Thế giới

'Tái ông thất mã': Những người vô tình né 'họa sát thân' nhờ sự xui xẻo không ngờ vào ngày 11/9

Nhiều người không ngờ rằng những việc bình thường họ làm lại giúp họ thoát khỏi định mệnh trở thành nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.

Sự ngẫu nhiên xảy ra hàng ngày đôi lúc lại quyết định ai sống, ai chết và ai may mắn thoát khỏi tử thần. Tất cả chúng ta đều đưa ra hàng nghìn quyết định mỗi ngày - đặt chuyến bay nào, đi thang máy nào, đi làm việc vặt hay dừng lại quán uống cà phê trước khi làm việc - mà không bao giờ nhận ra ý nghĩa của nó.

Qua hàng thiên niên kỷ, loài người đã gọi "may mắn" và "số phận" bằng nhiều tên gọi, thường đan xen các khái niệm về định mệnh với bàn tay vô hình của Chúa. Loài người tin rằng số phận là lời giải thích hợp lí nhất cho những sự ngẫu nhiên - kể cả thăng trầm và may rủi - luôn diễn ra trong cuộc sống con người.

Thoát chết vì đi thay áo

Joseph Lott, đại diện bán hàng của công ty máy tính Compaq, đã sống sót sau một trong những ngày chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại vì ông có đam mê với "cà vạt nghệ thuật", những chiếc cà vạt có hình thêu các kiệt tác nổi tiếng thế giới.

Sáng ngày 11/9/2001, ông mặc chiếc áo sơ mi màu xanh lá cây khi gặp gỡ các đồng nghiệp tại khách sạn Marriott nằm kẹp giữa Tòa tháp đôi. Trong bữa sáng, đồng nghiệp Elaine Greenberg của ông đã tặng một chiếc cà vạt mà cô mới mua được trong chuyến đi du lịch gần đó.

'Tái ông thất mã': Những người vô tình né 'họa sát thân' nhờ sự xui xẻo không ngờ vào ngày 11/9
Sự kiện ngày 11/9/2001 đã làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới.

"Cà vạt có màu đỏ và xanh nước biển. Tôi rất cảm động vì cô ấy đã tặng cà vạt", Lott giải thích. "Nhưng cô ấy nói cà vạt không hợp màu với chiếc áo tôi đang mặc". Ông có lịch phát biểu tại nhà hàng Windows on the World ở tháp Bắc. Vì vậy, Lott đã quay trở lại phòng khách sạn để thay áo sơ mi.

Ông ủi một chiếc màu trắng, mặc vào, rồi đi xuống sảnh khách sạn. "Khi tôi đang đợi để đi từ tầng 7 xuống sảnh để chuyển thang máy lên tầng 104, tôi bất ngờ thấy tòa nhà rung chuyển".

Lott đã thoát được khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới ngày hôm đó. Nhưng Elaine Myra Greenberg, 56 tuổi, một nhà tư vấn tài chính ở New York, "bà cô tuyệt vời" theo lời của cháu trai và cháu gái cô, thì không.

Những hành động ngẫu nhiên về những người thoát khỏi thảm kịch ngày 11/9 cũng li kỳ không kém câu chuyện của Lott.

Vào đêm 10/9, một trận đấu ở Denver diễn ra vào tối muộn, điều đó có nghĩa rất nhiều người dân New York thức đêm đã đến làm việc hơi muộn vào sáng hôm 11/9, bỏ lỡ chuyến thang máy cuối cùng lên đến đỉnh của Tháp Bắc hoặc Tháp Nam.

Hay Roy Bell, người làm việc trên tầng 102 của Tháp Bắc, đã vô tình đổi lịch các cuộc họp khách hàng lúc 8h sáng thành 8h45. Michael Lomonaco, bếp trưởng tại nhà hàng Windows on the World, thường đi làm vào lúc 8h30, nhưng sáng ngày 11/9 đã dừng lại để làm kính mắt mới trong phòng mua sắm thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới. Ông đã sống sót, trong khi 72 đồng nghiệp của ông đều thiệt mạng.

Những vận may khó tin

Jared Kotz, một người tham dự hội nghị khác tại Windows on the World, đã sống sót vì thiếu một tài liệu quan trọng, do đó ông nói với mọi người mình sẽ trở lại văn phòng để lấy nó. "Tôi chào tạm biệt mọi người và nghĩ rằng tôi sẽ gặp họ sau một giờ hoặc ít hơn vậy. Tôi đi xuống thang máy, bước vào văn phòng và gọi cho các đồng nghiệp ở London để thông báo cho họ biết rằng tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Tôi đang nói chuyện với một trong những đồng nghiệp của mình ở London khi nghe tin máy bay lao tới".

'Tái ông thất mã': Những người vô tình né 'họa sát thân' nhờ sự xui xẻo không ngờ vào ngày 11/9 - 1
Nhiều người đã may mắn thoát khỏi cái chết nhờ vào những vận may khó tin.

David Kravette, một nhà môi giới tại Cantor Fitzgerald, đã sống sót vì một trong những khách hàng mà anh gặp vào sáng hôm đó đã quên bằng lái xe và cần phải làm thủ tục tại quầy an ninh. Thông thường, David sẽ cử trợ lý của mình xuống, nhưng trợ lý này đã mang thai được 8 tháng rưỡi, và anh không hề biết rằng việc tự đi xuống như vậy đã giúp mình thoát chết.

Ca thoát chết của Monica O’Leary, một nhân viên khác cũng làm việc tại Cantor Fitzgerald, có lẽ là điều kì diệu hơn cả. Cô sống sót vì công ty đã sa thải cô thậm chí không đầy 24 giờ trước khi vụ tấn công xảy ra. Nhưng chưa hết, sau vụ tấn công kinh hoàng, cô lại quay trở lại công ty làm việc do tất cả những nhân viên nhân sự xử lý hồ sơ sa thải đều thiệt mạng. Monica O'Leary thậm chí còn chưa bao giờ bị loại ra khỏi biên chế công ty.

Nicholas Reihner đáng nhẽ đã bay trên chuyến bay 11 của American Airlines. Tuy nhiên, anh bị trẹo mắt cá chân khi đi bộ và cuối cùng đã bỏ lỡ chuyến bay.

Diễn viên hài Seth MacFarlane cũng có vé về nước sau khi biểu diễn ở Rhode Island, nhưng đại lý du lịch đã điền sai thời gian trên lịch trình và anh đến muộn chỉ vài phút để kịp bắt máy bay. Hai người đều thoát chết do không có mặt trên những chuyến bay định mệnh.

Tại Lầu Năm Góc, chiếc máy bay thứ 3 bị không tặc chiếm đã đâm vào phần tòa nhà mới được nâng cấp với các tiêu chuẩn an ninh cao nhất - nó vừa có khả năng chịu lực tốt và vẫn chưa có nhiều người tới làm việc. Philip Smith, một quan chức quân đội, nhớ lại: “Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Nếu nó rơi xuống bất kì phần nào khác của Lầu Năm Góc, sẽ có 5.000 người thiệt mạng".

Những lựa chọn vốn dĩ bình thường, từ lịch trình du lịch tới việc phá vỡ thói quen lại quyết định việc một người sống hay chết vào ngày 11/9.

Có một câu nói nổi tiếng trong tiếng Tây Ban Nha: "Ta không thể chết trước khi tử thần gọi tên. Ta chỉ chết khi ta phải chết. Ta không bao giờ cận kề cái chết. Ta chết hoặc ta sống”. Điều này có lẽ rõ ràng hơn bao giờ hết trong sự kiện kinh hoàng xảy ra cách đây tròn 20 năm.

Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/tai-ong-that-ma-nhung-nguoi-vo-tinh-ne-hoa-sat-than-nho-su-xui-xeo-khong-ngo-vao-ngay-11-9-161211109064416800.htm