Thế giới

Trung Quốc khoe công nghệ giúp máy bay vô hình

Theo tạp chí Defense One, Trung Quốc đã tìm ra vật liệu có thể giúp máy bay trở nên vô hình trước những hệ thống radar dù hiện đại nhất.

Theo tạp chí Defense One, Trung Quốc đã tìm ra vật liệu có thể giúp máy bay trở nên vô hình trước những hệ thống radar dù hiện đại nhất.

Thông tin này được tạp chí Defense One của Mỹ dẫn lại nguồn của tờ South China Morning Post ngày 7/12 cho biết. Theo đó, các nhà khoa học của Trung Quốc đang phá triển một thiết bị tàng hình mới có thể giúp máy bay biến mất khỏi màn hình radar.

Được biết, nhóm nghiên cứu này thuộc Đại học Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, Hồ Bắc đã cho xuất bản kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Vật lý ứng dụng của Viện Vật lý Mỹ và khẳng định rằng, thiết bị này có tiềm năng giúp các máy bay đánh lừa các hệ thống ra đa cảnh báo sớm hiện đại nhất hiện nay.

Theo bài viết đăng trên Tạp chí Vật lý ứng dụng, nhóm này đã tạo ra một bo mạch điện tử đa lớp có thể hấp thụ các vi sóng ở tần số siêu cao. Do đó hệ thống radar khó phát hiện và máy bay có thể lẻn qua chúng.

Các hệ thống radar cảnh báo sớm làm việc dựa trên nguyên lý phát hiện sóng dội lại của vi sóng tần số siêu cao bật ra từ mục tiêu. Nếu những vi sóng tần số siêu cao này được hấp thụ bởi các bo mạch điện tử mới, trong trường hợp này máy bay sẽ biến mất khỏi màn hình ra đa.

Đáng lưu ý là vật liệu sử dụng để làm các bo mạch đa lớp này lại mỏng gần như khó tưởng tượng nổi khoảng 7,8 mm, độ dày này chỉ bằng một phần mười kích thước của các sản phẩm tương tự được phát triển bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là bo mạch đa lớp của Trung Quốc có thể được sử dụng cho các máy bay tàng hình.

Giáo sư Huang Jun nhà nghiên cứu công nghệ tàng hình quân sự tại Trường Kỹ thuật công nghệ hàng không, Đại học Bắc Hàng cho rằng ngay cả máy bay tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ cũng không phải tuyệt đối an toàn, chúng có thể được phát hiện bởi các hệ thống radar tiên tiến và thậm chí từ một khoảng cách đáng kể.

Những loại radar mạnh mẽ này sử dụng vi sóng tần số 2 GHz hoặc thấp hơn để định vị và theo dõi máy bay tàng hình. Dù được đánh giá đầy ưu điểm nhưng công nghệ tàng hình này không phải công nghệ này không có vấn đề. Theo đó, nó không thể hấp thụ được các vi sóng có tần số trên 2 GHz.

Có nghĩa là máy bay tàng hình bằng bo mạch đa lớp này vẫn có thể bị phát hiện bởi các hệ thống ra đa tiên tiến, trong đó có loại công suất lên tới trên 40 GHz. Như vậy sẽ còn mất nhiều năm để Trung Quốc có thể ứng dụng nó lên một máy bay thực tế.

Dù mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên bố của một nhóm nhà khoa học Trung Quốc nhưng với những gì mà các nhà khoa học công bố đã cho thấy sự tiến bộ của nước này trong việc phát triển công nghệ tàng hình quân sự, một lĩnh vực mà Mỹ đang dẫn đầu.

Công nghệ cho tương lai

Sự ra đời của của tàng hình Nanomét đã mở ra hướng phát triển vũ khí tàng hình thông minh trong tương lai. Các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga... coi kỹ thuật Nanômét là kỹ thuật tàng hình thế hệ mới. Vật liệu Nanomét là loại vật liệu do các hạt siêu nhỏ (1- 15 Nanomét) của kim loại, hợp kim, vật liệu vô cơ hoặc của vật liệu polyme qua ép nén, liên kết hoặc phun tạo thành.

Vi hạt Nanomét có kích thước nhỏ hơn nhiều so với bước sóng của tia hồng ngoại và sóng radar nên tính truyền sóng qua và tỷ lệ hấp thụ sóng điện từ lớn hơn nhiều so với các loại vật liệu thông thường, đặc biệt nó có đặc tính tổn hao từ lớn, nên có thể làm vật liệu tàng hình.

Vi hạt Nanomét có tính hấp thụ sóng tốt trong phạm vi phổ tần khá rộng, được coi gần như vật "siêu đen" tuyệt đối, nhất là thể rắn Nanomét của các loại chất ô xy có tính hấp thụ tốt đối với sóng hồng ngoại, làm vật liệu tàng hình tổng hợp với kênh phổ rộng dùng cho cả sóng hồng ngoại và radar, làm cho kỹ thuật tàng hình phát triển mạnh theo phương hướng từ kênh sóng đơn nhất sang kênh phổ tần rộng.

Một đặc tính của vật liệu nano mà các vật liệu khác không thể so sánh được, là đặc điểm có tính hấp thụ sóng rất mạnh, hoạt tính cao và dễ phân tán, nên rất dễ tạo thành lớp phủ tàng hình nhẹ, siêu mỏng. Như vậy,lớp phủ tàng hình dày hàng chục micro mét như hiện nay sẽ được thay thế bởi lớp phủ dày chỉ mấy chục Nano mét.

Điều này làm cho trọng lượng giảm đi rất nhiều, và nâng cao tính năng tàng hình của vũ khí, trang bị. Các nhà khoa học quân sự đã nghiên cứu chế tạo được ''bột siêu đen'' chất sơn tẩm Nanomét có thể hấp thụ 99% sóng radar, có khả năng nhận biết, tự xử lý các mệnh lệnh chỉ huy và tin tức.

Theo Chúc Sơn (Đất Việt)