Xã hội

Người phụ nữ chuyên "lật tẩy" những kẻ buôn gian bán lận xăng dầu

Người phụ nữ này vẫn được biết đến với cái tên "nữ tướng bắt xăng gian" vì nỗ lực vạch trần các hình thức gian lận của hàng chục cây xăng thiếu đạo đức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Người phụ nữ này vẫn được biết đến với cái tên "nữ tướng bắt xăng gian" vì nỗ lực vạch trần các hình thức gian lận của hàng chục cây xăng thiếu đạo đức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chương trình Chuyển động 24h số phát sóng ngày 8/12/2015 đã giúp mọi người thấy được những nỗ lực không ngừng của phụ nữ này đồng thời chia sẻ những bí quyết mà bà đã áp dụng để đấu tranh chống lại những thủ đoạn tinh vi của gian thương.
 

Clip: Người chống gian lận xăng dầu ở Đồng Nai - (Nguồn: VTV)

 
Theo một thống kê, ở Đồng Nai, số tiền xử phạt các hành vi gian lận xăng dầu cao gấp 10 lần so với năm ngoái. Được biết, cách thức gian lận của các doanh nghiệp tại địa phương này chủ yếu cũng là gian lận, đo lường xăng bằng cách thay đổi IC. Vậy vì sao một thủ đoạn tinh vi mà các lực lượng chức năng lại có thể phát hiện, xử phạt nhiều đột biến đến như vậy?
 
Câu trả lời nằm ở cách làm. Bí mật kiểm tra bồn chứa xăng vào ban đêm, giả trang khách du lịch khi đi kiểm tra để tạo bất ngờ, phong tỏa nguồn điện cấm để chủ doanh nghiệp xóa dấu vết... đó là những biện pháp mà bà Phương sử dụng để bắt tại trận những thủ đoạn gian lận ở các cây xăng.

Theo bà, phải làm cách này là do phần lớn các cây xăng vi phạm đều dùng thủ đoạn thay đổi cấu tạo của trụ bơm xăng, thủ đoạn rất khó phát hiện khi kiểm tra thông thường và dễ bị xóa dấu vết.
 
"Đến để tiến hành kiểm tra thì cũng bắt hụt, mình không có đủ thời gian cũng như không đủ nhanh để ngăn chặn hành động can thiệp của nhân viên", bà Phương cho biết.
 

Bà Phương trong một lần giả trang làm người lao động đi kiểm tra cây xăng - (Ảnh cắt từ clip)

 
Bắt hụt dù đã bỏ hàng tháng trời để trinh sát từ trước cũng chỉ là một trong những khó khăn mà đoàn kiểm tra phải đối mặt.

Nói về những khó khăn trong công tác kiểm tra, xử phạt, bà Phương cho biết thêm: "Một số trạm xăng dầu có người nhà làm trong cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên của đoàn liên tục nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu dừng lại hoặc xin bỏ qua, thậm chí đe dọa không được phép thực hiện công tác kiểm tra này nữa".

Theo kết quả nửa đầu năm 2015, gần 60 cây xăng bị phạt vì gian lận, tiền phạt lên tới gần 6 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm ngoái. Dù đạt được những thành tích nổi bật nhưng với người cán bộ trẻ, đây đơn giản là việc phải làm.

"Đứng ở góc độ người tiêu dùng thì mình biết rằng mình cũng đã từng đổ xăng nhưng không đổ được đúng số lượng khiến bản thân rất bức xúc. Đứng ở cương vị một cán bộ nhà nước, mình có khả năng triển khai công tác kiểm tra thì tại sao mình lại không cố gắng thực hiện nhiệm vụ này", người đứng đầu Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đồng Nai chia sẻ.
 

Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương chia sẻ những khó khăn trong công tác chống gian lận xăng dầu - (Ảnh cắt từ clip)

 
Bằng cách giả trang thành người lao động đi mua xăng mà nhiều gian thương ở Đồng Nai từ trong bóng tối phải bước ra ánh sáng. Chỉ sau vài tháng áp dụng cách điều tra xử phạt bất ngờ không báo trước, đã có hơn 250 cây xăng, tức hơn 60% cây xăng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tự nguyện xin chuẩn hóa lại toàn bộ trụ bơm xăng của mình.

Theo Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai, chính điều này mới là hiệu quả thực sự của việc đẩy mạnh chống xăng gian chứ không phải là số tiền mặt tăng nhiều hay ít.

Một thị trường xăng dầu minh bạch, nhu cầu chính đáng này của người dân đã và đang bị tước đi bởi các thủ đoạn tinh vi của gian thương. Thế nhưng trong tối thì vẫn có sáng, động thái quyết liệt trong việc xử lý triệt để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bất chính như thời gian qua ở Đồng Nai đã phần nào mang lại niềm tin cho người dân, trả lại sự minh bạch cho thị trường.
 
>> "Ma cô" ở cây xăng gian
>> Kỹ nghệ “ăn cắp” của các cây xăng

Theo Hồng Minh (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)