Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Đi chùa online thời COVID-19

“Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, cứ sắp đến Rằm là các chùa chiền trong Nam ngoài Bắc sẽ lại nhộn nhịp. Nhưng năm nay với hiểm họa COVID-19, mọi sự chỉ sôi nổi trên mạng, nhất là với các chùa ở phía Nam luôn đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của người dân. Đi chùa online đã trở thành một xu hướng thời dịch.

“Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, cứ sắp đến Rằm là các chùa chiền trong Nam ngoài Bắc sẽ lại nhộn nhịp. Nhưng năm nay với hiểm họa COVID-19, mọi sự chỉ sôi nổi trên mạng, nhất là với các chùa ở phía Nam luôn đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của người dân. Đi chùa online đã trở thành một xu hướng thời dịch.

Hiệu quả của online

Ở phía Bắc, một số chùa lớn đều có trang facebook và fanpage của chùa Quán Sứ được cập nhật với nhiều thông tin, lời khuyên bổ ích không chỉ cho người học Phật. Chùa có fanpage thu hút đông đảo người theo dõi nhất (60.114 người) là ngôi chùa lớn nhất cả nước - Tam Chúc (Hà Nam) - nơi diễn ra Đại lễ Phật đản Vesak vài năm trước.

Trong Nam, số lượng các chùa lớn có trang facebook riêng, có email, website để làm kênh giao lưu với Phật tử nhiều hơn. Chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TPHCM) trang fanpage có 257.484 người theo dõi, cập nhật đầy đủ các hoạt động.

Trang web của chùa cũng được thiết kế hiện đại với các chuyên mục như Tin tức, Pháp âm, Thư viện hình ảnh, Thư viện kinh sách… Chùa Vĩnh Nghiêm thường xuyên cập nhật trên fanpage với nhiều hình ảnh, lời chúc và cả sự nhắc nhở về phòng chống dịch COVID-19 vào dịp Tết Tân Sửu. Lượng còm (comment) và chia sẻ ở trang cho thấy trang khá hút Phật tử. Các ngôi chùa như Phổ Quang (quận Tân Bình) hay chùa Pháp Hoa (quận 3) cập nhật những tin nóng về hoạt động Giáo hội Phật giáo TPHCM, có video đưa lên Youtube về lễ thả hoa đăng...

Vào các lễ rằm lớn như Nguyên tiêu, Vu Lan - Phật Đản, Trung thu... và trong mùa COVID, nhiều chùa ở TPHCM đều có những lễ trực tuyến. Điều đặc biệt, để tranh tập trung vào các ngày lễ trọng của Phật giáo thì các chùa đều khuyên Phật tử hạn chế tụ tập đông, có thể nghe thuyết - giảng Pháp qua các kênh online, trực tuyến. Thậm chí, cúng sao giải hạn và cầu siêu cho thân nhân mùa lễ rằm... đều có thể qua online bằng cách gửi tên thân nhân vào email nhà chùa, và tiền giọt dầu nhang đèn hương hoa cúng dường Phật thì có thể chuyển vào tài khoản nhà chùa. Việc này vừa văn minh, vừa khoa học, vừa tránh những phát sinh thiếu tôn nghiêm khi tụ tập đi lễ chùa. Không xảy ra việc đốt giấy tiền vàng mã, không nhang khói lễ vật tạp phẩm cúng Phật, không ồn ào chen chúc nhau gây những phản cảm nơi thờ tự...

Và chưa đồng thuận

Cụm từ “chùa online” giờ đây trở nên khá thông dụng và cũng là tên một trang web khá đông người theo dõi. Admin trang nêu rõ: Chùa online là nơi để các Phật tử thắp hương, tụng kinh và niệm Phật khi chưa có điều kiện đến chùa. Ngoài ra còn mời quý Phật tử nghe thêm thuyết pháp để thanh tịnh và bồi bổ tâm hồn. Thực tế là các bài pháp thoại trên YouTube của nhiều nhà sư (cả tăng lẫn ni) đã thu hút rất đông người nghe, từ hàng chục nghìn đến cả triệu view.

Nhấp chuột vào chuyên mục Chùa, người xem có thể chọn nghe nhiều loại kinh từ kinh Phổ Môn, kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ… đến Chú Đại Bi… Phần Audio có đủ âm nhạc, truyện, triết học Phật giáo và các bài thuyết pháp. Phần văn hóa có Nghệ thuật sống, Chết và tái sinh, Tài liệu chữa bệnh (từ cách tập đến dùng thuốc cho các bệnh nan y). Nói chung là đủ phong phú cho từ người mới nhập môn đến Phật tử đã “ngấm tương dưa” (chữ dùng nhà Phật ý nói đã thông hiểu giáo lý cơ bản).

Một số khá đông người ủng hộ đi chùa online như Nguyễn Tấn Đạt, một nghệ nhân làm cá 3D nổi tiếng ở Sài Gòn nói: “Phật ở muôn nơi. Trong tâm có sẵn thì đi đâu nữa bạn”. Bên cạnh đó, vẫn nhiều ý kiến chưa thích việc đi chùa online mà thích đi chùa truyền thống hơn.

Vãn cảnh chùa là đến một không gian thiêng. Nhiều chùa có phong cảnh đẹp, kết hợp núi và nước (nói như Khổng Tử là vừa có trí vừa có nhân) là nơi để ai đến cũng cảm giác lòng dịu nhẹ. Rồi việc gặp trực tiếp các vị sư đức cao vọng trọng (nếu có nhân duyên) là cơ hội quý báu để nghe Pháp. Những bài giảng trực tiếp, những buổi hỏi đáp mặt đối mặt (face to face) có sức truyền cảm hơn nhiều so với những bài Pháp thoại online. Chưa kể việc trực tiếp đến chùa, được quỳ dưới chân tượng Phật, trực tiếp thỉnh cầu lên Đức Phật và các vị Bồ tát những mong ước của mình, niềm tin tâm linh cảm giác mạnh hơn, có vẻ như không bị cách trở, dù cảm giác này không đúng, vì cách trở không gian, thời gian không có nhiều ý nghĩa với các đấng tối cao.

Dù sao trong bối cảnh phòng chống dịch thì đi chùa online là một giải pháp và đang dần thành xu hướng an toàn.

Theo Việt Văn (Lao Động)




https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/di-chua-online-thoi-covid-19-882984.ldo