Xã hội

‘Nhiều người nói tôi làm quyền Bộ trưởng Y tế lúc này là một sự dũng cảm’

Trả lời câu hỏi của VietNamNet ngay sau khi nhậm chức quyền Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan cho biết, rất nhiều người nói với bà: “Tại sao không từ ngành y lại dũng cảm nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Y tế lúc này?”.

XEM CLIP:

Chia sẻ với báo chí, cảm xúc khi nhận chức quyền Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan nói: “Cảm xúc của tôi lúc này vừa mừng vừa lo”.

Mừng vì sau khi công tác tại tỉnh Bắc Ninh, đến thời điểm này, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng, điều động, phân công nhiệm vụ về làm Bí thư Ban cán sự và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là lĩnh vực rất quan trọng trong chính sách an sinh xã hội.  

“Có thể nói, đây là lúc ngành y tế cần có sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và sự đồng cảm của nhân dân để vượt qua những khó khăn, thách thức”, quyền Bộ trưởng Y tế nói.

Điều bà mong muốn và sẽ thực hiện khi nắm giữ vai trò người đứng đầu ngành y tế là gì?

Tôi không phải xuất phát từ ngành y nên nhiệm vụ này đối với tôi rất mới mẻ. Tuy nhiên, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi sẽ thực hiện nghiêm túc sự phân công của Bộ Chính trị.

Chúng tôi sẽ cùng Ban cán sự, lãnh đạo Bộ và cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế huy động sự tham gia của đội ngũ khoa học, chuyên gia, các thế hệ đi trước để rà soát lại các công việc, lựa chọn những vấn đề then chốt để tập trung tháo gỡ.

‘Nhiều người nói tôi làm quyền Bộ trưởng Y tế lúc này là một sự dũng cảm’
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Bên cạnh đó, cũng rà soát định hướng phát triển lâu dài của ngành.  Trong đó có luật pháp, cơ chế chính sách cán bộ để làm thế nào ngành y có bước phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Mục đích cuối cùng là có hệ thống y tế vững chắc và phát triển toàn diện, chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân. Đây là mục tiêu mà ngành y sẽ tập trung trong thời gian tới.

Là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - một tỉnh rất thành công trong phòng chống dịch, thực tiễn đó sẽ giúp bà như thế nào trong nhiệm vụ mới?

Tôi thấy rằng là để có kết quả phòng, chống dịch chung của cả nước như hiện nay mỗi địa phương, mỗi ban, ngành đều phải cố gắng chung.

Dịch Covid-19 vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn phức tạp, với kinh nghiệm lãnh đạo địa phương thời gian qua, chúng tôi hy vọng phải có sự đoàn kết, đồng lòng của tất cả các bộ, ban, ngành, các địa phương trong toàn quốc và sự vào cuộc của nhân dân.

Trong phát biểu nhận nhiệm vụ, bà có chia sẻ có người nhắn tin nói rằng “nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Y tế trong thời điểm này là một sự dũng cảm”?

Thực sự, câu nói đó không chỉ của một người mà rất nhiều người. “Tại sao không xuất phát từ ngành y mà lại dũng cảm nhận làm người đứng đầu ngành y tế lúc này?

Tôi nghĩ rằng, có thể tôi hoặc một người nào đó nhận nhiệm vụ này cũng do được sự tin tưởng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Với trách nhiệm của người đảng viên, tôi cũng cố gắng, nỗ lực để tiếp cận công việc và cùng với tập thể Ban cán sự đảng Bộ Y tế triển khai công việc trong thời gian tới.

Bà xác định nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới là gì?

Nhiệm vụ rất nhiều. Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 7-8 nhiệm vụ mà tôi nghĩ rằng tất cả việc đó đều phải làm cẩn thận vì sức khỏe của nhân dân là vốn quý. Nếu một giây mà chúng ta chậm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của rất nhiều người.

Quan trọng nhất là sự phân công làm sao để từng đơn vị trong Bộ Y tế với trách nhiệm và vai trò của mình sẽ làm tốt nhiệm vụ trên từng lĩnh vực.

Sự phát triển ở tất cả lĩnh vực mới tạo được sự phát triển của ngành.

Tôi ước sao trước đây học ngành y

Ngành y tế đang trong hoàn cảnh khó khăn khi cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, rồi khó khăn trong đấu thầu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc men… Bà sẽ làm gì để xoay chuyển tình hình?

Tôi sẽ rà soát lại các văn bản chỉ đạo. Rất mừng là đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng.

Như trong bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành cũng đã vào cuộc, trong đó xác định rõ vai trò của các bộ ngành liên quan. 

Trước mắt, chúng tôi phải làm tốt vai trò của ngành y tế thì mới tháo gỡ được khó khăn. Bên cạnh đó sẽ tăng cường phối hợp cùng với các bộ, ngành để xem điểm khúc mắc trong quá trình chỉnh sửa các quy định cụ thể. 

Là người đứng đầu ngành y tế duy nhất trong số các bộ trưởng y tế không xuất phát từ ngành y bà có lo lắng gì khi là người “ngoại đạo”?

Tôi ước trước đây tôi học ngành y để bây giờ có thể tự tin bước vào nhận nhiệm vụ và có thể nhanh chóng vào cuộc một cách nhanh nhất.

Câu chuyện của ngành y vừa rồi được rất nhiều ĐBQH bàn luận về vai trò làm công tác quản lý nhà nước với công tác chuyên môn và có ý kiến cho rằng nên tách bạch 2 vai trò này. Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, phải chăng việc bà không xuất phát từ ngành y là một điểm cộng để làm công tác quản lý nhà nước tốt hơn?

Theo tôi, như thế cũng chưa hẳn là chính xác. Nếu vừa có trình độ chuyên môn và vừa có khả năng quản lý nhà nước vẫn là tốt nhất và không phải làm chuyên môn thì không làm tốt công tác quản lý.

Tôi nghĩ rằng người quản lý hay người làm chuyên môn thì đều phải đoàn kết, tập hợp được trí tuệ chung để mà triển khai nhiệm vụ của ngành.

Trách nhiệm của tôi trong thời gian tới là vô cùng nặng nề

Khi phát biểu nhận nhiệm vụ, bà có nhìn nhận đây là sự tin tưởng nhưng cũng là trách nghiệm rất nặng nề. Bà suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình trong thời gian tới?

Tôi nghĩ rằng trách nghiệm của tôi trong thời gian tới là vô cùng nặng nề nhưng với nhiệm vụ và sự phân công, điều động thì tôi sẽ cố gắng cùng tập thể Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Y tế tháo gỡ dần từng công việc, có lộ trình trọng tâm và trước mắt.

"Cơn bão" trong ngành y tế vừa qua khiến nhiều cán bộ ngành y tế rất tâm tư và rất nhiều nhân viên y tế trong bệnh viện công lập nghỉ việc. Vậy kế hoạch của bà trong thời gian tới để ổn định tư tưởng toàn ngành để tạo động lực, khí thế mới trong ngành?

Vấn đề chuyển dịch giữa khu vực công và tư thì không phải chỉ riêng có ngành y. Tuy nhiên, với áp lực của những năm phòng, chống dịch vừa qua lại thêm áp lực nặng nề của công việc có thể nói là cán bộ ngành y tế cũng có sự chuyển dịch hoặc nghỉ việc hoặc sang khu vực y tế tư nhân.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt chúng ta phải rà soát, phân tích thực trạng như thế nào, có mặt tích cực gì, mặt hạn chế gì. Trên cơ sở đó rà soát, đánh giá những điểm yếu, cơ chế chính sách còn thiếu để có kế hoạch cùng với các bộ, ban, ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Bà có chia sẻ gì với 500.000 cán bộ, nhân viên ngành y cả nước?

Với vai trò, nhiệm vụ là người đứng đầu ngành y tế, tôi tri ân đến đội ngũ cán bộ ngành.

Tôi rất mong các anh, chị tin tưởng vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của ngành để chúng ta cùng chia sẻ, đoàn kết làm tốt vai trò, sứ mệnh của cán bộ ngành y. 

Theo Trần Thường - Thu Hằng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhieu-nguoi-noi-toi-lam-quyen-bo-truong-y-te-luc-nay-la-mot-su-dung-cam-2040229.html