Thế giới

'Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan' của Taliban sẽ như thế nào, thời kỳ đen tối có quay trở lại?

Mỹ và NATO rút đi, chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ để lại một khoảng trống quyền lực ở Afghanistan.

Cuộc chiến lâu dài của Mỹ và các đồng minh chống khủng bố ở Afghanistan đã kết thúc với thắng lợi thuộc về Taliban. Ngày 15/8/2021, các chiến binh của Phong trào Taliban đã tiến vào Thủ đô Kabul và tuyên bố kiểm soát hoàn toàn đất nước. Chế độ thân Mỹ của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ nhanh chóng, chính quyền thuộc về tay Taliban. Afghanistan đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Tương lai Afghanistan dưới chính quyền Taliban

Taliban sẽ tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan - Islamic Emirate of Afghanistan (IEA) thay cho Cộng hoà Hồi giáo Afghanistan - Islamic Republic of Afghanistan (IRA). Đây là mục tiêu đấu tranh của Taliban và là tên gọi của Afghanistan trong thời gian họ cầm quyền (1996-2001).

Nhiều người lo ngại rằng, Taliban, một phong trào Hồi giáo cực đoan đã từng bị nhiều nước liệt kê vào danh sách khủng bố lên cầm quyền sẽ tìm cách trả thù những người hợp tác với chính quyền cũ, đưa Afghanistan trở lại thời kỳ họ cầm quyền, áp dụng luật Hồi giáo Sharia vô cùng khắc nghiệt. 

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác rất nhiều, giới lãnh đạo mới của Taliban có tư duy thực tế hơn. Mặt khác, họ cũng rút ra được những bài học trước đây và để tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân và các nước trên thế giới, Taliban sẽ phải thay đổi. Chưa thể đánh giá được hết tình hình, nhưng rõ ràng đã có một số dấu hiệu về sự thay đổi này.

'Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan' của Taliban sẽ như thế nào, thời kỳ đen tối có quay trở lại?

Trước khi mở cuộc tấn công vào Thủ đô Kabul, Taliban đã tuyên bố, không có tắm máu và không có sự trả thù, tất cả những ai muốn rời khỏi đất nước đều được đảm bảo một hành lang an ninh đến sân bay. 

Các quan chức còn lại của chế độ cũ sẽ phải thề trung thành và phụng sự chính quyền mới. Taliban cũng tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao nước ngoài, các Đại sứ quán ở Kabul. Mặc dù tình hình ở Kabul rất căng thẳng và hỗn loạn, Taliban vẫn cam kết sẽ bảo vệ các 

Cơ quan đại diện ngoại giao và khẳng định các những người làm việc trong các Đại sứ quán sẽ không gặp nguy hiểm, việc sơ tán là không cần thiết.

Taliban đảm bảo rằng các bệnh viện và trường học sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. 

Các nhà lãnh đạo phong trào Taliban tuyên bố, chính quyền mới sẽ không giống như trong chế độ Taliban trước đây, phụ nữ sẽ được phép đi học và làm việc miễn là họ phải mặc áo choàng đen và che mặt. Họ có thể ra đường mà không cần phải có người nhà đi theo. Trẻ em cũng sẽ được đến trường bình thường.

Những sai lầm của Mỹ và đồng minh NATO

Cuộc chiến của Mỹ và các đồng minh trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã để lại hậu quả hết sức nặng nề không chỉ đối với Afghanistan mà còn đối với chính Mỹ và NATO. Có thể nói đây là cuộc chiến tranh kéo dài nhất, tốn kém nhất và sai lầm lớn nhất của Mỹ và đồng minh phương Tây kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

'Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan' của Taliban sẽ như thế nào, thời kỳ đen tối có quay trở lại? - 1

Thứ nhất: Cuộc chiến tại Afganistan là một cuộc chiến tranh quy mô lớn, nhưng Mỹ và NATO lại đưa ra quyết định hết sức vội vã, chỉ chưa đầy một tháng sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2000. 

Một cuộc chiến tranh quy mô lớn như vậy không được chuẩn bị kỹ càng, không nghiên cứu địa hình Afghanistan, cơ cấu, sức mạnh của lực lượng Taliban và các công việc liên quan đến xây dựng chính quyền mới sau khi lật đỏi chính quyền Taliban.

Mỹ đã thất bại trong việc xây dựng một quân đội Afghanistan chính quy, hiện đại và mạnh mẽ có thể đương đầu với các lực lượng Taliban. 

Được trang bị các loại vũ khí hết sức hiện đại và được Mỹ huấn luyện, lại được sự ủng hộ hùng hậu của hơn 150 nghìn quân Mỹ và các nước trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng quân đội Afghanistan đã không bảo vệ được Thủ đô Kabul, chế độ của Tổng thống Ashraf Ghani đã sụp đổ nhanh chóng trước cuộc tấn công của các lực lượng dân quân Taliban được trang bị các loại vũ khí kém hơn nhiều lần.

Thứ hai: Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là chống khủng bố, nhưng về lâu dài là biến Afghanistan thành một quốc gia dân chủ, tự do theo hình mẫu phương Tây mà không hiểu rõ những đặc điểm của một xã hội Hồi giáo, đặc biệt là một xã hội mang màu sắc Hồi giáo chính thống, cực đoan ở Afghanistan. Một xã hội Hồi giáo như Afghanistan cũng như các nước Hồi giáo khác ở Trung Đông hoàn toàn không thể áp dụng được mô hình dân chủ và lối sống Mỹ.

Thứ ba: Quyết định tiến hành cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã được Washington đưa ra hết sức vội vã thì quyết định rút quân cũng được đưa ra quá sớm, trong khi chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani còn chưa thể đứng vững nếu không có sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ. 

'Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan' của Taliban sẽ như thế nào, thời kỳ đen tối có quay trở lại? - 2

Đồng thời, Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) đã đánh giá thấp sức mạnh của Taliban. Họ cho rằng Kabul có thể thất thủ trong 1-3 tháng, nhưng chỉ trong chưa đầy một tuần Taliban đã chiếm được Kabul và Tổng thống Ashraf Ghani đã phải bỏ chạy ra nước ngoài.

Và cuối cùng, do không dự đoán được tình hình diễn ra nhanh chóng như vậy, Mỹ và đồng minh hầu như đã không chuẩn bị cho kịch bản sơ tán các nhà ngoại giao và công dân của mình. Một cuộc di tản ồ ạt, giành chỗ nhau tại sân bay quốc tế Kabul.

Các nước sẽ can dự sau khi Mỹ rút?

Mỹ và NATO rút đi, chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ sẽ để lại một khoảng trống quyền lực. Các cường quốc và các nước trong khu vực đang tìm cách can dự để tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình.

'Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan' của Taliban sẽ như thế nào, thời kỳ đen tối có quay trở lại? - 3

Trung Quốc sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trước khi phản công chiếm Kabul, một phái đoàn của Taliban do Mullah Baradar Akhund, một lãnh đạo cao cấp của Taliban đã thăm Bắc Kinh và được đón tiếp rất nồng hậu. 

Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ với chính quyền Taliban nhằm đảm bảo cho sáng kiến "một vành đai, một con đường" nối liền Trung Quốc - Pakistan - Afghanistan với khu vực Tây Á. Mặt khác, quan hệ với Taliban, Trung Quốc sẽ thực hiện được rất nhiều dự án đầu tư tái thiết Afghanistan và ngăn chặn Kabul để cho Afghanistan được sử dụng làm căn cứ tiến hành các hoạt động nhằm vào khu tự trị Tân Cương.

Nga, mặc dù vẫn coi Taliban là tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga, nhưng đang tìm cách thiết lập quan hệ chính thức với Taliban để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Nam Á và đảm bảo an toàn cho biên giới phía Nam.

Iran và Pakistan có chung đường biên giới với Afghanistan, các nước Ả Rập Hồi giáo như Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)...vốn đã có mối quan hệ với Taliban, nay Mỹ và NATO rút sẽ là cơ hội để các nước này thắt chặt quan hệ với chính quyền mới ở Kabul.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/tieu-vuong-quoc-hoi-giao-afghanistan-cua-taliban-se-nhu-the-nao-thoi-ky-den-toi-co-quay-tro-lai-161211608200124184.htm