Thể thao >> Thể thao trong nước

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con'

“Thế hệ vàng 2008” luôn là cụm từ được dùng để nhắc nhớ tới thành công bậc nhất mà bóng đá Việt Nam có được. Nhưng đó là giải đấu chỉ có vinh quang, mà đồng hành với nó là cả cay đắng, tủi hờn và những phút chạnh lòng khi bị tất cả quay lưng.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con'

Và trùng hợp thay, câu chuyện của ĐTVN năm ấy cũng giống như một bức tranh thu nhỏ về sự nghiệp của Việt Thắng, một cái tên chủ chốt của đội tại AFF Cup 2008, khi anh lần lượt bước qua những cung bậc của sự kì vọng, nỗi đau khi bị quay lưng và rồi trở lại với một câu trả lời đanh thép để lấy lại tất cả những gì đã mất.

ĐTQG VS OLYMPIC – Cuộc tranh tài kỳ lạ

Xin chào Việt Thắng. AFF Cup 2018 đang rất cận kề và ĐT Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm, kì vọng vô cùng lớn của truyền thông và người hâm mộ. Bản thân các cầu thủ cũng thừa nhận đó là động lực nhưng cũng phần nào gây nên những áp lực cho mình. Nói về chuyện áp lực từ dư luận trước thềm giải đấu, thế hệ của anh cũng từng phải nhận áp lực rất lớn nhưng theo chiều ngược lại, khi sự kì vọng và niềm với đội tuyển sụt giảm nghiêm trọng bởi chuỗi 11 trận chỉ hòa và thua trước  AFF Cup 2008. Không biết cá nhân anh ngày ấy đã đối mặt với những áp lực như vậy ra sao?

Nói về chuyện này thì phải nói rõ hơn chút. Tức là bây giờ mạng xã hội tràn lan rồi, mỗi cá nhân đều tự giới thiệu về mình nhiều hơn, tương tác nhiều hơn. Hồi xưa cầu thủ nổi tiếng người ta chỉ biết qua báo chí thôi. Ai may mắn được tập trung lên đội tuyển và có được vị trí nhất định thì sẽ được tiếp cận nhiều hơn, nhưng sự tương tác cũng không thể tốt như mạng xã hội được. 

Năm 2007 là năm thành công của đội tuyển nên kì vọng của khán giả vào năm 2008 không hề thấp, nhưng nó giảm đi vì chuỗi thành tích 11 trận không biết thắng. Mình phải nói rõ hơn như thế để hiểu không phải vì đội tuyển kém mà người ta không kì vọng. Tại Asian Cup 2007, thời điểm ấy tôi chưa trở lại nhưng Công Vinh, Như Thành, Quang Thanh… đá rất tốt. Sân chơi châu Á mình còn chơi được thì lý do gì mà về Đông Nam Á lại không. Suy nghĩ đó nó cũng giống như thời điểm bây giờ vậy. Như HLV Park Hang-seo vào thời điểm này cũng có những cái hay, có thể ông ấy chủ động không muốn cho đội thắng nhiều quá để có những tính toán về tinh thần, tâm lý cho cầu thủ.

Có thể bây giờ HLV Park Hang-seo chủ động có những kiềm chế với những chuỗi thắng của ĐT Việt Nam. Nhưng với HLV Calisto ở thời điểm đó thì sao? 

Bây giờ khi đã trở thành HLV, tôi có được những góc nhìn sâu hơn là khi còn đang làm cầu thủ. Tôi ngồi lại, nghiên cứu 11 đối thủ của ĐT Việt Nam ngày đó thì không có đối thủ yếu. Olympic Brazil rồi những đội bóng khác đều rất mạnh, chỉ có Myanmar không quá tầm. Nhưng những trận hòa Thái Lan 2-2, hòa Singapore và cả hòa Indonesia mình có thể làm tốt hơn. Nhìn lại thì đó cũng chỉ là những trận giao hữu nên HLV Calisto luôn muốn chơi với những đối thủ chất lượng để kiểm tra đội hình hơn là thắng để chạy đà.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 1
Giữa muôn trùng khó khăn, HLV Calisto vẫn có niềm tin rất lớn vào kì AFF Cup 2008 thành công (Ảnh: AFF)

Nhưng cái đó chỉ trong đội biết thôi, còn dư luận bên ngoài có lẽ không hiểu được vấn đề như vậy. Rõ ràng khi chứng kiến một chuỗi trận không tốt của ĐT, khán giả cũng mất đi sự hào hứng và không còn duy trì được sự tin tưởng. Bản thân Calisto và các anh có cảm thấy áp lực hay không?

Tất nhiên là áp lực chứ. Thời điểm đó đội Olympic Việt Nam đang chơi tốt nên đã có những sự so sánh và ý kiến rằng có nên cho Olympic thay ĐTQG để đá hay không. Thế là một trận đấu giữa Olympic và ĐTQG đã được tổ chức. Hôm đó báo chí đến theo dõi rất đông. Kết quả ĐTQG thắng với tỉ số 5-2, rõ ràng ĐTQG luôn luôn mạnh hơn. 

Còn với HLV Calisto có một điều hay là ông luôn biết cách tạo niềm tin cho các cầu thủ, ở mọi hoàn cảnh. Đó là điều rất lớn mà tôi học được từ ông.

Trận giao hữu giữa đội Olympic và ĐTQG là do HLV Calisto hay LĐBĐ Việt Nam sắp xếp vậy?

Calisto là mẫu HLV phải được toàn quyền quyết định về những vấn đề chuyên môn thì ông mới làm và việc sắp xếp đá với đội Olympic là một quyết định về chuyên môn.

Anh có nói HLV Calisto là người rất biết khích lệ tinh thần cho các cầu thủ. Vậy có câu nói nào của thầy Tô đến tận bây giờ vẫn để lại ấn tượng rất lớn với anh?

HLV Calisto thời điểm ấy nói với chúng tôi thế này: “Chúng ta đang đi đúng hướng. Nếu các bạn không làm tốt, với tư cách HLV tôi sẽ nói các bạn không làm tốt. Nhưng các bạn đang làm rất tốt. Hãy tin tôi đi và chúng ta sẽ có thành tích tốt tại AFF Cup.”

Một điều tôi phải ghi nhận là những trận giao hữu không thắng được cũng một phần do chúng ta thiếu may mắn, nhưng khi vào giải thì mặt sân ở Phuket (nơi đăng cai bảng B) ảnh hưởng quá nhiều đến lối chơi của đội tuyển. Không phải tự nhiên thoát khỏi sân Phuket là chúng ta đá hay lên đâu. Vẫn phải nói đến chuyện áp lực được cởi bỏ sau vòng bảng, nhưng vẫn phải khẳng định mặt sân Phuket gây ra khó khăn khi ĐT Việt Nam triển khai lối chơi ban bật, phối hợp nhỏ với những đường chuyền sệt.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 2
Chính sự kiên định của HLV Calisto đã mang về thành công cho bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh niềm tin với đội tuyển tưởng như đã chạm đáy (Ảnh: VFF)

"Vì tôi, HLV Calisto đã dọa cả...bầu Thắng"

Nói về Thái Lan, có thể thấy Việt Thắng khá có duyên với đối thủ này đấy chứ. Anh đã ghi 1 bàn trong trận giao hữu ở Mỹ Đình, sau đó đến trận chung kết lại trực tiếp kiến tạo một bàn thắng. Giờ đây nhìn lại, bản thân anh thấy những ngày tháng đối mặt với áp lực dư luận và đến khi thực sự bước vào chinh chiến tại AFF Cup 2008 có ý nghĩa như thế nào với bản thân mình, khi nhiều người cho rằng đây là một giải đấu cứu rỗi cả một thế hệ của bóng đá Việt Nam? 

Tôi được trở lại thi đấu sau án kỉ luật và thực sự chưa có một HLV làm cho tôi có cảm giác “Chỉ cần ông muốn tôi ra sân thì tôi sẵn sàng sống chết vì ông” như Calisto. HLV Calisto đã giúp đỡ tôi rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là niềm tin. Niềm tin quan trọng lắm anh. Thời điểm đó ở V.League 3 Tây đá chính, 2 Tây dự bị và người ta chủ yếu đều cho ngoại binh đá tiền đạo hết. Tôi là cầu thủ vừa bị kỉ luật, vừa bị chấn thương, mùa trước ngoại binh Long An đá cũng rất ổn. Thế mà mùa sau họ phải ở ngoài, còn tôi vừa trở lại là được xếp đá cắm, Antonio được cho ra đá biên. HLV Calisto trao cho mình niềm tin và cơ hội để thể hiện.

Cho nên đến trước giải AFF Cup, tôi rất muốn chứng minh tất cả chuyện trước đây chỉ là tai nạn và mình muốn thể hiện sự chuyên nghiệp, khát khao, cống hiến tất cả vì tập thể. Còn về giải đấu đó cho mình cơ hội để khẳng định với mọi người rằng mình đã làm được những điều mình mong muốn.

Nói chi tiết hơn về bàn thắng anh ghi được vào lưới Thái Lan ở trận giao hữu trên sân Mỹ Đình. Tình huống đó diễn ra như thế nào và sau trận đấu đó HLV Calisto đã nói gì với anh khi có được một pha lập công mang tính giải tỏa như vậy?

Lúc đó bài của đội là Minh Phương đá phạt, Công Vinh sẽ chạy ở phía trước để kéo hậu vệ đối phương dãn ra, tạo điều kiện để tôi hoặc Phước Tứ đánh đầu ở cột xa. Bàn thắng vào lưới Thái Lan ở T&T Cup 2008 thì đúng bài, còn pha ghi bàn lịch sử của Công Vinh ở trận chung kết AFF Cup thì diễn ra không đúng với tính toán bởi vì Minh Phương đá sai. Quả bóng đó mà vào bất cứ cái đầu nào, kể cả tôi luôn thì gần như sẽ đi ra ngoài. Nhưng ở Công Vinh có sự nhạy bén, bản năng của một sát thủ để tạo ra được một cú chạm bóng tinh tế.

Pha ghi bàn của Việt Thắng vào lưới Thái Lan tại T&T Cup 2008 (Video: VTV)

Vậy sau tình huống ghi bàn đó, Công Vinh có nói gì về “sai lầm” đầy may mắn của ĐT Việt Nam không?

Công Vinh có nói thực ra chỉ trong tik tak như vậy thì đó là bản năng, phản xạ có điều kiện nhiều hơn là sự tính toán.

Quay lại tình huống chuyền bóng cho Công Vinh ghi bàn ở trận chung kết lượt đi. Đó là pha bóng mà anh đang đối mặt với khung thành. Với một tiền đạo thì pha bóng đó hoàn toàn có thể ghi bàn, việc có cơ hội để ghi bàn chắc chắn là điều không thể bỏ qua. Và cũng phải nói nếu như bản thân mình ghi bàn thì khoảnh khắc người hùng sẽ cao hơn, nhưng tại sao Việt Thắng lại chuyền cho Công Vinh?

Đó lại là một phản xạ có điều kiện tiếp và đường chuyền đó là sản phẩm dạy dỗ của Calisto. Chuyện này lại phải kể về quãng thời gian trước đó, khi tôi chuyển từ HAGL về ĐTLA. Có thời điểm tôi từng nghĩ là tiền đạo thì chỉ cần mình sút, mình ghi bàn là đủ. Rồi đến một buổi tập tôi có một pha thoát xuống gần như tương tự rồi sút thành bàn từ góc hẹp rất đẹp. Bất ngờ HLV Calisto bảo tất cả dừng lại. Đây là điều lạ vì trước giờ chưa có ai lại đi sửa lỗi ghi bàn cả. 

Nhưng ông chạy đến cạnh tôi và hỏi: “Quả này cậu có thấy Antonio di chuyển ở phía bên kia không?” Tôi bảo có, thế là Calisto đưa ra một bài kiểm tra. Ông cho tôi thử sút 10 quả từ góc hẹp xem vào được bao nhiêu lần. Mình cố sút cũng chỉ vào được có 3 quả. Lúc đấy Calisto mới bảo thử không sút mà chuyền sang cho Antonio đi. Kết quả là 10 quả vào cả 10. 

“Vậy là bây giờ thích ghi bàn hay thích đội có bàn thắng hơn? Còn nếu cậu cảm thấy việc mình ghi bàn quan trọng hơn đội thì cứ làm.” HLV Calisto bảo với tôi như thế. Đó là một trong những sự dạy dỗ đáng nhớ từ người thầy mà tôi coi như thần tượng.

Đường kiến tạo của Việt Thắng để Công Vinh ghi bàn vào lưới Thái Lan tại chung kết lượt đi AFF Cup 2008 (Video: VTV)

Trong câu chuyện của anh luôn nhắc rất nhiều đến Calisto, bản thân Việt Thắng đã phải trải qua những thời kì vô cùng khó khăn khi bị cấm thi đấu trong thời gian dài. Với nhiều người nếu tuyệt vọng có lẽ đã nghĩ tới chuyện nghỉ hẳn đá bóng rồi. Vậy thì HLV Calisto đã giúp anh vượt qua thời điểm đó như thế nào?

Cần phải khẳng định một điều chắc chắn: Không có Calisto, tôi không bao giờ trở lại bóng đá đỉnh cao được. Ông đã gieo niềm tin và tạo điều kiện quá nhiều cho tôi. Tất nhiên ở góc độ một người thầy, nếu không nhìn thấy điều gì đó ở cầu thủ thì mình sẽ không tạo điều kiện đâu. Phải tin học trò sẽ làm được thì mới trao cơ hội. 

Tôi bị cấm thi đấu 3 năm, sau đó giảm xuống còn 1 năm rưỡi. Chờ đợi đến lúc chỉ còn 2 tháng nữa sẽ trở lại được tôi bị đứt dây chằng đầu gối. Chính HLV Calisto là người đã tác động để tôi được sang mổ ở Singapore. Ông khẳng định luôn nếu không cho tôi qua đó mổ thì sẽ không làm ở Long An nữa. Bầu Thắng nhìn vào thắc mắc, rằng tại sao Calisto lại tạo điều kiện cho một thằng chưa có đóng góp gì cả, vì tôi giống như một cục nợ của đội, nuôi để đá bóng mà bây giờ lại còn bị đứt dây chằng. Giờ mổ trong nước có 8 triệu, sang Singapore mất đến hơn 200 triệu, khoản chi phí chênh lệch quá lớn. Và thực sự tôi nghĩ bầu Thắng nói vậy cũng đúng, cảm giác bản thân mình không xứng đáng để được như thế. Đội mua mình về giống như mua tờ vé số. Trúng thì trúng mà không thì thôi.

Sau đó HLV Calisto có nói những gì tốt nhất tôi đã làm cho cậu, giờ đi được đến đâu chỉ còn nằm ở việc cậu tận dụng cơ hội như thế nào thôi. Ông vẽ ra những viễn cảnh mà thực sự tôi cũng không tin, rằng Việt Thắng sẽ trở lại, sẽ trở thành trụ cột của Long An, sẽ trở thành thành viên của ĐTQG. Mà thực sự việc trở lại đội tuyển lúc đó tôi không bao giờ nghĩ tới, nhưng Calisto luôn vừa vẽ ra những bức tranh, vừa chỉ dậy, bảo ban tôi để thực hiện được nó. 

Có điều, Calisto từng hỏi rằng có thấy ông ấy giúp tôi nhiều không? Tôi bảo có. Calisto liền nói luôn “Tôi có giúp cậu đến thế nào thì cũng không bao giờ bằng chính cậu tự giúp mình”. Calisto là người chỉ cho tôi con đường để đi, còn lại thì “Tôi tự đi và đã là một người đi rất tốt”.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 3
"Không có Calisto, tôi không bao giờ trở lại bóng đá đỉnh cao được" (Ảnh: K+)

“Thằng Việt Nam OK”

Một trong những điều đáng nhớ khác mà HLV Calisto đã mang lại cho Việt Thắng là việc tạo điều kiện để anh sang tập luyện tại Porto. Cầu thủ Việt Nam luôn gặp phải không ít rào cản mỗi khi ra ngoài thi đấu.  Với bản thân mình, anh đã đón nhận thông tin đó như thế nào và HLV Calisto đã làm gì để thuyết phục anh, bởi nhiều người vẫn nghĩ việc Việt Thắng sang Porto có thể chỉ để giải quyết quãng thời gian chờ hết án phạt cấm thi đấu mà thôi?

Bản thân tôi luôn thích những thử thách và cảm giác vượt qua được nó. 17 tuổi tôi đã được lên chơi cho đội 1 CA TP HCM, 19 tuổi được gọi vào ĐTQG và 20 tuổi vô địch V.League với HAGL. Từ khi còn trẻ tôi đã phải đối đầu với với nhiều thử thách rồi. Nhưng vẫn phải nói thử thách trong thời gian bị treo giò nó quá lớn, cảm giác như mình không thể đứng dậy được nữa. Vậy nên khi biết tin thì mình cảm thấy đó là một cơ hội quá tốt, mình không thể bỏ qua và cũng tự tin có thể trụ lại được.

Đi qua đó ngày đầu tiên, HLV Domingos của Porto B (người sau này về nhì tại Europa League 2010-11 với Braga) mới đưa ra sơ đồ 4-2-3-1 và hỏi tôi đá được ở đâu trong sơ đồ này. Sau khi biết tôi chơi được tiền đạo cắm và tiền đạo lùi, ông Domingos liền bảo tôi có 3 ngày để thể hiện. Bản thân lúc đấy cũng hơi áp lực nhưng tôi hiểu rằng nếu mình kém mà cứ cố tập luyện trong đội thì chỉ làm hỏng đội hình của người ta. Nhưng không cần hết 3 ngày, qua đến ngày thứ hai thôi HLV đã bảo chấp nhận cho tôi ở lại đội.

Như anh đã nói HLV Calisto có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Bồ Đào Nha. Cụ thể, tầm ảnh hưởng đó là như thế nào?

Ai cũng biết lúc đó Việt Nam chưa có tên tuổi gì trên bản đồ bóng đá thế giới, vậy mà khi tôi qua đến nơi thì Phó chủ tịch FC Porto ra tận sân bay đón. Như thế đủ để hiểu họ tôn trọng Calisto đến mức nào.

Thời điểm đó FC Porto vừa trải qua giai đoạn cực thịnh với chức vô địch UEFA Champions League. Cảm giác của anh như thế nào khi biết mình được qua một CLB hàng đầu châu Âu tập luyện?

Đối với tôi không có gì ngoài hào hứng. Trước khi qua cũng chỉ biết những thông tin đó thôi, nhưng sang đến nơi rồi mới biết tại sao họ được như thế. Sự khác biệt từ cơ sở vật chất, thái độ tập luyện rồi trình độ chuyên môn.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 4
Hình ảnh Việt Thắng trong thời gian đến tập luyện tại Porto B

Ở Porto B lúc đó anh có gặp rào cản gì về ngôn ngữ hay vấn đề gì khác không? Ví dụ như chuyện người ta có thể không thân thiện với một cầu thủ đến từ nền bóng đá còn xa lạ như Việt Nam.

Cũng không có vấn đề gì lắm. Lúc đó vốn tiếng Anh của tôi cũng tạm. Còn với những người khác thì tôi nghĩ họ tò mò về mình, muốn xem mình qua đây thì hay dở ra sao.

Tôi được biết hồi đó Porto B được phép tập luyện cùng những ngôi sao của Porto. Anh có câu chuyện đáng nhớ nào khi được tập cùng hoặc chạm trán với ngôi sao đến từ đội một không?

Tôi được tập chung bài đối kháng và bài sút cầu môn với Luis Fabiano. Sự chênh lệch đẳng cấp đương nhiên là lớn, mình chỉ biết há hốc mồm vì những gì họ thể hiện trên sân tập thực sự khủng khiếp.

Ngày đầu tôi đến, một số cầu thủ đội một như Quaresmar, Luis Fabiano, Victor Baia xuống sân của đội trẻ xem. Họ muốn tìm hiểu xem “thằng Việt Nam” là thằng nào, coi đá đấm ra sao. Đến lúc tập xong thì họ đến vỗ vai tôi nói “Vietnam! OK!”, bởi trong đầu họ trước đây chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh thôi, không nghĩ mình biết đá bóng.

Hồi đó anh ở cùng với ai ở Porto B?

Gonzalo, chính là tiền đạo sau này về thi đấu cho Hà Nội đó.

Vậy anh có phải là cầu nối để đưa Gonzalo về Hà Nội T&T sau này không?

Không. Chuyện này thì tôi không liên quan. Sau khi trở về Việt Nam thì đến quãng 2009, 2010 thấy Gonzalo tới thử việc. Lúc đó cũng thắc mắc sau cậu ta lại về đây, vì tôi nhớ ngày trước Gonzalo là một trong những tiền đạo được kì vọng nhất ở Porto B.

Ở cùng phòng với nhau như vậy, chắc hẳn anh và Gonzalo phải có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ?

Lúc đó hai thằng ở cùng nhau, cùng đi đón xe bus để tới sân tập. Mà 5 ngày đầu từ lúc tôi đến, không hiểu sao chẳng thấy Gonzalo tập luyện gì hết. Hóa ra cậu ta bị chấn thương mà tôi không biết, lại cứ nghĩ chắc cũng là cầu thủ dự bị hay gì đó thôi. Nhưng rồi hoàn toàn ngược lại, mùa giải đó hơn 30 trận đấu mà Gonzalo ghi được gần 40 bàn thắng cho Porto B.

Đến lúc đó chắc hẳn góc nhìn của anh về người bạn cùng phòng đã thay đổi rất nhiều?

Thực ra lúc nào tôi cũng tôn trọng Gonzalo và tới giờ phút này vẫn không hiểu tại sao cậu ấy lại về Việt Nam thi đấu.

Anh không hỏi Gonzalo về điều đó?

Không. Cái này tế nhị mà. Hỏi người ta vì sao hay hơn thì dễ, chứ hỏi ngược lại thì có những thứ nhạy cảm không tiện nói.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 5
Việt Thắng đã có cơ hội được trải nghiệm trong môi trường bóng đá hàng đầu châu Âu 

Nghi án bán độ: Người ta chửi mẹ tôi giáo viên dạy cho lắm vào mà không biết dạy con

Trong những cột mốc sự nghiệp, Thắng có nhắc tới giai đoạn về HAGL năm 20 tuổi…

Nhắc đến HAGL tôi có không ít kỉ niệm. Thời điểm đó tôi được bầu Đức đề nghị trả 600 hay 800 triệu gì đó cho bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Tôi vẫn nói tôi là người thích những thử thách thì HAGL chính là một thử thách lớn trong sự nghiệp của mình. Rõ ràng mình phải thế nào thì người ta mới trả cho mình nhiều tiền như thế và tôi cũng muốn chứng minh với tất cả rằng mình xứng đáng, đội bóng dù có nhiều ngôi sao nhưng tôi vẫn có thể đá tốt.

Anh có thể nói rõ hơn về bí quyết cạnh tranh của mình trong một tập thể gồm cả những ngôi sao của Việt Nam và ngôi sao của Đông Nam Á như vậy?

Bí quyết của tôi à? Để nói vì sao tôi được sử dụng nhiều thì lý do nằm ở chỗ tôi luôn coi đối thủ lớn nhất của tôi chính là tôi. Tôi luôn tập trung xem mình đã làm được gì, còn thiếu xót những gì, làm sao để phù hợp với HLV hơn là bận tâm những người xung quanh. Đến khi lên ĐTQG cũng vậy. Tôi chẳng để ý xem Phan Thanh Bình, Ngọc Thanh hay ai khác thế nào cả. Tôi luôn chỉ để ý tới tôi, trước và sau mỗi buổi tập xem mình rút ra được gì.

Có thể thấy anh luôn tự tin vào bản thân mình. Nhưng cũng phải nói những người cạnh tranh ở cùng vị trí với anh ngày đó tại HAGL như Văn Sỹ Hùng, Kiatisak đều thuộc dạng sao số cả. Vậy thì HLV khi đó của HAGL đã tạo điều kiện như thế nào để một Việt Thắng ở tuổi 20 có cơ hội thể hiện mình?

Phải nói thế này để anh hiểu, HLV dù là ai thì họ cũng muốn thắng trận. Vậy nên đội hình ra sân luôn luôn phải là 11 người giỏi nhất. Mình muốn có được vị trí thì phải luôn luôn chứng minh được năng lực để người ta thấy và tin tưởng.

Tuổi còn trẻ, nhận được sự tin tưởng của HLV và đồng thời lại sở hữu số tiền lớn lên đến 3,400 trăm triệu mỗi mùa, những thứ anh có được có lẽ vượt quá tưởng tượng với một chàng trai ở độ tuổi đang trưởng thành. Điều đó có khiến anh cảm thấy mình không còn là chính mình?

Không bao giờ. Tôi không bao giờ để những thứ đó làm ảnh hưởng tới chuyên môn. Đến tận khi 24, 25 tuổi tôi mới bắt đầu uống bia và đến khi giải nghệ ở tuổi 33, tôi chưa bao giờ uống bia ngày thứ hai trong một tuần. Có thể chủ nhật đá xong anh em đi uống với nhau, nhưng sang ngày hôm sau không bao giờ tôi động vào một giọt bia rượu. Chuyện chi tiêu tài chính cũng vậy. Bản thân tôi tự thân quản lý và độc lập hoàn toàn. Mà mức lương ngày đó của tôi so với mặt bằng chung thì cực cao, cao so với cả V.League luôn vì ngày đó ở HAGL thôi là đã cao hơn so với mặt bằng chung rồi.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 6
Việt Thắng ngày còn thi đấu cho HAGL

Lương cao như vậy, lại luôn biết giữ mình, vậy thì tại sao lại có biến cố liên quan đến chuyện người ta tố anh bán độ ở HAGL?

Tôi nghĩ do chuyện tôi muốn về Ngân hàng Đông Á bị lộ ra và người ta đã chơi không “fair” với tôi. Tôi vẫn luôn tin một điều rằng công an Việt Nam rất giỏi, người ta vào cuộc vụ nào là “chết” vụ đó. Họ đã điều tra tôi và không có kết luận buộc tội gì cả. Bây giờ lên lật lại hồ sơ, quyết định của Liên đoàn ghi là “Có biểu hiện tiêu cực”. Thế nào là biểu hiện? Có biểu hiện tức là tiêu cực hay không? Hỏi lại Mạnh Dũng, người tố cáo tôi xem biểu hiện là sao? Còn không bao giờ có chuyện làm bậy mà thoát được khi công an vào cuộc điều tra đâu. Vụ Bacolod, vụ Ninh Bình, có vụ nào thoát đâu mà lại có mỗi mình một thằng cầu thủ 20, 21 tuổi như tôi ngoại lệ. Nếu không tin tôi thì hãy tin công an Việt Nam và mọi người sẽ tự biết câu trả lời.

Nhưng mà khi cuộn băng ghi âm lộ ra như thế bản thân anh có thấy sốc không?

Làm gì có cuộn băng nào. Có băng ghi âm chứng minh như thế thì tôi rũ tù rồi.

Có nghĩa tất cả đều chỉ là tin đồn?

Tất cả đều chỉ là nói bằng miệng hết. Người ta nói tôi thế này thế kia rồi buộc tôi. Cuộn băng ghi âm duy nhất là ghi âm khi tôi cãi nhau với Mạnh Dũng, người tố cáo tôi, chứ không phải ghi âm chứng minh là tôi đã làm gì tiêu cực. 

Như anh nói là người ta đã chơi không “fair” với mình, hay có thể coi là bị gài. Vậy thì lúc biết tin, anh cảm thấy thế nào? Chắc hẳn phải có sự phẫn nộ vì những thứ người ta đổ lên đầu mình?

Không. Tôi không hề phẫn nộ. Anh phải hiểu tâm thế của một người không làm gì cả mà lại bị đổ một tội như thế lên đầu. Lúc đó thấy bình thường lắm, vì còn chưa định hình được chuyện gì đang xảy ra với mình.

Thời điểm chuyện đó xảy ra là khi lộ tin tôi muốn đến Ngân hàng Đông Á. Họ đưa ra những lời đề nghị với tôi. Khi lãnh đạo HAGL biết thì họ cũng đề nghị tôi ở lại. Bản thân mình cũng đã nghĩ (nhưng chưa quyết định) thành công ở đây rồi thì tiếp tục gắn bó cũng không sao, cầu thủ không đá đội này thì đá đội khác chứ có gì đâu. Chứ còn bán độ ai lại mua tiền đạo, rồi chỉ có hai người thì bán kiểu gì? Có vụ bán độ nào mà chỉ có hai người chưa? 

Vụ Bacolod rồi Ninh Bình, toàn 5,7 người mới làm được. Rồi bằng chứng đâu có gì đâu, chỉ là cuộn băng ghi âm cãi nhau. Nếu có bằng chứng thì công an nào để yên cho tôi thoát được. Tôi với mẹ từng lên tận Liên đoàn khi tôi bị kỉ luật, muốn nói rõ rằng các cơ quan hãy vào cuộc điều tra, nếu tôi bán độ thì tôi sẵn sàng vào tù, còn hơn mập mờ bị kỉ luật 3 năm. 

Nói là như vậy, nhưng rõ ràng dù thế nào đi chăng nữa thì vụ việc đó đã làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh.

Ảnh hưởng quá nhiều là đằng khác. Thói quen làm việc của tôi, ở mọi nơi chưa bao giờ nói xấu tổ chức này kia gì cả. Nhưng mà chỉ có HAGL, không phải tự nhiên mà 7 năm liên tục đá với HAGL năm nào tôi cũng ghi bàn. 

Anh luôn có tâm thế “phục hận” mỗi khi đối đầu HAGL. Vậy còn mối quan hệ giữa anh và bầu Đức thì sao?

Bầu Đức là một trong những người có đóng góp rất lớn với bóng đá Việt Nam. Ông là người đi tiên phong về chuyển nhượng, về đào tạo và về nhiều thứ. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đều nhờ bầu Đức mà có. Rồi chuyện hợp tác đào tạo với Arsenal, lúc bấy giờ đã có ai dám nghĩ đến để thực hiện. Nhưng có điều tôi vẫn luôn buồn vì bầu Đức là ông ấy không tin tôi. Từ lúc tôi bị kỉ luật đến bây giờ đã hơn chục năm trôi qua nhưng bầu Đức chưa bao giờ gặp tôi, cho tôi cơ hội để nói chuyện. Thực sự buồn lắm.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 7
Bầu Đức chưa bao giờ tha thứ cho "sai lầm" của Việt Thắng (Ảnh: Zing)

Vậy thì có phải điều anh mong muốn nhất bây giờ là trả cho mình sự trong sạch với bản án vào năm 2003 đó không?

Thực ra bây giờ mang tiếng thì cũng mang tiếng rồi. Điều quan trọng là cái tâm của mình, chưa bao giờ tự nhìn vào gương mà thấy mình làm sai bất cứ điều gì bóng đá. Muốn thay đổi có chăng chỉ là những hành động thể hiện mình khi còn trẻ, nhưng đó cũng chỉ là về chuyên môn, khi tuổi trẻ mình thích thử thách, thích đối đầu.

Bản thân anh thì có thể chịu đựng được những điều như vậy, nhưng còn về phía gia đình anh thì sao? Gia đình anh chắc hẳn đã phải chịu đựng những tổn thương…

Mẹ tôi là một hiệu trưởng. Nhà giáo thì điều quan trọng nhất luôn là đạo đức. Ngày tôi bị kỉ luật, người ta còn chửi mẹ tôi “dạy cho cố vào mà không biết dạy con mình” ở giữa hội trường luôn. Đó là điều tôi cay nhất. Không biết có thể coi đó là một thứ “động lực” hay không, nhưng bản thân tôi lúc ấy rất muốn mình có thể chiến đấu để trở lại, không chỉ cho mình mà còn cho cả mẹ mình nữa.

Và AFF Cup 2008 chính là câu trả lời đanh thép nhất của tiền đạo Việt Thắng?

Giờ coi lại băng ghi hình cả đội ăn mừng vô địch chắc chắn không ai thấy tôi cả, đến lúc cuối mới có thể thấy tôi. Vì lúc đó tôi ngồi riêng một chỗ trong 15 phút để khóc, chứ không phải khóc trên sân như Tấn Tài hay những người khác. Khóc xong lau cho hết nước mắt thì tôi mới đứng dậy và đi ra ăn mừng.

Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của cảm xúc sau rất nhiều năm ngậm đắng nuốt cay?

Của nhiều nhiều thứ lắm và hơn hết là danh dự. SEA Games 2003, tôi hay Như Thành đã từng lỡ cơ hội, nhưng bấy giờ tôi được đứng ở đây và đã có được chức vô địch. Tôi vẫn còn lưu những bài báo người ta viết về mình ngày tình nghi bán độ rồi nhận án kỉ luật. Tôi lưu nó lại vì sao anh biết không? Để sau này mỗi khi gặp phải khó khăn, tự bản thân tôi lại nhìn vào những kỉ niệm đau đớn như thế để động viên mình rằng những thử thách này chưa là gì so với ngày đó cả.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 8
Việt Thắng ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2008 của ĐT Việt Nam (Ảnh: VFF)

"Cậu đá được giống Như Thành thì tôi cho thức cả tuần"

Nói tiếp về sự nghiệp cầu thủ, đến năm 2010 là giải đấu AFF Cup cuối cùng của anh với ĐTQG. Chuyện gì xảy ra vào thời gian đó khiến cho mọi thứ đi xuống có vẻ hơi nhanh như vậy?

Ngày ấy tôi bị đứt dây chằng đầu gối ở trận giao hữu với Singapore, thành ra năm đó Việt Nam mất cả hai tiền đạo là tôi và Công Vinh, nên HLV phải sử dụng Anh Đức. Trận bán kết lượt về với Malaysia HLV Calisto động viên và “ép” tôi đá, vì thế Anh Đức mới giận Calisto, thắc mắc tại sao lại cho một người chưa tập buổi nào, chưa đá trận nào vào sân và để ở ngoài một tiền đạo khỏe mạnh trong một trận quan trọng như vậy. Nhưng tất nhiên Calisto luôn có cái lý của Calisto.

Nhưng dù sao nếu đặt mình vào vị trí của Anh Đức, hành động đó của HLV Calisto tôi cũng sẽ thấy có những tổn thương nhất định.

Nếu nhắc tới khía cạnh đó thì tôi phải kể anh nghe một câu chuyện thế này về HLV Calisto để hiểu về cá tinh của ông ấy. Ông có quy định 10h đêm là đội phải tắt đèn đi ngủ, thì đến 10h30 Chí Công vẫn đang nằm xem phim. Mà nói gì chứ nằm xem phim trong phòng là hình thức hoạt động quá lành mạnh rồi. Lúc ấy Calisto có vào phòng và bảo Chí Công đi ngủ đi. Cậu ấy mới nhắc đến Như Thành, rằng Như Thành chả bao giờ đi ngủ sớm cả, có khi đến sáng mới ngủ. Anh biết Calisto bảo sao không? Ông ấy nói: “Nếu cậu mà đá hay như Như Thành, tôi cho cậu thức nguyên tuần luôn. Nhưng Như Thành là Như Thành và cậu có đi ngủ từ 9h cũng đá không bằng Như Thành không ngủ tí nào”. Đó chính là cá tính của Calisto.

Cựu tiền đạo Việt Thắng: 'Họ từng chửi mẹ tôi là giáo viên mà không biết dạy con' - 9
Câu chuyện liên quan đến người đồng đội Vũ Như Thành là một kỉ niệm khó quên của Nguyễn Việt Thắng về cá tính của HLV Calisto (Ảnh: VFF)

Vậy sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ, cơ duyên nào khiến anh dấn thân vào con đường trở thành HLV, một công việc áp lực và căng thẳng còn gấp nhiều lần so với xỏ giầy ra sân thi đấu?

Với bóng đá thì tôi đam mê từ nhỏ và mong ước được trở thành cầu thủ. Nhưng về nghiệp HLV thì tôi phải cảm ơn tới thầy Lư Đình Tuấn. Thầy có nói với tôi rằng tôi là một cầu thủ có danh tiếng, tôi phải theo cái nghề này, theo lấy trái bóng chứ đừng có bỏ nó. Trước đó tôi đâu nghĩ đến chuyện học hành đâu, nhưng thầy bảo cứ học đi, sau này sẽ cần đến nó. Và rồi bây giờ trải qua 1 năm, 2 năm, 3 năm, tôi mê nghề HLV còn hơn cả làm cầu thủ nữa, bởi nó có quá nhiều thử thách, quá nhiều thứ để mình phải suy nghĩ.

Anh vẫn nói Calisto là người ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp của mình. Liệu anh có đem ảnh hưởng đó truyền tới các học trò của anh như thế nào. Ví dụ như lứa U17 của Trọng Hóa vào năm 2015 là lứa đầu tiên anh dẫn dắt. Tầm ảnh hưởng của anh tới lứa đó là như thế nào?

Đầu tiên phải xác định đến với bóng đá vì cái gì, muốn điều gì ở bóng đá và để đạt được điều đó thì mình phải làm gì. HLV là người định hướng ra những con đường cho cầu thủ. Ngoài đời là người bạn, trên sân là người thầy. Đã ở trên sân, HLV nói thì cầu thủ phải nghe, còn ở ngoài trao đổi về chuyện gì cũng được. HLV Calisto luôn khá thoải mái với chúng tôi. Như chuyện có thể có bạn gái cũng được, nhưng bạn gái nào 1,2h đêm vẫn muốn chuyện trò với mình thì đừng quen. Ông bảo người nào không yêu nghề của mình thì mình đừng yêu lại. Một đời cầu thủ sẽ trải qua rất nhiều HLV, nhưng sẽ có một người mình đem những gì mình nhớ nhất để truyền dậy lại cho học trò của mình.

Anh đã trải qua nhiều khó khăn với trái bóng với những trải nghiệm cả khi là cầu thủ và lẫn HLV. Có bao giờ anh nghĩ sẽ cho con cái mình theo đuổi một môn thể thao có nhiều khắc nghiệt như thế này?

Tôi nghĩ bóng đá cũng như một môn nghệ thuật vậy. Không có đam mê thì không chơi được. Nếu con mình có đam mê thì tại sao không cho nó chơi, nhưng ngược lại, nếu nó không thích thì mình cũng không thể ép.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo Âu Bằng (MASK Online)