Xã hội

Những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận

Bạo lực học đường luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh đối với ngành giáo dục.

Mới đây, thông tin nữ sinh N.T.Y.N lớp 10A15, Trường THPT Chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường khiến dư luận bàng hoàng. 

Dù nghi vấn nữ sinh bị cô lập, là nạn nhân của bạo lực học đường chưa được làm rõ nhưng thực tế từ trước đến nay, vấn nạn này luôn là vấn đề khiến ngành giáo dục ám ảnh.

Thời gian qua, nhiều vụ việc đã xảy ra, gây hậu quả nặng nề khiến nạn nhân chấn thương tâm lý, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Xô xát với bạn, nam sinh Huế tử vong

Ngày 4/4/2023, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Huế) xảy ra vụ việc hết sức đau lòng. Trong giờ ra chơi, em N.Đ.Th. đi mua thạch dừa. Lúc ăn, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay, Th. chùi vào tường của lớp.

Lúc này, bạn cùng lớp là H.V.G.B có lời qua tiếng lại. Sau đó, Th. xông vào hành hung, xô B. ngã đầu đập vào bàn học.

Giáo viên của trường đã đưa B. đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu nhưng nam sinh không qua khỏi.

Nam sinh lớp 10 bị đâm vào ngực

Ngày 26/12/2022, dư luận xôn xao khi nam sinh lớp 10A6 Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) bất ngờ dùng vật nhọn đâm vào vùng ngực của nam sinh L.V.K. (16 tuổi, học cùng trường) khiến nạn nhân trọng thương.

Những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận
Trường THPT Tây Thụy Anh, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Fanpage nhà trường

Sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, em K. thoát cơn nguy kịch. Theo đại diện nhà trường, giữa nam sinh và em Th. không học cùng lớp nhưng có quan hệ họ hàng. Hai em đã có mâu thuẫn từ trước khi sự việc xảy ra.

Nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường hành hung

Không chỉ các nam sinh, nhiều nữ sinh cũng tham gia vào các vụ bạo lực học đường. Điển hình là vụ việc xảy ra trong tháng 12/2022. Theo đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một thiếu nữ đánh bạn nữ ngay trước cổng Trường THCS Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).

Đoạn clip cho thấy nữ sinh lớp 9 bị nữ sinh khác lớp dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng đầu. Nạn nhân còn bị kéo xuống ruộng để hành hung. Chỉ đến khi nữ sinh bị đánh toàn thân lấm lem bùn đất, nữ sinh cùng trường mới chịu dừng hành vi bạo lực trên.

Mâu thuẫn, nam sinh Long An bị đánh tử vong

Cũng trong năm 2022, một vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại Long An. Vào tháng 10/2022, Hội đồng Trường THCS & THPT Nguyễn Văn Rành (tỉnh Long An) nhận được thông tin về học sinh bị đánh chấn thương được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cấp cứu.

Được biết nạn nhân là học sinh N.B.K lớp 11A1. Em bị một nhóm người bên ngoài đánh do mâu thuẫn với một học sinh lớp 10A1.

Sau khi bị đánh, em N.B.K. được đưa đến bệnh viện tại Long An cấp cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi. Em N.B.K đã tử vong vào trưa 18/10 để lại sự xót xa khôn nguôi cho gia đình, nhà trường.

Những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận - 1
Thầy Hà Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ân Nghĩa, Hòa Bình.

Nhiều giáo viên thừa nhận bạo lực học đường đang là vấn nạn chưa có lời giải của ngành giáo dục. Ông Hà Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay.

“Tôi thấy rằng hoàn cảnh gia đình là một lý do khá lớn. Bên cạnh đó, học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè...", thầy giáo này nói.

Một lý do khác được thầy Tuấn nhấn mạnh là thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook, Tiktok phát triển như vũ bão. Nhiều bạn trẻ thấy người khác đăng tải hình ảnh, clip đánh nhau nên cũng bắt chước, thể hiện bản thân.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) từng thông tin với VietNamNet thầy cô, cha mẹ có thể nhận ra các dấu hiệu con bị bắt nạt tinh thần với các biểu hiện mệt mỏi, mất hứng thú học tập.

Các em thường xuyên đến trường muộn; lịch sinh hoạt, ăn ngủ thay đổi thất thường; khóc một mình; có cơn ác mộng; né tránh tình huống xã hội; tự gây hại hoặc nói về việc tự sát. 

Thầy cô, cha mẹ phải nói với con trẻ về cách thức ứng xử khi trở thành nạn nhân hay chứng kiến ai đó bị bắt nạt. Khuyến khích con hành xử theo cách ủng hộ việc dừng hành vi bắt nạt lại. Người thân cũng giúp con hiểu và cam kết không tham gia vào việc bắt nạt chỉ để a dua theo nhóm bạn. Khuyến khích con tâm sự về nguy cơ bắt nạt với cha mẹ.

Ở trên lớp, thầy cô làm mẫu hành vi ứng xử phù hợp và thân thiện trong lớp học, luôn khen thưởng, củng cố các giá trị về công bằng và yêu thương. Các em cũng cần được cung cấp kiến thức cho học sinh về bắt nạt và những chiến lược ứng phó cụ thể (không né tránh, coi như không có chuyện gì xảy ra). Cách tốt nhất, các em cần đứng lên thể hiện thái độ với hành vi bắt nạt, báo cáo và tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh.

Theo thông tư số 32 năm 2020 của Bộ GD-ĐT về điều lệ trường phổ thông, xâm phạm thân thể người khác và đánh nhau là những hành vi học sinh không được làm. Nếu vi phạm, trường học có thể xử lý theo ba hình thức: Nhắc nhở; Khiển trách và Tạm dừng học có thời hạn.

Ngoài ra, học sinh đủ 14 tuổi trở lên có thể bị phạt hành chính, phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Theo Hoàng Thanh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhung-vu-bao-luc-hoc-duong-gay-hau-qua-dau-long-2133868.html