Thế giới

Nga sẽ làm gì với chiếc máy bay MiG-29K rơi xuống biển?

Để phòng ngừa việc phương Tây tìm cách tiếp cận thiết bị và thông tin tuyệt mật trong xác máy bay MiG-29K bị rơi ở biển Địa Trung Hải, Nga có thể thả mìn huỷ diệt máy bay hoặc… không làm gì cả.

Để phòng ngừa việc phương Tây tìm cách tiếp cận thiết bị và thông tin tuyệt mật trong xác máy bay MiG-29K bị rơi ở biển Địa Trung Hải, Nga có thể thả mìn huỷ diệt máy bay hoặc… không làm gì cả.

MiG-29K là phiên bản dùng trên tàu sân bay của loại tiêm kích MiG-29 có từ những năm đầu 1980 - Ảnh từ clip 

Theo Cổng thông tin Hải quân Nga ngày 15.11, một máy bay MiG-29K sau khi cất cánh cùng 2 chiếc MiG-29K khác từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở trên Địa Trung Hải gần bờ biển Syria vào chiều 13.11 thì bị trục trặc kỹ thuật. Máy bay đã quay lại tìm cách hạ cánh xuống tàu Kuznetsov nhưng đã bị rơi khi còn cách tàu vài km. Phi công nhảy dù và được lực lượng cứu hộ của tàu vớt lên, sức khoẻ ổn định.

Tuy vậy phi công và các máy bay MiG-29K còn lại sẽ tạm ngưng hoạt động theo quy định (khoảng 1 tháng) để chờ kết quả điều tra và bình phục về mặt tâm lý.

Đây là tai nạn máy bay thứ 3 của tàu Đô đốc Kuznetsov. Tai nạn đầu tiên xảy ra ngày 18.10.2004, khi một máy bay huấn luyện Su-25UTG hạ cánh xuống tàu quá mạnh khiến gãy càng đáp bên phải, máy bay văng xa 90 m. Phi công không bị thương, nhưng máy bay và lớp phủ vật liệu chịu lửa boong tàu sân bay bị hư hại. 

Tai nạn thứ hai diễn ra ở phía bắc Đại Tây Dương ngày 5.9.2005. Khi đó một chiếc Su-33 lúc hạ cánh thì càng móc sợi cáp hãm đà của máy bay bị gãy khiến máy bay văng khỏi boong tàu rơi xuống biển.

Lúc đó báo chí Nga đặt vấn đề rằng hải quân Nga sẽ trục vớt xác máy bay hoặc thả mìn phá hủy máy bay, bởi vì trên máy bay có những bí mật quân sự, gồm cả hệ thống xác nhận "bạn hay thù". Cuối cùng, chỉ huy hạm đội đã không chọn phương án trục vớt lẫn thả mìn, bởi độ sâu khoảng 1.100 m ở nơi xảy ra tai nạn không cho cơ hội thành công của các phương án đó.

Nga sẽ làm gì với chiếc máy bay MiG-29K rơi xuống biển? - ảnh 2
Liệu Nga sẽ thả mìn huỷ diệt máy bay MiG-29K bị rơi?

Với tai nạn thứ ba là chiếc MiG-29K rơi chiều 13.11.2016, tình cảnh này tương tự vụ Su-33 rơi ở bắc Đại Tây Dương bởi khu vực tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang hoạt động gần Syria có độ sâu từ 1 - 1,5 km. Cho đến nay, tư lệnh Hải quân Nga không lên tiếng về số phận của chiếc máy bay bị rơi này.

Để trục vớt máy bay, cần có tàu và thiết bị lặn đặc biệt. Hiện nay Hải quân Nga có tàu cứu hộ KIL-158 của Hạm đội Biển Đen thường di chuyển từ căn cứ Sevastopol đến cảng Tartus của Syria để cung cấp nhu yếu phẩm cho lực lượng Nga. Tàu này mang theo 1 tàu lặn có thể cứu hộ tàu ngầm ở độ sâu 300 m. Do vậy với độ sâu hơn 1 km thì KIL-158 không có khả năng trục vớt máy bay MiG-29K. 

Còn thả mìn huỷ diệt? Một sĩ quan thuộc bộ Tham mưu Hải quân Nga cho biết trong vụ rơi máy bay Su-33 hồi năm 2005, việc phá huỷ là rất khó. "Trường hợp tìm thấy xác máy bay, khó mà phóng bom chống ngầm xuống đó để phá huỷ cho chính xác ở độ sâu như vậy. Còn thả mìn biển thì vừa tốn thời gian và cũng không đảm bảo chính xác".

Nga sẽ làm gì với chiếc máy bay MiG-29K rơi xuống biển? - ảnh 3
Trên tiêm kích MiG-29K của Nga có nhiều bí mật quân sự mà phương Tây rất quan tâm - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Người ta cho rằng với các chuyên gia quân sự phương Tây, thiết bị mà họ quan tâm trên máy bay MiG-29K của Nga là radar Zhuk có khả năng theo dõi 10 mục tiêu trên không và hướng dẫn bắn cùng lúc 4 mục tiêu; hệ thống định vị Uzel, hệ thống liên lạc Karat.

Ngoài ra là động cơ RD33MK của máy bay, được thiết kế trên cơ sở động cơ của MiG-29SE và MiG-29 SMT. Loại động cơ này mạnh, có buồng đốt phụ (after-burner) và có tuổi thọ hoạt động 4.000 giờ, gấp đôi so với động cơ cũ. Động cơ này hoạt động tốt ở vùng biển ấm.

Nga sẽ làm gì với chiếc máy bay MiG-29K rơi xuống biển? - ảnh 4
MiG-29K (phải) và Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ngoài khơi Syria, tháng 11.2016
 
Nga sẽ làm gì với chiếc máy bay MiG-29K rơi xuống biển? - ảnh 5
Phóng viên Truyền hình quân đội Nga bên cạnh những quả bom KAB-500 chuẩn bị gắn lên tiêm kích Su-33 để ném xuống vị trí của quân khủng bố ở Syria

Theo Cổng thông tin hải quân Nga, trong lịch sử các chuyên gia quân sự Mỹ luôn tìm cách thu thập các công nghệ của những nước kẻ thù. Hồi năm 1974, Mỹ tiến hành chiến dịch Azorian, dùng một chiếc tàu đặc biệt tên là Glomar Explorer để cố trục vớt tàu ngầm điện - diesel K-129 của Liên Xô chìm ở bắc Thái Bình Dương vào tháng 3.1968 ở độ sâu hơn 5.000 m. Người Mỹ hy vọng sẽ tìm thấy được các sách mật mã và tên lửa đạn đạo trên tàu. Tuy nhiên theo các thông tin không chính thức, họ chỉ vớt được 2 quả ngư lôi hạt nhân và vài món đồ ít giá trị khác.

Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)