Xã hội

'Cán bộ đăng kiểm tiếp tay cho ô tô 'hết đát' là quá nguy hiểm'

Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, việc cán bộ đăng kiểm tiếp tay cho chủ ô tô thực hiện hành vi sai trái là quá nguy hiểm cho lái xe và người tham gia giao thông.

Công an TP.HCM vừa khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 33 người tại 9 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre về các hành vi 'môi giới hối lộ’, ‘đưa hối lộ’, 'nhận hối lộ’ và ‘giả mạo trong công tác’.

Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định hơn 52.000 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô được cấp sai quy định.

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) cho biết, việc các bị can đã hợp thức hoá các xe ô tô cơi nới thành thùng là hành vi gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, các đối tượng đạp phanh nhiều lần để hợp thức hóa, in ra giấy kiểm định...

'Cán bộ đăng kiểm tiếp tay cho ô tô 'hết đát' là quá nguy hiểm'
Các đăng kiểm viên tại TP.HCM kiểm tra phương tiện. Ảnh: Như Sỹ

Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho rằng, hành vi của 33 bị can trên 'quá nguy hiểm' cho lái xe và người tham giao thông. Ngoài ra, việc này còn làm mất kỷ cương trong quản lý, điều hành và ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Qua vụ việc trên, đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị cơ quan chức năng cần phải rà soát tất cả các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc.

“Nếu phát hiện trung tâm đăng kiểm làm ăn gian dối thì phải tước giấy phép hoạt động. Nếu phát hiện nhân viên đăng kiểm nhận tiền 'phù phép' những xe 'hết đát' được đạt chuẩn thì phải xử lý hình sự”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Qua việc 33 bị can của 9 trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, ông Trương Xuân Cừ còn đề nghị lực lượng chức năng xem xét trách nhiệm những cơ quan quản lý, giám sát các trung tâm này.

"Qua đó nếu phát hiện có sự thông đồng, bao che cho trung tâm đăng kiểm thực hiện hành vi sai trái thì phải xử lý nghiêm”, ông Trương Xuân Cừ kiến nghị.

Ô tô 'hết đát' sao vẫn lưu thông trên đường?

Cùng mối lo ngại trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, việc Công an TP.HCM xử lý những trung tâm đăng kiểm làm ăn phi pháp là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.

“Nhân dân luôn đặt câu hỏi tại sao những xe ô tô 'hết đát', thành thùng không đạt chuẩn… vẫn được lưu thông trên đường. Để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần phải làm rõ vấn đề này”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Theo ông Phạm Văn Hoà, ngành giao thông cần tổng rà soát trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc. Qua đó để chấn chỉnh, thậm chí loại bỏ trung tâm đăng kiểm hoạt động không minh bạch, tiếp tay cho chủ phương tiện không đảm bảo an toàn.

“Chỉ có như vậy, các trung tâm đăng kiểm mới không dám, không muốn, không làm những hành vi phi pháp. Làm được như vậy cũng là thực hiện việc phòng ngừa tai nạn giao thông trên các tuyến đường”, ông Hoà nêu ý kiến.

Với những bị can vừa bị khởi tố, theo đại biểu Phạm Văn Hoà, lực lượng chức năng cần phải xử lý thật nghiêm, mang tính răn đe, để làm gương cho những cán bộ làm việc ở các trung tâm đăng kiểm và ngay cả các chủ phương tiện giao thông.

Theo Quang Phong (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/can-bo-dang-kiem-tiep-tay-cho-o-to-het-dat-la-qua-nguy-hiem-2094741.html