Xã hội
03/05/2025 08:19Rộ chiêu lừa đảo bằng hóa đơn chuyển khoản giả
“Làm xiếc” trên những hóa đơn ảo
Bà Lê Thị Thủy, chủ một cửa hàng ăn trên phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ việc đã bị 2 cô gái mặc đồng phục nhân viên văn phòng lừa số tiền ăn 600.000 đồng. Hai người này đã thực hiện chuyển khoản thanh toán ngay tại cửa hàng và đưa cho bà Thủy xem giao dịch. Tuy nhiên, sau đó, bà Thủy vẫn không nhận được tiền nên ra ngân hàng để kiểm tra biến động số dư thì hoàn toàn không có giao dịch nào.
Tài khoản Facebook Thu Thủy cũng bị lừa hơn 2 triệu đồng với thủ đoạn tương tự vào cuối tháng 4 vừa qua. Người mua quần áo thực hiện lệnh chuyển khoản giả rồi đưa cho nhân viên cửa hàng xem thông báo chuyển tiền thành công trên điện thoại. Nhân viên không hề nghi ngờ và số tiền đã bị chiếm đoạt một cách dễ dàng.

Không chỉ mua bán trực tiếp, việc bán hàng trên mạng cũng bị những kẻ lừa đảo nhắm tới với thủ đoạn tinh vi. Ngày 17-4, chị Thanh Hà ở quận Long Biên nhận được tin nhắn từ một khách hàng cho biết đang ở Đài Loan (Trung Quốc) và muốn mua mỹ phẩm cho con gái. Đối tượng đã gửi hóa đơn chuyển tiền cọc giữ hàng nhưng chị Hà không nhận được tiền nên đã gọi cho số điện thoại được cung cấp.
Cuộc gọi được chuyển tới một người tự xưng là nhân viên ngân hàng tại Đài Loan (Trung Quốc) hỗ trợ xác nhận. Nhân viên này đề nghị chị Hà chia sẻ màn hình để mở ứng dụng ngân hàng với lý do là “xác nhận thông tin”. Khi chị Hà từ chối thì người này cho biết sẽ gửi mã truy cập để chị nhận tiền nhanh hơn. Xác định đây là thủ đoạn lừa đảo nên chị Hà không làm theo. Sau này hỏi một nhân viên ngân hàng thì chị biết là mình suýt bị lừa đảo, may mắn tránh bị sập bẫy lừa.
Tài khoản Facebook Phương Hoàng cũng suýt rơi vào bẫy lừa khi ngày 19-4 vừa qua, một người tự xưng đang ở Hàn Quốc nhắn tin muốn mua xe cho bạn gái. Hình thức giống hệt trường hợp chị Hà là gửi lệnh chuyển khoản giả, nối máy nói chuyện trực tiếp với nhân viên ngân hàng ở Hàn Quốc để hướng dẫn cách nhận tiền. Tài khoản Facebook Phương Hoàng từ chối vì không biết nói tiếng Hàn thì đối tượng khẳng định nhân viên ở Hàn Quốc là người Việt Nam. Do cảnh giác nên chủ tài khoản lập tức ngừng giao dịch.
Dễ dàng tạo hóa đơn giao dịch giả
Từ những vụ việc này, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm kiếm thông tin bằng các từ khóa “tạo bill chuyển khoản”, “hóa đơn chuyển khoản”... trên mạng thì thấy có rất nhiều bài viết mời chào.
Theo hướng dẫn, ngày 1-5, phóng viên đã vào website fakebillsx.com và đăng ký tên đăng nhập, chuyển vào tài khoản NRONG THACH tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) số tiền tối thiểu 5.000 đồng. Sau đó, chỉ cần bấm vào mục chuyển khoản ngân hàng (auto) thì hiện lên các mẫu làm hóa đơn chuyển khoản theo nhu cầu của khách hàng. Hiện tại, website này có thể làm giả hóa đơn của 15 ngân hàng như: MB, Vietinbank, Techcombank, Momo, VP, Sacombank, VIB... Mức giá chung là 6.000 đồng/hóa đơn, riêng làm giả hóa đơn Ngân hàng MB thì phí là 9.000 đồng/hóa đơn. Chỉ chưa đầy 1 phút tạo lệnh cho mỗi hóa đơn, người ta có thể biến hóa số tiền chuyển khoản từ vài nghìn đồng đến vài chục tỷ đồng với mức phí rất thấp, 6.000-9.000 đồng/hóa đơn.
Tại các hội nhóm “tạo bill chuyển khoản” trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm kiếm các tài khoản đăng thông tin mời khách hàng làm hóa đơn chuyển khoản giả. Việc gian dối, tạo hóa đơn giả chỉ bằng những cú nhấp chuột, nhắn tin riêng tư với các chủ tài khoản để mua hóa đơn giả vô cùng dễ dàng, đơn giản.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29-4, Công an thành phố Hà Nội đã phát thông báo tìm người bị hại trong vụ lừa đảo giả hóa đơn chuyển tiền để chiếm đoạt điện thoại. Theo đó, Nguyễn Văn Trang ở huyện Ứng Hòa đã giao dịch mua điện thoại Iphone 13 Promax trên website "Mua bán chợ tốt" và thuê xe công nghệ đến lấy hàng, rồi dùng website fakebillsx.com để làm giả hóa đơn chuyển khoản, gửi hình ảnh cho người bán. Do tin tưởng, người bán đã giao điện thoại nhưng sau đó không nhận được tiền nên đã trình báo cơ quan công an. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.
Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi làm giả hóa đơn thanh toán hoặc chỉnh sửa thông tin để chiếm đoạt tài sản có thể bị kết vào "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, nếu có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 2 triệu đến 500 triệu đồng thì hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ, mức cao nhất là tù chung thân.
Trước tình trạng mua bán, làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng công khai như hiện nay, đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, tăng cường rà soát, thâm nhập vào các website, mạng xã hội để tìm hiểu, sớm đưa ra ánh sáng các hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm an toàn tài sản của người dân.
Theo Kim Vũ (Hà Nội Mới)
Tin cùng chuyên mục








-
Cùng một tên gọi, ở Việt Nam chỉ bán vài trăm nghìn, Nhật Bản bán hơn 50 triệu/kg: Tại sao lại đắt như vậy? (12/07)
-
Nữ diễn viên nổi tiếng tung loạt ảnh sexy, hé lộ thông tin gây chú ý, hàng trăm người quan tâm (12/07)
-
Tuần mới (14-20/7) đón lộc Thần Tài, 4 con giáp gặp vô vàn may mắn, công việc hanh thông, tiền bạc dồi dào! (12/07)
-
Bắt khẩn cấp 31 người bán 253 tỷ đồng "bóng cười" cho các tụ điểm ăn chơi (12/07)
-
Bộ y tế yêu cầu báo cáo vụ "cò mồi" giả danh bảo vệ bệnh viện, đưa bệnh nhân vào phòng khám (12/07)
-
Chồng coi tôi là đồ bỏ đi, khi tôi ly hôn thật thì anh trở nên trượt dốc, 3 năm sau gặp lại, bộ dạng của anh khiến tôi thất kinh (12/07)
-
Nóng: HLV Kim Sang-sik gạch tên chân sút Việt kiều ngay trước thềm khai mạc giải Đông Nam Á (12/07)
-
Tài xế uống rượu từ tối, sáng hôm sau vẫn chở 45 khách đi du lịch (12/07)
-
Tôi đã bắt đầu lại cuộc sống thứ hai sau tuổi 50: 3 cách buông bỏ để sống nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn (12/07)
-
Lamine Yamal mở tiệc sinh nhật "bí ẩn", thuê dàn chân dài bốc lửa (12/07)
Bài đọc nhiều




