Thế giới

Nghị trường Trung Quốc quy tụ giới siêu giàu

Nghị trường Trung Quốc quy tụ ngày càng nhiều giới siêu giàu, với tổng tài sản lên đến hàng trăm tỷ USD, cho thấy sức ảnh hưởng không ngừng tăng của tầng lớp này đến nền chính trị.

Nghị trường Trung Quốc quy tụ ngày càng nhiều giới siêu giàu, với tổng tài sản lên đến hàng trăm tỷ USD, cho thấy sức ảnh hưởng không ngừng tăng của tầng lớp này đến nền chính trị.

Nghị trưởng Trung Quốc quy tụ ngày càng nhiều giới siêu giàu nước này. Ảnh: Sina

 
Hôm qua, Trung Quốc chính thức khai mạc hội nghị thường kỳ của hai cơ quan lập pháp, là Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc (Chính hiệp), với sự hiện diện của hơn 5000 đại biểu.

Theo số liệu của Hồ Nhuận, tổ chức chuyên nghiên cứu về giới siêu giàu Trung Quốc, 203 đại biểu thuộc hai cơ quan quyền lực trên nằm trong danh sách các tỷ phú mà tổ chức này thường xuyên theo dõi. Theo đó, tổng tài sản của các đại biểu này lên đến hơn 460 tỷ USD, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của Áo.

New York Times cho hay, mức độ quy tập giới siêu giàu tại nghị trường Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lưỡng viện Mỹ. Số liệu của Trung tâm Phản hồi Chính trị tại Washington cho thấy, người giàu nhất trong hệ thống chính quyền Mỹ là ông Darrell Issa, nghị sĩ đảng Cộng hòa, với tài sản cá nhân hơn 400 triệu USD.

Tuy nhiên, tài sản của nghị sĩ Issa chỉ có thể đứng hàng thứ 166, nếu đặt trong danh sách các đại biểu quốc hội siêu giàu của Trung Quốc. Tài sản của 18 người đứng đầu danh sách này lớn hơn nhiều so với tổng tài sản của toàn bộ 535 nghị sĩ lưỡng viện Mỹ, với 9 thành viên Tòa án Tối cao và toàn thể thành viên nội các của Tổng thống Barack Obama cộng lại.

Tham gia kỳ họp lần này có một số tỷ phú đáng chú ý như Chủ tịch Tập đoàn Vạn Đạt Vương Kiện Lâm, người giàu thứ hai Trung Quốc, CEO Tập đoàn Baidu Lý Ngạn Hoành, đối thủ chính của Google tại thị trường Trung Quốc, hay như ông Lý Tắc Cự, trưởng nam của tỷ phú giàu nhất châu Á Lý Gia Thành. 

Giới phân tích nhận định rằng, thực tế trên cho thấy sức ảnh hưởng của giới siêu giàu trên chính trường Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. "Trở thành đại biểu của một trong hai cơ quan trên khiến họ có cơ hội được tiếp xúc với giới lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước", Phó giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California, cơ sở San Diego, bình luận.

Chuyên gia này cũng cho biết, giới siêu giàu tận dụng mọi cơ hội có thể để trở thành đại biểu quốc hội, nhằm giúp cho công việc kinh doanh chịu tác động ít nhất từ các động thái có thể gây bất lợi của chính phủ. "Trong khi đó, giới nhà giàu Mỹ chỉ có thể đạt được hiệu quả tương tự, thông qua các thuyết khách, luật sư và cố vấn quan hệ cộng đồng", ông Shih nói.

Khác với giới nghị sĩ Mỹ phải công khai tài sản, các đại biểu Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc không cần phải kinh qua thủ tục trên. Vì vậy, số liệu của Hồ Nhuận chỉ có thể căn cứ trên báo cáo tài chính của các công ty thuộc quyền sở hữu của các đại biểu này.

"Có thể một số đại biểu khác cũng rất giàu có, nhưng thông tin về tài sản của họ không được công bố", bình luận viên Michael Forsythe của New York Times cho biết. "Một trong những nguồn gốc rõ ràng nhất của những tài sản này là thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ USD của Trung Quốc".

Tuy nhiên, dưới sức ép của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, tư cách đại biểu quốc hội không còn là lá chắn bản vệ trước các cáo buộc vi phạm pháp luật. Trong danh sách 40 đại biểu quốc hội bị khai trừ lần này do liên quan tham nhũng, có 12 người là chủ doanh nghiệp.

Tỷ phú Lý Ngạn Hoành (giữa), đại biểu Chính hiệp, trả lời phỏng vấn trước khi vào họp. Ảnh: Reuters

 
Bắc Kinh cũng muốn thông qua việc thâu nạp tầng lớp tinh hoa kinh tế, để phủ sóng sức ảnh hưởng đến khắp tất cả các tầng lớp nhân dân. Việc giới siêu giàu được bầu vào cơ quan lập pháp và kết nạp đảng Cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ năm 2000, khi cựu chủ tịch Giang Trạch Dân đưa ra học thuyết "Ba đại diện". 

Theo đó, đảng Cộng sản đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất xã hội tiên tiến, đại diện cho phương hướng phát triển của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân.

Với phương châm thứ nhất làm cơ sở, tại Đại hội 16 diễn ra năm 2002, ông Giang lần đầu tiên đề ra chính sách cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp đảng. "Đảng muốn thông qua biện pháp này để nâng cao năng lực cầm quyền của mình", Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh thuộc Đại học Nottingham cho biết.

Tuy nhiên, Giáo sư Cát Kiếm Hùng thuộc Đại học Phúc Đán thì cho rằng tính chất của Quốc hội và Chính hiệp khác nhau, vì vậy cần có sự phân biệt về thành phần của đại biểu hai cơ quan trên. Ông Cát là thành viên thuộc Ủy ban thường trực của Chính hiệp.

"Chính hiệp không phải là cơ quan quyền lực, mà có hai nhiệm vụ là tham gia bàn thảo chính trị và thống nhất các thành phần xã hội. Vì vậy, Chính hiệp cần những đại biểu thuộc giới nhà giàu, ngôi sao để chứng tỏ sức thu hút của cơ quan này", Giáo sư Cát nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. "Nhưng, liệu họ có nhu cầu tham gia bàn thảo chính trị thật sự không".

Vì vậy, chuyên gia này đề nghị cơ quan Chính hiệp nên có chức danh đại biểu danh dự, gồm những người nổi tiếng để đại diện cho các tầng lớp khác nhau trong xã hội, để phân biệt với các đại biểu thực chất, những người tham gia thực sự vào quá trình xây dựng chính sách.
 
Theo Đ.Dương (VnExpress.net)