Xã hội

Hà Nội rà soát, xử lý toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Trong năm nay, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý vi phạm về môi trường và có yêu cầu thời hạn khắc phục. Nếu sau thời hạn không có các giải pháp xử lý ô nhiễm Hàn Nội sẽ đề xuất phương án đình chỉ hoạt động sản xuất.

Hà Nội rà soát, xử lý toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội sau một năm thực hiện Chỉ thị 11, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường đã được đẩy mạnh. Năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra gần 2,6 nghìn cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với số tiền gần 18,5 tỷ đồng. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thanh, kiểm tra 468 cơ sở, xử phạt hành chính 21 cơ sở với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng của Thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử phạt 159 cơ sở với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Sở TN&MT đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 30 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và một số dự án xây dựng trên địa bàn.

Nhằm khắc phục, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, năm 2017, Thành phố đã chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định 187 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đang tiến hành phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm này để đề xuất phương án xử lý, khắc phục.

Thành phố cũng tiếp tục triển khai cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ nội thành bằng chế phẩm Redoxi-3C. Đến nay, Hà Nội đã xử lý được 88 hồ trong khu vực nội thành và 44 hồ khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 61 hồ và máy sục khí trên 49 hồ; tiến hành nạo vét bùn tại 8 hồ khác. Đáng chú ý, thành phố đã hoàn thành cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan hồ; triển khai thu gom, xử lý nước thải không để chảy xuống Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, gắn với nạo vét bùn Hồ Tây.  

Đối với công tác xử lý nước thải sinh hoạt, thành phố đang vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải hiện có, như: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Hồ Tây, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đồng thời, thành phố ưu tiên nguồn lực để đến năm 2020 tiếp tục đưa vào vận hành các dự án xử lý nước thải Yên Xá; hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực Hà Đông, Sơn Tây; Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; trạm xử lý nước thải Đầm Bẩy (Hồ Tây)…

Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm như tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ); 2 nhà máy tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn; triển khai các thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng tại một số điểm trên địa bàn thành phố, đồng thời tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng, đảm bảo không phát sinh ô nhiễm môi trường.

Thực hiện Đề án trồng một triệu cây xanh, trong 8 tháng qua, toàn thành phố trồng mới được gần 300 nghìn cây, lũy kế từ năm 2016 đến nay đã trồng được trên 845 nghìn cây, đạt 84,5% mục tiêu của Chương trình. Thành phố cũng đang tiến hành các bước để triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2030, tầm nhìn đến năm 2030”, với 6 nhóm giải pháp, 45 nhiệm vụ, 3 giai đoạn thực hiện. Mục tiêu đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Bên cạnh những kết quả trên, việc phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ, nhất là các dự án đầu tư, còn chậm so với tiến độ thành phố giao. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu của nghị quyết kết quả triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thời gian tới, thành phố xác định 3 nhóm giải pháp chung, 4 nhóm giải pháp cụ thể tương ứng nhằm xử lý chất thải rắn, ô nhiễm nước và cấp nước sạch, ô nhiễm không khí; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Trong đó, thành phố ưu tiên đẩy nhanh xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu và xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào hai sông trên và các sông Sét, Lừ, Cầu Bây.

Theo Thường Duy (Tuổi Trẻ Thủ Đô)