Xã hội

Lý giải nguyên nhân ngập úng, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng

Theo các chuyên gia, việc đô thị hóa nhanh kết hợp xây nhà kính ồ ạt và thiếu không gian xanh đã làm hạn chế thoát nước, khiến Đà Lạt mưa lớn kéo dài dẫn tới ngập, sạt lở.

Rạng sáng 29/6, sau trận mưa lớn đêm hôm trước khiến nhiều nơi ở Đà Lạt sạt lở. Bờ taluy của công trình đang xây trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám (phường 10) đổ sập, kéo theo nhiều khối đất đá ập xuống 3 căn nhà dưới thung lũng. 5 người được cứu, 2 vợ chồng công nhân bị vùi lấp, nhiều giờ sau được tìm thấy nhưng đã tử vong.

Ghi nhận tại khu dân cư sống cheo leo, trước là thung lũng, sau là đồi cao đang chuẩn bị xây công trình nhà ở lớn. Theo UBND TP Đà Lạt, bờ taluy trên cao làm không đúng kết cấu. Mưa lớn nhiều ngày khiến nước tích lại tạo lực đẩy mạnh làm vỡ bờ taluy, đổ ập xuống khu dân cư bên dưới.

Trước đó, chiều 23/6, mưa lớn kèm giông lốc gần một giờ khiến nhiều tuyến đường ở TP Đà Lạt bị ngập, cây đổ, xe chết máy, nước tràn vào nhà dân.

Lý giải nguyên nhân ngập úng, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng
Khu vực bị sạt lở ở Đà Lạt khiến 2 người bị vùi lấp, tử vong. Ảnh: N.X.

Đà Lạt bê tông hóa nhanh, thiếu không gian xanh khiến mưa là ngập, sạt lở

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, những năm gần đây, Đà Lạt có xu hướng phát triển thiếu bền vững khi đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng đến việc thoát nước. Với địa hình đồi núi, cộng với phá rừng, bê tông hóa…, khi mưa lớn kéo dài khiến nước từ trên cao đổ xuống vùng trũng, gây ngập.

Cụ thể hơn, Đà Lạt bị đánh giá là quy hoạch không tốt, nhà kính phát triền ồ ạt che đi diện tích đất, gây áp lực lớn cho hạ tầng xã hội, ngăn thoát nước, gây ngập khi mưa lớn kéo dài. Thành phố thiếu không gian xanh, thiếu không gian chứa nước, còn công viên, sông suối, hồ…, bị lấp.

Lý giải nguyên nhân ngập úng, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng - 1
Nhiều nơi ở Đà Lạt bị sạt lở sau trận mưa kéo dài. Ảnh: N.X.

Ông Sơn nhấn mạnh, trong các đồ án quy hoạch và phát triển dài hạn, chính quyền Lâm Đồng cũng như TP Đà Lạt phải tính toán “không gian thoát nước”, nhất là với những địa điểm đã bị bê tông hóa cao, như làm hồ điều tiết, kênh, rạch hoặc những thung lũng, không gian xanh…, sẽ có vai trò thu nước khi mưa lớn, và thoát nước đi khi mưa ngớt.

Bên cạnh đó, nhà quản lý, cơ quan chuyên môn có thể dự tính được lượng mưa xuống bao nhiêu mm trong năm; thấp nhất và cao nhất là bao nhiêu… để từ đó có các phương án chống ngập cụ thể, hợp lý. “Trường hợp quá tham phát triển, không dành đất cho không gian xanh, không gian chứa nước, về lâu dài thành phố sẽ phải trả giá”, ông Sơn nói.

Lý giải nguyên nhân ngập úng, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng - 2
Nhà cửa người dân hư hỏng do sạt lở. Ảnh: N.X.

Cần rà soát lại quy hoạch của Đà Lạt trong tương lai

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt có nền đất bazan khá yếu, nhưng mật độ xây dựng dày đặc, nhất ở các triền đồi trong khi taluy xây dựng chưa đúng chuẩn. Mưa lớn kéo dài, nước dồn nhanh tạo thành dòng lũ chảy mạnh, gây sạt lở. 

Ông Sơn cho rằng, ngập nước và sạt lở ở Đà Lạt liên quan tới quy hoạch. Còn việc xây dựng chưa phải là vấn đề mấu chốt, vì xây dựng phải theo quy hoạch. Trong quy hoạch dài hạn phải có không gian xanh, trồng rừng, không được chặt hay xâm phạm cây xanh, hạn chế bê tông hóa…, nhằm ngăn dòng chảy của nước. Vị trí đã làm bê tông hóa thì làm hầm điều tiết, dành không gian thoát nước, có thể là sông, hồ, suối, hay là công viên, hầm bê tông ngầm dưới lòng đất… tạo thêm giải chống ngập.

Tỉnh Lâm Đồng nên xem xét đánh giá lại tác động môi trường của việc quy hoạch, đánh giá lại toàn diện cho dù quy hoạch đã được phê duyệt. Từ đó, tìm được nguyên nhân gây ngập để điều chỉnh, đánh giá lại để hoàn thiện, phát triển bền vững.

Lý giải nguyên nhân ngập úng, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng - 3
Lực lượng chức năng đào bới tìm người kẹt dưới đất đá. Ảnh: N.X.

Còn kiến trúc sư Khương Văn Mười, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, mưa ngập và sạt lở ở Đà Lạt gia tăng không chỉ do thiên nhiên mà còn do yếu tố con người tác động và thiếu kỹ thuật xử lý địa hình khi dựng nhà cửa trên triền đồi.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười nhìn nhận, những năm gần đây, nhiều người theo xu hướng chọn xây nhà hay công trình ở đồi dốc để có vị trí đẹp. Tuy nhiên, những khu vực này dễ sạt lở, nhất là khi mưa xuống khiến đất nhão ra, nhà cửa tuột xuống triền đồi. Vì thế, khi xây dựng tại vị trí trên cần có quy hoạch cụ thể, trồng cây xanh bao phủ và phải có giải pháp giảm tác động của thiên nhiên.

Lý giải nguyên nhân ngập úng, sạt lở ở Đà Lạt gia tăng - 4
Tường bê tông, móng nhà người dân ở Đà Lạt sau sạt lở. Ảnh: N.X.

"Ngoài ra, lúc xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc khác dọc triền đồi phải đóng cọc để giữ nền, đóng cọc nghiêng để giữ nhà cửa, công trình”, ông Mười nói và cho rằng, xung quanh các triền đồi, ở phía trên sẽ hình thành từng bậc, từng bậc. Mỗi chân đồi cần phải làm mương thu nước để phân chia dòng chảy, không để tràn xuống dưới.

Còn nếu là công trình nhà ở thì sau lưng phải có giếng thu nước, mương thu nước để hứng nước mưa lại. Cái này thuộc về kỹ thuật xử lý địa hình. Thường thì nhà ở riêng lẻ lại không lưu ý điều này, cho nên xảy ra sự cố thì rất khó kiểm soát”, vị kiến trúc sư cảnh báo.

Theo Xuân Ngọc - Tuấn Kiệt (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ly-giai-nguyen-nhan-ngap-ung-sat-lo-o-da-lat-gia-tang-2160141.html