Thế giới

Vì sao quân đội Afghanistan nhanh chóng thất thủ trước Taliban?

Chiến dịch tấn công chớp nhoáng của Taliban cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm biến quân đội Afghanistan thành một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, độc lập đã thất bại, với những người lính cảm thấy bị giới lãnh đạo bỏ rơi.

Trong vài ngày qua, các lực lượng an ninh Afghanistan đã sụp đổ ở hơn 15 thành phố dưới sức ép của chiến dịch tấn công chớp nhoáng của Taliban, vốn bắt đầu từ hồi tháng 05.

Tới ngày 13/08, các quan chức xác nhận hai thành phố Kandahar và Herat, thủ phủ các tỉnh quan trọng nhất cũng đã rơi vào tay Taliban. Chỉ hai ngày sau, Taliban tiến vào thủ đô Kabul.

Chiến dịch chớp nhoáng của Taliban đã dẫn tới hàng loạt vụ đầu hàng, nhiều trực thăng bị cướp, những trang thiết bị trị giá hàng triệu USD mà Mỹ cung cấp bị Taliban tịch thu, diễu hành trên phố. Tại một số thành phố, xung đột đã kéo dài nhiều tuần ở khu ngoại ô, nhưng cuối cùng Taliban cũng vượt qua giới tuyến phòng thủ của những nơi này và tiến vào trong mà hầu như không vấp phải sự chống trả nào.

Quân đội Afghanistan nhanh chóng thất thủ, bất chấp việc Mỹ đã chi hơn 83 tỷ USD vũ khí, trang bị và huấn luyện cho các lực lượng an ninh nước này trong hơn 20 năm.

Xây dựng bộ máy an ninh ở Afghanistan là một trong những chiến lược quan trọng của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Obama, trong bối cảnh Mỹ tìm cách bàn giao an ninh và rút khỏi Afghanistan cách đây gần một thập kỷ. Những nỗ lực này nhằm xây dựng một đội quân được dựa trên hình mẫu quân đội Mỹ, sẽ tiếp tục tồn tại sau khi rời khỏi Afghanistan, theo New York Times.

Tuy vậy, nhiều khả năng nó sẽ sụp đổ trước khi Mỹ hoàn tất rút quân.

Vì sao quân đội Afghanistan nhanh chóng thất thủ trước Taliban?
Một sĩ quan cảnh sát Afghanistan tại tiền tuyến ở thành phố Kandahar (Ảnh: New York Times)

Trong bối cảnh tương lai Afghanistan ngày càng trở nên mơ hồ, một sự thật đang trở nên rõ ràng: Nỗ lực kéo dài 20 năm của Mỹ nhằm tái xây dựng quân đội Afghanistan trở thành một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, độc lập đã thất bại.

Việc quân đội Afghanistan sụp đổ như thế nào đã trở nên rõ ràng không chỉ vài tuần mà là vài tháng trước, sau những thất bại liên tiếp vốn bắt đầu từ trước khi tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này sẽ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/09.

Sự sụp đổ đó bắt đầu từ những chòi canh riêng lẻ tại các vùng nông thôn, nơi binh lính đói ăn, thiếu đạn dược và các đơn vị cảnh sát bị các tay súng Taliban bao vây, hứa hẹn sẽ bảo đảm an toàn nếu họ đầu hàng và bỏ lại vũ khí, trang thiết bị. Dần dần, nhóm phiên quân kiểm soát nhiều con đường hơn, rồi chiếm cả các quận.

Nhiều vị trí bị thất thủ, những lời phàn nàn hầu như luôn được lặp đi lặp lại: Không có hỗ trợ đường không, hoặc họ đã hết thực phẩm, đạn dược.

Nhưng thậm chí từ trước đó, những điểm yếu mang tính hệ thống của các lực lượng an ninh Afghanistan - trên lý thuyết lên tới 300.000 người, nhưng trong những ngày gần đây chỉ còn khoảng 1/6 con số này - đã trở nên rõ ràng.

Những điểm yếu này có thể được lấn dấu tới các vấn đề nảy sinh từ việc các nước phương Tây kiên quyết muốn xây dựng một đội quân hoàn toàn hiện đại, bao gồm những vấn đề hậu cần và tiếp tế phức tạp, vốn sẽ không thể duy trì lâu dài nếu không có Mỹ và các đồng minh NATO.

Binh lính và cảnh sát đã bày tỏ sự chán ghét giới lãnh đạo Afghanistan. Các quan chức đã làm ngơ trước những gì xảy ra, dù họ biết rõ nhân lực của các lực lượng Afghanistan trên thực tế ít hơn nhiều so với trên giấy tờ, đồng thời bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng tham nhũng và giấu diếm mà họ im lặng chấp nhận.

Thời điểm Taliban bắt đầu các chiến dịch sau khi Mỹ thông báo rút quân, trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, binh sĩ và các sĩ quan cảnh sát Afghanistan đã nói về những thời điểm họ cảm thấy tuyệt vọng, bị bỏ rơi.

Tại tiền tuyến ở thành phố Kandahar hồi tuần tước, các lực lượng an ninh Afghanistan đã không thể chống trả những đợt tấn công của Taliban vì một lý do đơn giản: Họ mệt mỏi và đói bụng.

Sau nhiều tuần giao tranh, mỗi đơn vị cảnh sát hàng ngày chỉ được nhận một thùng carton khoai tây làm thực phẩm. Trong nhiều ngày, họ không nhận được gì khác ngoài các món ăn được chế biến từ khoai tây.

"Khoai tây chiên không giữ tiền tuyến được đâu!", một cảnh sát hét lên, cảm thấy bất lực trước việc không được hỗ trợ ở thành phố lớn thứ hai Afghanistan.

Tới ngày 12/08, phòng tuyến này sụp đổ,  Kandahar nằm trong tầm kiểm soát của Taliban vào sáng ngày hôm sau.

Binh lính Afghanistan sau đó được củng cố để phòng thủ tại 34 thủ phủ các tỉnh trong những tuần gần đây, khi Taliban bắt đầu tấn công các thành phố. Tuy vậy, chiến lược này cũng không đem lại kết quả, trong bối cảnh nhóm phiến quân nhanh chóng chiếm khoảng một nửa thủ phủ các tỉnh ở Afghanistan chỉ trong một tuần, và sau đó tiến vào Kabul.

"Họ đang cố gắng kết liễu chúng tôi," Abdulhai, 45 tuổi, cảnh sát trưởng tại thành phố Kandahar tuần trước nói. Thực chất, ông không phải đang nói về Taliban mà nói về chính phủ nước này.

Những thất bại kéo dài trong nhiều tháng dường như lên tới đỉnh điểm hôm 11/08, khi trụ sở chính của một quân đoàn quân đội Afghanistan rơi vào tay Taliban tại thành phố Kunduz. Nhóm phiến quân chiếm một chiếc trực thăng không còn hoạt động. Hình ảnh các thành viên Taliban tịch thu một chiếc máy bay không người lái do Mỹ hỗ trợ xuất hiện trên internet, bên cạnh ảnh hàng loạt xe bọc thép.

Chuẩn tướng Abbas Tawakoli, chỉ huy quân đoàn 217 của Quân đội Afghanistan, người có mặt ở tỉnh khác khi trụ sơ quân đoàn của ông rơi vào tay Taliban, giải thích lý do binh lính của ông thất bại trên chiến trường.

"Thật không may, không rõ vô tình hay cố ý, một số thành viên Quốc hội và chính trị gia đã đổ thêm dầu vào lửa. Chưa có khu vực nào bị mất kiểm soát do giao tranh, nhưng bị mất vì chiến tranh tâm lý," tướng Tawakoli nói.

Chiến tranh tâm lý mà ông nhắc tới diễn ra trên nhiều cấp độ, theo New York Times.

Các phi công Afghanistan cho rằng giới lãnh đạo quan tâm tới tình trạng máy bay hơn là phi công, vốn đã hết sức mệt mỏi sau vô số nhiệm vụ sơ tán các chòi canh, thường xuyên bị tấn công, trong khi Taliban tiến hành chiến dịch ám sát tàn bạo nhắm vào họ.

Những gì còn lại của các lực lượng commando tinh nhuệ, vốn được triển khai giữ các vùng đất vẫn còn thuộc kiểm soát của chính phủ, bị điều đi hết tỉnh này tới tỉnh khác mà không có nhiệm vụ rõ ràng và ít khi được nghỉ ngơi. Các lực lượng dân quan vốn được đánh giá có thể hỗ trợ chính phủ hầu hết cũng bị áp đảo.

Thành phố thứ hai ở Afghanistan thất thủ trong tuần trước là Sheberghan, nơi được cho là được bảo vệ bởi một lực lượng thiện chiến dưới sự chỉ huy của Đô đốc, cựu tổng thống Afghanistan.

Tới ngày 13/08, Mohammad Ismail Khan, người đã chống trả quyết liệt các đợt tấn công của Taliban ở miền Tây Afghanistan trong nhiều tuần, đã quyết định đầu hàng.

"Chúng tôi chìm trong tham nhũng," Abdul Haleem, 38 tuổi, sĩ quan cảnh sát ở Kandahar hồi đầu tháng này cho biết. Đơn vị đặc biệt của anh chỉ còn 15 trên tổng số 30 người. Một số đồng đội của anh vẫn còn chiến đấu ở tiền tuyến chỉ vì ngôi làng của họ đã bị chiếm đóng.

"Với số đạn dược ít ỏi thế này, chúng tôi làm sao đánh bại được Taliban?", anh nói. Khẩu súng máy hạng nặng của đơn vị bị hỏng vào tối hôm đó. Tới ngày 14/08, không rõ số phận Haleem và các đồng đội ra sao.

Tới lúc này, vẫn chưa rõ lực lượng Taliban hiện nay ra sao. Một số ước tính chính thức cho rằng có khoảng 50.000-100.000 tay súng Taliban tham gia các chiến dịch.

Con số này giờ đây càng khó xác định hơn, trong bối cảnh các lực lượng quốc tế và cộng đồng tình báo của họ đã rút khỏi Afghanistan.

Một số quan chức Mỹ cho rằng số lượng quân Taliban tăng nhanh, do chúng thu nhận nhiều chiến binh nước ngoài và thực hiện tuyển quân tại các khu vực chiếm đóng. Một số chuyên gia cho rằng phần lớn lực lượng Taliban xuất thân từ Pakistan.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)