GMD lên đến 40 tỷ USD, đưa nó trở thành chương trình phòng thủ tên lửa tốn kém nhất lịch sử. GMD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài không gian, trong giai đoạn giữa của chuyến bay.

La chan ten lua 40 ty USD vua thu nghiem thanh cong cua My hinh anh 1

Tên lửa đánh chặn phóng từ silo trong lòng đất GBI chuẩn bị được đưa vào hầm chứa. Ảnh: MDA.

Thành phần của GMD gồm: Phương tiện đánh chặn bên ngoài bầu khí quyển (EKV) do tập đoàn Raytheon chế tạo. Tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI) do Orbital Sciences chế tạo, tên lửa được phóng từ silo cố định trong lòng đất.

Hệ thống quản lý chiến đấu, kiểm soát và truyền thông (BMC3) do Northrop Grumman phát triển. Radar mặt đất (GRB), radar cảnh báo sớm tầm xa PAVE PAWS, hệ thống chuyển tiếp thông tin mục tiêu từ radar cảnh báo sớm trên biển SBX-1 do Raytheon chế tạo.

GMD đang có 2 căn cứ đánh chặn tại Fort Greely, Alaska và căn cứ không quân Vandenberg, California. Một căn cứ thứ 3 dự định triển khai tại Ba Lan nhưng đã bị hủy bỏ vào năm 2009. Năm 2013, chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua kế hoạch bổ sung thêm 14 tên lửa đánh chặn cùng với 26 tên lửa hiện có tại căn cứ Fort Greely để đối phó với mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

MDA đang đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm của chương trình để đối phó với sự tăng tốc của chương trình tên lửa Triều Tiên. Ngày 30/5, GMD đánh chặn thành công mục tiêu giả định trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa.

Những hoài nghi về hiệu quả

Số tiền đầu tư cho chương trình GMD là rất lớn nhưng các chuyên gia quân sự đang hoài nghi về hiệu suất hoạt động của nó. Tính từ năm 1999 đến nay, trong số 18 lần thử nghiệm đánh chặn, chỉ có 10 lần thành công ( khoảng 55%). Trong đó có những lần thất bại liên tiếp kéo dài trong nhiều năm.

La chan ten lua 40 ty USD vua thu nghiem thanh cong cua My hinh anh 2

Radar trên biển SBX-1, thành phần quan trọng trong hệ thống cảnh báo sớm của GMD. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Điển hình là từ năm 2002-2005, 3 lần thử nghiệm liên tiếp đều thất bại, từ năm 2010-2013 cũng lặp lại 3 lần thất bại liên tiếp. Chính quan chức MDA từng thừa nhận, đầu đạn EKV của hệ thống GMD không thực sự hiệu quả và cần được thiết kế lại.

EKV dường như đã được vội vã đưa vào trang bị từ năm 2004 để ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Phó đô đốc James Syring, Giám đốc MDA từng nói với Tiểu ban Quốc phòng Thượng viện rằng, EKV cần được thiết kế lại theo công nghệ module với kiến trúc phần mềm và giao diện mở để đơn giãn hóa việc nâng cấp trong tương lai.

Một số nhà lập pháp muốn đình chỉ hệ thống GMD vì họ tin rằng nó không hiệu quả và quá tốn kém. Mỗi lần thử nghiệm của GMD có chi phí khoảng 200 triệu USD. Năm 2016, MDA cho biết sắp hoàn thiện thiết kế EKV mới, dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm từ năm 2018. Giới phân tích nhận định, GMD thực sự là một “canh bạc” lớn đối với MDA cũng như cả nước Mỹ.

Theo Quốc Việt (Tri Thức Trực Tuyến)