Xã hội

Phụ huynh Hà Nội chi hàng chục triệu đặt cọc suất vào lớp 10 đổi sự yên tâm

Dù Sở GD-ĐT Hà Nội chưa thông báo số môn thi vào lớp 10 công lập năm 2024, song đến nay, không ít phụ huynh chấp nhận chi tiền “cọc” để dự phòng một suất học cho con tại các trường tư thục.

Chia sẻ với VietNamNet, chị Nguyễn Hoa (một phụ huynh có con đang học lớp 9) chia sẻ, quá lo lắng về kỳ thi vào lớp 10 của con, mới đây, chị đã quyết định đóng 2 triệu đồng phí nhập học vào Trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm). Việc này giúp con chị nắm chắc một suất dự phòng nếu thi trượt trường công lập. Theo thông báo của trường, số tiền này sẽ không được hoàn trả khi học sinh rút hồ sơ.

Trước đó, con chị đã trúng tuyển đầu vào lớp 10 trường tư này theo diện tuyển thẳng bằng xét học bạ 3 năm 6, 7, 8 và học kỳ 1 lớp 9 (học sinh Giỏi, có hạnh kiểm Tốt).

Ngôi trường này cách nhà gần 10km nhưng để yên tâm hơn trước cơ hội vào lớp 10 của con, vợ chồng chị không ngại rút hầu bao. “Nhà tôi đã chuyển tiền cọc. Con học trường này khá xa nhưng coi như chúng tôi mua tạm “bảo hiểm” cho yên tâm”.

Kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng nên dù con cũng có học lực tốt song chị Hoa cho hay, dự kiến sẽ đăng ký thêm 1 trường tư nữa ở quận Cầu Giấy, gần nhà hơn, để thêm lựa chọn sau này. 

“Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội căng thẳng và nhiều áp lực nên tôi dự kiến đăng ký 1-2 trường tư coi như là đường lùi nếu chẳng may con không đỗ được công lập, mặc dù con mình học khá và khả năng đỗ vào công lập cao.

Nếu con thi trượt trường công lập, sau khi tìm hiểu thông tin các trường tư về chính sách học phí, môi trường... trường nào phù hợp chị sẽ đăng ký cho con.

“Mỗi trường có ưu điểm nhất định nên nếu con không đỗ được công lập, gia đình tôi lại phải cân nhắc và quyết định xem học trường tư nào. Gia đình cũng xác định phải tốn kém đặt cọc 1-2 trường tư. Do khu vực quận Ba Đình không nhiều trường tư chất lượng so với các quận khác nên đành đăng ký ở các quận tương đối xa, nhưng đổi lại mình an tâm và con đỡ áp lực”, chị Hoa nói.

“Vợ chồng tôi xác định mất khoản phí giữ chỗ từ 7 đến 10 triệu đồng để an tâm”.

Chị Lê Thu (một phụ huynh ở quận Hà Đông) cũng đóng tiền đặt cọc Trường THPT Đoàn Thị Điểm. Chị Thu chia sẻ: “Nhà tôi quyết định vậy để đảm bảo có suất vào lớp 10 chất lượng trong trường hợp không đỗ trường công và con cũng được giảm áp lực. Tôi biết con mình học tốt nhưng vì mức độ cạnh tranh quá cao; chỉ lo hôm thi lỡ con làm bài không đạt phong độ dẫn đến điểm số không như mong muốn. Vì vậy, đây là phương án tôi nghĩ là ổn nếu chẳng may không trúng tuyển được trường công lập ưng ý”.

Phụ huynh Hà Nội chi hàng chục triệu đặt cọc suất vào lớp 10 đổi sự yên tâm
Ảnh: Thanh Hùng.

Tuy nhiên, mức phí đặt cọc này chưa nhằm nhò nếu phụ huynh muốn giữ chỗ ở một số trường tư khác.

Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đưa ra mức phí nhập học là 15 triệu đồng. Nhà trường cũng cho biết phí nhập học sẽ không được chuyển nhượng hoàn trả trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được đối trừ với các khoản thu trong năm học nếu học sinh theo học tại trường.

Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cũng đưa ra mức phí nhập học là 5.910.000 đồng. Phí nhập học này, trường không trả lại, nếu học sinh rút hồ sơ chuyển đi trường khác. Tuy nhiên nhà trường cũng lưu ý phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi nhập học cho con, chỉ khi chắc chắn con sẽ học tiếp thì mới làm thủ tục nhập học, tránh việc giữ chỗ khiến mất cơ hội vào học của học sinh khác.

Để ghi danh vào trường tư, các học sinh phải mất phí đặt cọc hoặc phí giữ chỗ. Đây là quy định của hầu hết các trường tư để đảm bảo công tác tuyển sinh đúng kế hoạch, tuyển đủ chỉ tiêu. Số phí đặt cọc và hạn đóng phí của mỗi trường là khác nhau và được các trường thông báo cho phụ huynh tìm hiểu, cân nhắc trước khi ra quyết định.

Việc đóng phí ghi danh, nhập học... hoàn toàn tự nguyện, là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Ở hầu hết các trường, khi phụ huynh đã làm thủ tục, số tiền cọc không được lấy lại nếu học sinh không theo học tại trường.

Như vậy, với những học sinh có một nguyện vọng duy nhất là vào trường tư và xác định một trường rõ ràng, việc đặt cọc không phải là vấn đề bởi trước sau vẫn sử dụng số tiền này khi nhập học. Nhưng với những gia đình coi cơ hội học trường tư chỉ là phương án phụ hay phương án dự phòng, phí đặt cọc là số tiền không mấy dễ chịu.

Khi đã chi tiền đặt cọc giữ chỗ, phụ huynh thường đã có sự cân nhắc. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có không ít phụ huynh đặt cọc trong trạng thái vội vàng hoặc bị xao động, phân tâm theo đám đông dẫn đến quyết định mang tính thời điểm.

Trên thực tế, những năm trước, đã có những trường hợp phụ huynh bỏ cọc, thậm chí bỏ cùng lúc nhiều trường sau khi con trúng tuyển vào trường công lập top đầu.

Việc quyết định chi tiền giữ chỗ là lựa chọn, quyết định của mỗi gia đình tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh. Tuy vậy, để hạn chế việc lãng phí trong bỏ tiền đặt cọc, hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu năng lực của con để xác định trường mục tiêu; tìm hiểu rõ về trường mình định đặt cọc (tầm nhìn, định hướng, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, loại hình lớp...) tránh tâm lý lo lắng thái quá dẫn đến lãng phí.

Theo Thanh Hùng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/phu-huynh-ha-noi-chi-chuc-trieu-dat-coc-suat-vao-lop-10-doi-su-yen-tam-2255011.html