Thế giới

Thế giới quán bar Sài Gòn: Quyền lực của má mì

Má mì không chỉ là người huấn luyện các cô gái biết cách chiều chuộng khách, mà còn đóng vai trò quan trọng để gắn kết những mối quan hệ cần thiết trong phi vụ đầu tư với nhau.

Má mì không chỉ là người huấn luyện các cô gái biết cách chiều chuộng khách, mà còn đóng vai trò quan trọng để gắn kết những mối quan hệ cần thiết trong phi vụ đầu tư với nhau.

“Liệu các doanh nhân Việt có thể bảo đảm thỏa thuận làm ăn mà không cần quán karaoke hoặc bar?”. Khi trả lời câu hỏi này, Chú Nam và nhiều vị khách khác ở Khong Sao bar mà tôi tiếp xúc nói rằng các cô tiếp viên thực tế gián tiếp góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

“Chúng tôi cần một nơi an toàn để giúp các vị khách thư giãn, thế rồi chúng tôi bắt đầu tìm những cô gái có thể tin cậy để đào tạo. Nếu không có các má mì, tiền sẽ không dịch chuyển nhanh được, cô hiểu chứ”, chú Nam nói.

Các má mì chính là những người mang lại không gian mà khách hàng có thể tin tưởng, để họ và đối tác vừa vui vẻ, vừa trao đổi chuyện làm ăn. Các nhà hàng sang trọng, phòng trà ở những khách sạn cao cấp hay các buổi đánh golf không phải là không gian đủ thân mật để xây dựng sự gắn kết, mà chính là ở các quán bar.

Tại những bar cao cấp như Khong Sao, các đại gia trông cậy rất lớn vào má mì như Hạnh để thay họ huấn luyện các cô gái, và hỗ trợ những hành động xây dựng sự gắn kết. Còn tại những bar cấp thấp hơn, má mì là người giúp tạo ra những mối quan hệ riêng tư giữa khách hàng và tiếp viên. Do vậy, có thể nói má mì chính là “người môi giới quan trọng” của dòng chảy vốn đổ vào Việt Nam, qua đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc kiều hối.

The gioi quan bar Sai Gon: Quyen luc cua ma mi hinh anh 1
Ảnh minh họa: gaijinpot

Từ gái quán bar ở quê đến trở thành bà chủ

Hạnh, má mì tổng quản tại Khong Sao bar, là người phụ nữ rất được các vị đại gia ở TP HCM đánh giá cao. Khi nhắc đến cô, những vị khách nhận định chung rằng Hạnh là người nắm trong tay nhiều mối quan hệ của thị trường mại dâm cao cấp, quen biết với nhiều nhân vật “máu mặt” trong thương trường. Để thực hiện công việc, Hạnh đã không tiếc tiền đầu tư vào phẫu thuật thẩm mỹ, quần áo, trang sức… nhằm duy trì hình ảnh sang trọng.

Trong một buổi chiều, chúng tôi ngồi tầm sự với nhau, Hạnh kể: “Cưng nhìn chị bây giờ chắc không thể nào biết chị từng là một con bé nhà quê nghèo. Hồi 16 tuổi, chị bắt đầu làm việc trong bar karaoke. Có hôm một nhóm khách kéo đến quán. Chị biết mấy ổng ở Sài Gòn xuống, nhưng mà không biết hết. Họ nói thích giọng hát của chị. Rồi ông chú Thạch hỏi chị có muốn chuyển lên Sài Gòn làm việc trong bar của người bạn không. Lúc đó chị sợ lắm, nên từ chối”.

Hạnh từ chối đề nghị của Chú Thạch rất nhiều lần, nên ông thường đến quán bar nơi cô làm việc để gặp gỡ nhiều hơn nhằm củng cố lòng tin. Chú Thạch cũng hiểu nhiều người mẹ sợ con gái họ bị dụ dỗ, bắt cóc, lạm dụng, hoặc cưỡng ép bán thân. Do vậy Chú Thạch nói Hạnh có thể dẫn cả mẹ cùng lên Sài Gòn, nếu công việc không hợp thì sẽ mua vé xe đò cho về quê.

“Khi đó chị sợ lắm, vì chị không biết gì hết. Ổng cứ nài nỉ là đang tìm người như chị, nói chắc nịch là chị sẽ trở thành chủ bar phục vụ toàn đại gia. Giờ nghĩ lại mới thấy hồi đó chị may mắn quá chừng. Khi mới lên Sài Gòn, chị hổng biết gì hết. Mà lúc nào chị cũng có khách gọi tới từng bàn. Chị kiếm được nhiều tiền lắm, mà hổng biết vì sao nữa. Mọi người nói chị có số sướng vì sinh ra năm con heo vàng”, Hạnh tâm sự.

Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, cuộc sống của Hạnh bước sang một đẳng cấp khác. Cô nghe theo chỉ dẫn của khách hàng về tiết kiệm và đầu tư tiền, nên tiền lại đẻ ra tiền. Hạnh có khả năng mua được 2 căn hộ cao cấp ở Quận 4 và Quận 2. Hạnh cũng mua thêm 2 căn nhà ở các thành phố du lịch là Đà Lạt và Đà Nẵng, sở hữu 3 nhà hàng. Cô khoe rằng tài sản có lúc gần 1 triệu USD. Mỗi tháng, Hạnh kiếm được khoảng 20.000-30.000 USD từ việc điều hành bar và nhà hàng.

Nhiều cô tiếp viên khác cũng từng thú thật với tôi là họ “may mắn” khi được làm việc trong thị trường khách hàng cao cấp. Tuy nhiên, để đạt đến vị trí như Hạnh đòi hỏi mối quan hệ xã hội sâu rộng như với Chú Thạch hoặc Chú Nam trong những ngày đầu cô từ quê lên phố, và những mối quan hệ mà cô thiết lập sau khi “vào nghề”.

Nữ tiến sĩ gốc Việt kể về 5 năm xâm nhập thế giới mại dâm: Theo tiến sĩ Kimberly Kay Hoang, lòng tin là điều khó nhất mà cô phải nỗ lực xây dựng để được các cô gái quán bar tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của họ.

Quyền lực ngầm của má mì

“Khi chị 18 tuổi, Chú Thạch nói chú mới mở quán bar mới và muốn chị sang làm quản lý ở bển. Lúc đó chị có biết quản lý là phải làm gì đâu. Rồi chú hướng dẫn chị, theo dõi cách chị điều hành bar, và chỉ phục vụ những người quyền thế thôi. Chị bắt đầu là từ vài ông đối tác của chú Thạch trong mấy vụ làm ăn, rồi nâng cấp dần dần”.

The gioi quan bar Sai Gon: Quyen luc cua ma mi hinh anh 2
Ảnh minh họa: disposableworkers

Trong gần 4 năm, Hạnh không hề biết rằng Chú Thạch thực chất là người đại diện của Nam, một nhân vật có các mối quan hệ rất lớn không chỉ trong giới doanh nhân. Những mối quan hệ này là điều kiện then chốt cho các vụ liên kết đầu tư giữa Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Chú Thạch là người đã xây dựng Khong Sao bar, để Nam có nơi an toàn tiếp khách, đồng thời sẽ không cô tiếp viên nào biết được quyền lực thật sự của Nam.

Sau khoảng 10 năm từ vai trò cô gái quán bar ở quê trở thành má mì tại Khong Sao bar, Hạnh đã quen với việc thường xuyên gặp gỡ những vị khách ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội hoặc các vị đại gia châu Á. Dù cô là một phần trong một cấu trúc xã hội gia trưởng, nơi những người đàn ông điều khiển dòng tiền mà phụ nữ là để “giải trí”; việc trở thành một má mì cũng giúp Hạnh thiết lập các mối quan hệ nội thành, xuyên tỉnh, thậm chí là xuyên quốc gia, qua đó bảo đảm sự thành công tài chính lâu dài của cô.

Hạnh còn sở hữu một tài nguyên mà bất kỳ vị khách nào đến Khong Sao bar đều muốn tiếp cận: Mối quan hệ. Dù khách hàng nào cũng đưa đối tác đến quán, nhưng không phải ai cũng là người quen biết toàn những nhân vật “tai to mặt lớn” như chú Nam. Do vậy, nhiều vị khách mong muốn được bước chân vào thế giới các mối quan hệ của Hạnh.

Chú Minh, một trong những khách quen của Khong Sao bar, lý giải về điều này: “Muốn là ăn ở Việt Nam phải qua nhiều lớp. Chúng tôi chẳng thể nào biết người mình đang nói chuyện có phải là người nắm tiền thực sự không, hay chỉ là người đại diện; hoặc sau lưng anh ta có bao nhiêu nhà đầu tư khác nữa… Đó là lý do mọi thứ đều cần lòng tin và mối quan hệ. Một dự án bất đồng sản luôn có nhiều ông chủ thực sự mà họ không bao giờ muốn tên xuất hiện trong hồ sơ”.

Và vai trò của Hạnh là gắn kết những người đàn ông này với nhau. Qua việc giới thiệu cho những vị khách gặp gỡ, những người có các mối quan hệ có thể bảo đảm công việc kinh doanh, Hạnh cũng chứng tỏ khách hàng rất cần cô, cũng như cô cần khách hàng. Như vậy, công việc của Hạnh không chỉ là tạo ra không gian riêng tư, mà còn giúp thiết lập các mối quan hệ xã hội trong một ngành nghề phi chính thống nhưng có hiệu quả ở nền kinh tế chính thức.

Điều kiện để trở thành má mì

Các tiếp viên ở những quán bar cao cấp không phải là hiện tượng nảy sinh do tái cấu trúc kinh tế toàn cầu. Từ vai trò (huấn luyện và quản lý) của những má mì như Hạnh, sự sắp xếp khéo léo của Chú Thạch đã thiết lập một cách chiến lược các quán bar cao cấp, nhằm hỗ trợ dòng chảy FDI vào các dự án phát triển trong nước.

Khi mới bắt đầu, cả Chú Thạch và Hạnh đều không thể đoán được rằng sự hợp tác giữa họ sẽ phát triển nhanh như vậy, cũng như Việt Nam sẽ trở thành một điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn ở châu Á. Sự kết hợp giữa may mắn và hoạch định chiến lược đã định hình vai trò của họ trong thế giới mại dâm và sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Hạnh, nhiều cô gái không bao giờ có thể trở thành má mì. “Quán bar cũng chính là thương trường, nhiều người không để tâm điều này. Các cô chỉ nghĩ họ đến đây vui vẻ với đàn ông và kiếm tiền. Đúng, đó là công việc, nhưng chỉ là công việc. Cưng không được yêu khách hàng mà phải tỉnh táo quản lý mối quan hệ. Mối quan hệ là tất cả”, Hạnh nói.

Đó là lý do Hạnh duy trì cuộc sống độc thân và không yêu ai trong những khách mà cô từng tiếp đón. Bởi lẽ, yêu một người cũng là phá hủy cơ hội để xây dựng quan hệ với những vị còn lại. Hạnh là một trong những nhân vật trung tâm trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ, nên cách thành công duy nhất là phải độc thân.

Trong một chia sẻ rất riêng tư, Hạnh nói: “Chị gặp nhiều đối tượng đàn ông khác nhau, ai cũng đối đãi và boa chị tử tế. Thậm chí là chị còn yêu vài ông, mấy ổng khiến chị buồn tan nát. Nhưng lúc nào chị cũng nghĩ mình may mắn”.

Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. Cô là chuyên gia về xã hội học có tiếng về các vấn đề giới, toàn cầu hóa, kinh tế xã hội học.

Cô có bằng thạc sĩ xã hội học tại ĐH Stanford và bằng tiến sĩ tại ĐH California Berkeley. Nghiên cứu nhập vai của cô tại TP HCM từng được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012.

Nghiên cứu của cô được ASA đánh giá "độc đáo" khi tiếp cận được nhiều góc độ khác nhau của lĩnh vực này. ASA cũng đánh giá nghiên cứu của cô đã "thúc đẩy nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội học truyền thống để tiếp cận các vấn đề về toàn cầu hóa" và tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu.

Theo Minh Anh (Zing.vn)