Xã hội

Hành động đâm chìm tàu cá ngư dân là vô nhân đạo

Việc các tàu lạ liên tục đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là có ý đồ. Hành động này là vô nhân đạo và vi phạm luật pháp quốc tế.

Việc các tàu lạ liên tục đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là có ý đồ. Hành động này là vô nhân đạo và vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo thông tin ban đầu, khu vực tàu QNa - 95959 khai thác hải sản thuộc vị trí 19 độ 00'N - 114 độ 00'E cách Đà Nẵng 370 hải lý về hướng Đông Bắc, trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu lạ liên tục tấn công ngư dân là có ý đồ

Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh biển Đông đang có những diễn biến phức tạp thì việc các tàu lạ thường xuyên xuất hiện và nhắm vào ngư dân Việt Nam là bất thường và có chủ ý. Thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay đã 5 lần tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tấn công trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Khai với lực lượng chức năng, ông Thành cho biết, khoảng 23h đêm 3/5, khi đang nằm ngủ thì bất ngờ nghe có tiếng "ầm" bên phía mạn phải, con tàu lắc mạnh khiến 3 người văng vào mạn tàu. Sau khi cú va chạm xảy ra, các thành viên trên tàu "lạ" đã quay đầu bỏ đi, để lại các ngư dân Quảng Nam cùng con tàu đang chìm dần xuống biển.

Hanh dong dam chim tau ca ngu dan la vo nhan dao hinh anh 1
Các ngư dân bị nạn về đất liền chiều 5/5. Ảnh: Nguyên Vũ.

Chưa hết bàng hoàng, ngư dân Phạm Trung (26 tuổi, trú xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) kể: "Lúc đó quá hoảng sợ, tôi gọi chú Thành lấy áo phao, can nước chạy ra ngoài dùng bộ đàm gọi mọi người cầu cứu. Tàu chìm rất nhanh đến mức khi chúng tôi chạy ra đến sào phơi mực thì nó đã chìm gần hết. Vì quá bất ngờ lại trong đêm tối nên tôi không thấy được đó là tàu của nước nào".

Ông Phan Xuân Sơn, thuyền trưởng tàu SAR 412 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải II), cho biết nếu một tàu cá khác không đến kịp thời thì 34 ngư dân bị nạn đã nguy hiểm đến tính mạng. 

Ông Ngô Tấn nói rằng việc tàu lạ tông trực diện tàu cá là quá tàn ác và có ý đồ. "Những ngư dân ta vốn nghèo khó và hiền lành. Cũng vì cuộc sống mưu sinh nên họ mới bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền. Họ chẳng gây thù kết oán với ai mà giữa đêm tối, tàu lạ lao vào trực diện như thế thì không thể chấp nhận được. Điều đáng nói, khi thấy các ngư dân chới với giữa biển khơi, những thành viên trên tàu lạ bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra thì quá vô lương tâm", ông Tấn bức xúc.

Phải trang bị công cụ hỗ trợ cho ngư dân

Người đứng đầu Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay khi các ngư dân về đất liền, lãnh đạo UBND tỉnh đã thăm hỏi, động viên tinh thần các ngư dân, hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng. Đồng thời bố trí xe chở 34 người từ Đà Nẵng về quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. UBND huyện cũng đã hỗ trợ 1 triệu đồng/ người bị nạn. 

"Chúng tôi cũng đã trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ và động viên ngư dân ổn định tinh thần, sớm vượt qua khó khăn. Ngày hôm nay, Hội cũng sẽ có văn bản báo cáo lên cơ quan cấp trên về vụ việc", ông Tấn cho hay.

Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, mặc dù tàu cá của ngư dân miền Trung liên tục bị tấn công ở vùng biển nhưng công tác điều tra của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là các tàu lạ thường lợi dụng lúc trời tối, ngư dân không đề phòng mới ra tay. Trong khi đó, các thuyền viên của chúng ta không được trang bị các công cụ hỗ trợ và luôn ở thế bị động nên thường bị thất thế và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Hanh dong dam chim tau ca ngu dan la vo nhan dao hinh anh 2
Một trong số 34 ngư dân bị nạn hạnh phúc vì đã may mắn thoát chết, gặp lại vợ con. Ảnh: Nguyên Vũ.

Vị lãnh đạo này kiến nghị, Nhà nước, Chính phủ phải sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để bảo vệ ngư dân. Cảnh sát biển, kiểm ngư cần tăng cường thêm lực lượng, luôn có mặt trên các vùng biển để thực thi nhiệm vụ, bảo vệ ngư dân khi cần thiết.

"Bên cạnh đó, đã đến lúc chúng ta phải trang bị cho ngư dân các công cụ hỗ trợ cần thiết để tự vệ khi xảy ra sự cố. Mỗi tàu thuyền phải trang bị các máy quay camera để lại ghi lại hình ảnh tội ác của tàu lạ, làm cơ sở để thực hiện các biện pháp pháp lý", ông Tấn đề xuất.

Ông Thành chia sẻ, tàu của ông ra khơi ngày 26/2 âm lịch. Khi bị nạn, trên tàu có hàng chục tấn hải sản, với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. “Toàn bộ ngư lưới cụ và con tàu trị giá 6 tỷ đồng của tôi đã bị mất trắng (tổng thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng). Không còn tàu cá, 34 ngư dân chúng tôi không biết làm gì để sinh sống trong những tháng ngày sắp tới”, ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Bá Thanh - Phó giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam cho biết, sau khi nhận được tin tàu cá mang số hiệu 95959 bị tông chìm, đơn vị đã báo cáo vụ việc và hồ sơ bảo hiểm của chủ tàu lên Tổng công ty để giải quyết theo luật định.

 

Thu thập chứng cứ để kiện ra quốc tế

Luật sư Trần Hùng (Đà Nẵng) nhận định, những chiếc tàu lạ liên tục tấn công ngư dân Việt Nam chắc chắn phải có một sự bảo hộ nào đó. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng chấp pháp để bảo vệ ngư dân, Nhà nước phải trang bị cho họ những thiết bị cần thiết để ghi lại bằng chứng tội ác.

Sau khi xác định được tàu lạ là của đơn vị, tổ chức hoặc quốc gia nào thì chúng ta tiến hành các biện pháp ngoại giao để giải quyết vụ việc. Nếu biện pháp này không được, Hội nghề cá hướng dẫn ngư dân kiện chủ tàu lạ và các thành viên của họ ra tòa án quốc tế. 


Theo Đoàn Nguyên (Zing.vn)