Thế giới

Số phận bi thảm của "ngôi sao châu Phi"trong không quân Đức

Hans-Joachim Marseille đã 158 lần bắn rơi máy bay đối phương, trước khi trở thành nạn nhân cuối cùng của chính chiến đấu cơ do mình điều khiển.

Hans-Joachim Marseille đã 158 lần bắn rơi máy bay đối phương, trước khi trở thành nạn nhân cuối cùng của chính chiến đấu cơ do mình điều khiển.

Marseille sau một trận không chiến. Ảnh: Pinterest.

Trong Thế chiến II, Hans-Joachim Marseille là một trong những phi công đẳng cấp nhất của phát xít Đức, cũng là người bắn rơi nhiều máy bay của quân Đồng minh nhất. Dù thành công của ông trở thành hình ảnh tuyên truyền rất giá trị cho phát xít Đức, bản thân Marseille lại không ưa chế độ Đức Quốc xã, thậm chí còn liên tục chống đối Hitler, theo War History.

Hans-Joachim Marseille sinh năm 1919 ở Berlin, Đức, gia nhập không quân Đức năm 1938. Với tính cách thích nổi loạn tại trường huấn luyện, Marseille bị lưu ban trong khi các đồng đội tốt nghiệp và được thăng chức. Năm 1939, Marseille bị chuyển đến Trường phi công tiêm kích số 5 và gây ngạc nhiên khi tốt nghiệp loại xuất sắc một năm sau đó.

Ngày 24/8/1940, Marseille lập thành tích đầu tiên khi bắn rơi một máy bay Anh, nhưng gặp rắc rối với chỉ huy do tự ý tách khỏi đội hình. Một tháng sau, ông bắn rơi phi cơ Đồng minh thứ 4 nhưng lại bỏ rơi chỉ huy, khiến ông này thiệt mạng. Marseille giành thêm 3 chiến công nữa thì bị đuổi khỏi đơn vị.

Cuối năm 1940, Marseille được chuyển đến Không đoàn tiêm kích số 27 (JG 27) do Eduard Neumann chỉ huy. Neumann biết Marseille là người luôn gây phiền toái, nhưng cũng nhìn thấy tiềm năng của ông, nên sau đó cử phi công này đến Bắc Phi, nơi Marseille được mệnh danh là "Ngôi sao châu Phi".

Đóng quân ở một sân bay ngoại thành Tripoli, Libya, Marseille đã mài giũa kỹ năng chiến đấu và thuần thục hình thức không chiến mang tên "bắn đón".

Kỹ thuật này không bắn thẳng vào đối phương, mà bắn vào vị trí máy bay địch sẽ đến dựa trên đường bay thực tế. Marseille thậm chí còn nâng tầm kỹ thuật bằng cách tiếp cận từ một góc cao, thay vì áp sát từ phía sau và khai hỏa theo quy tắc tiêu chuẩn.

Ngoài việc ứng dụng kỹ thuật riêng, Marseille còn tìm cách áp sát đối phương rồi mới khai hỏa, giúp tiết kiệm được nhiều đạn hơn hầu hết phi công khác. Đến tháng 2/1942, ông lập chiến công thứ 50 và đến cuối tháng 6, con số này nâng lên 101.

Sau đó, Marseille được gọi trở về Đức để gặp mặt Hitler. Trong buổi tiệc có sự tham gia của Willy Messerschmitt, người thiết kế tiêm kích Bf 109, ông đề nghị được đánh đàn piano và chơi nhạc Jazz Mỹ, loại nhạc bị Hitler cấm. Điều này khiến ông trùm phát xít tức giận và bỏ đi.

Hans-Joachim Marseille khi gặp gỡ trùm phát xít Hitler

Tháng 7/1942, Marseille tham dự một bữa tiệc khác. Khi nghe các quan chức Quốc xã nói chuyện về người Do Thái, ông đã rất tức giận vì gia đình ông có quan hệ thân thiết với bác sĩ Do Thái giúp ông chào đời.

Ngày 13/8, Marseille bay đến Italy để nhận phần thưởng từ Benito Mussolini, sau đó biến mất. Cuối cùng, mật vụ Gestapo cũng tìm được và thuyết phục ông trở về căn cứ qua người vợ sắp cưới.

Ngày 1/9, ông bắn hạ 17 máy bay Đồng minh trong 3 lần xuất kích, nâng tổng số lần bắn hạ máy bay đối phương lên con số 126.

Tháng 9/1942 được coi là thời kỳ thành công nhất của Marseille với 54 lần bắn hạ máy bay địch, trong đó có 8 cuộc chiến diễn ra trong vòng 10 phút. Với thành tích này, Marseille được thưởng một xe Volkswagen Type 82 Kübelwagen và trở thành phi công trẻ nhất được thăng hàm đại úy.

so-phan-bi-tham-cua-ngoi-sao-chau-phi-trong-khong-quan-duc-1
Marseille khi được thăng cấp. Ảnh: Wikipedia.

Dù được thăng quân hàm, trao thưởng và tán dương, việc giết chóc khiến Marseille day dứt. Để chuộc lỗi, đôi khi ông lượn bên trên một máy bay bị bắn rơi để xem phi công còn sống sót hay không. Sau đó, Marseille viết một bức thư và thả xuống vị trí quân Đồng minh, trong thư có tọa độ máy bay rơi, giúp quân Đồng minh thực hiện chiến dịch tìm kiếm cứu hộ. Việc này được ông gọi là "sám hối" và đi ngược lại lệnh cấp trên.

Ở giai đoạn sau của Thế chiến II, Đức ngày càng thiếu phi công kinh nghiệm và không thể luân phiên triển khai để họ có thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Đến ngày 26/9, Marseille lập thành tích thứ 158 nhưng không thể tự ra khỏi máy bay do quá mệt mỏi. Cấp trên muốn điều ông trở lại Đức để nghỉ ngơi, nhưng Marseille từ chối với lý do đồng đội cần mình.

Ngày 30/9, chiếc máy bay của Marseille gặp sự cố khiến buồng lái chìm ngập khói. Không thể trở về căn cứ, ông đã nhảy ra khỏi máy bay và bị va vào cánh đuôi đứng của chiếc Bf 109. Marseille không bung dù và tử vong sau khi rơi từ độ cao 7 km. Cái chết của Marseille gây ảnh hưởng tới cả đơn vị, khiến chỉ huy phải cho họ nghỉ chiến đấu trong gần một tháng.

Maseille trở thành nạn nhân thứ 159 và cuối cùng của chính chiếc Bf 109 do mình điều khiển.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)