Xã hội

Vì sao dự báo một đằng, mưa Sài Gòn một nẻo?

Các bản tin dự báo thời tiết ngày 1 và 2-10 nhận định thời tiết tại nhiều nơi ở khu vực Nam bộ có mưa vừa đến mưa to. Trong khi đó, trên thực tế đến ngày 3-10 tại TP.HCM mới xuất hiện mưa. Vì sao?

 

Các bản tin dự báo thời tiết ngày 1 và 2-10 nhận định thời tiết tại nhiều nơi ở khu vực Nam bộ có mưa vừa đến mưa to. Trong khi đó, trên thực tế đến ngày 3-10 tại TP.HCM mới xuất hiện mưa. Vì sao?

Đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9 (TP.HCM) ngập nặng trong ngày 3-10 - Ảnh: TÂM ĐỨC

Ngày 3-10, từ sáng sớm mưa trút xuống nhiều nơi, nhiều đợt trên địa bàn TP.HCM và kéo dài tới chiều. Do mưa vào giờ cao điểm nên kẹt xe càng nặng nề hơn khi nhiều tuyến đường ngập nước...

Ngày đầu tuần đi làm đã phải vất vả với nạn đường ngập, kẹt xe, nhiều người còn bức xúc trước một số bản tin dự báo mưa chưa sát với thực tế...

Mưa từ sáng đến chiều

Sáng sớm 3-10, những đám mây dông bao phủ bầu trời TP.HCM, mưa xuất hiện đồng loạt trên diện rộng khiến nhiều người phải đội mưa đi làm trong tình trạng giao thông hỗn loạn.

Mưa chưa dứt thì đường Đỗ Xuân Hợp (thuộc hai phường Phước Long B và Phước Bình, Q.9) đã ngập gần tới yên xe, nhiều xe máy, ôtô con, thậm chí xe tải cũng bị chết máy, không di chuyển được.

Để tránh xe bị chết máy, nhiều người đi đường chọn cách dắt xe lên cao, bất lực chờ nước rút. Khu vực dưới chân cầu Rạch Chiếc (Q.2) tiếp tục là “điểm nóng” ngập nước, kẹt xe trong cơn mưa ngày 3-10.

Nước ngập quá sâu khiến dòng xe máy, ôtô bị ùn ứ tại nút giao thông từ cầu vượt Cát Lái kéo dài lên trên cầu, hướng từ ngã tư Thủ Đức về cầu Sài Gòn. Cơn mưa chiều cùng ngày cũng khiến khu vực này ngập mênh mông, xe cộ di chuyển qua đây rất khó khăn nhưng đỡ hơn lúc sáng.

Tại đường Võ Văn Ngân giao với vòng xoay chợ Thủ Đức, do mưa lớn, đường dốc, lượng nước đổ dốc với áp lực mạnh đã đẩy nhiều xe máy bị ngã.

Sáng 3-10, tại các tuyến đường Quốc Hương, xa lộ Hà Nội do xe cộ lưu thông quá nhiều nên lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt để điều tiết tránh ùn ứ. Trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) ôtô xếp hàng nối dài trong mưa. Tình hình giao thông tại nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP cũng hỗn loạn không kém.

Chị Trần Thị Thủy, một người đi đường, cho biết chị phải mất hơn một giờ đi xe máy, len lỏi qua nhiều tuyến đường mới đến được khu vực ngã tư Q.Phú Nhuận, trong khi ngày thường chỉ mất 30 phút đi xe.

“Tới đường Cách Mạng Tháng 8 xe đã dồn ứ, tôi cố gắng qua đường Lê Lai rồi rẽ vào đường Trương Định nhưng đường nào xe cũng chật như nêm. Cứ thế dầm mình trong mưa vài phút nhích được một chút, tới nơi làm thì đã trễ giờ còn bị ướt hết đồ đạc” - chị Thủy cho biết.

Vì sao dự báo sai?

Trước đó, trong các bản tin dự báo thời tiết ngày 1 và 2-10 nhận định thời tiết tại nhiều nơi ở khu vực Nam bộ có mưa vừa đến mưa to. Trong khi đó, trên thực tế đến ngày 3-10 tại TP.HCM mới xuất hiện mưa.

Vì sao dự báo sai như vậy?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đình Quyết, phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, xác nhận đúng là trước đó có dự báo thời tiết như trên.

Ông Quyết giải thích: “Dự báo nói trên dựa vào hình thái thời tiết xuất hiện từ ngày 30-9. Đó là khu vực Nam bộ xuất hiện khối mây dông cùng với áp cao lạnh đẩy dải hội tụ nhiệt đới về khu vực Nam bộ... Các yếu tố trên sẽ gây mưa vừa, có nơi mưa to ở các tỉnh thành Nam bộ và TP.HCM. Tuy nhiên thực tế diễn biến mưa xảy ra chậm hơn so với nhận định ban đầu nên mưa kéo dài qua ngày thứ ba”.

Như vậy sao không thông tin lại cho người dân biết dự báo chưa sát thực tế này? Ông Quyết cho biết ngày 1-10 trời không mưa, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ có cập nhật diễn biến trong bản tin dự báo tiếp theo.

Do đây là một bản tin mang tính chất dự báo, cung cấp thông tin cơ bản cần ngắn gọn tình hình thời tiết sắp tới nên “không thể đưa một nội dung đính chính rằng trước đó dự báo ngày 1, ngày 2 mưa nhưng mưa sẽ diễn ra ngày 3 vào bản tin được. Trường hợp người dân theo dõi các bản tin sẽ thấy được điều này”.

Nói về tính chính xác trong công tác dự báo, ông Quyết cho biết phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như rađa, mô hình số trị, kinh nghiệm dự báo viên...

Theo ông Quyết, thời gian vừa qua đài khí tượng cũng được trang bị một số thiết bị phục vụ dự báo nhưng sắp tới cần phải trang bị thêm để đáp ứng yêu cầu.

“Một thành phố ở Hàn Quốc cứ cách 5km2 có một trạm đo mưa, trong khi cả TP.HCM chỉ có vài trạm. Thiết bị càng nhiều, việc phân tích thời tiết càng chính xác hơn” - ông Quyết chia sẻ.

Trong khi đó, giải thích về việc dự báo “sáng nắng, chiều mưa” trong bản tin thời tiết 7 ngày (Tuổi Trẻ ngày 3-10) nhưng ngày 3-10 mưa từ sáng sớm, bà Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia dự báo thời tiết - cho rằng mưa to vào buổi sáng sớm thường ít xảy ra do tính chất mưa ở Nam bộ thường là về trưa, chiều, tối và đêm.

“Việc dự báo mưa bất thường như vậy cũng không dễ dàng đối với bản tin dự báo hạn vừa trên diện cả nước hoặc khu vực” - bà Lan nói.

Nhận định tình hình thời tiết trong những ngày tới, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho rằng hôm nay (4-10) khu vực TP.HCM cũng như miền Đông và Tây Nam bộ trời nhiều mây, có lúc có mưa vừa đến mưa to. Mưa còn kéo dài đến ngày 8-10.

Trong khi đó, triều cường tại sông Sài Gòn, Nhà Bè ở mức 1,3 - 1,34m (vượt báo động 1) và đang giảm dần. Mặc dù triều cường không lớn nhưng nếu mưa lớn trùng thời điểm triều cường khả năng ngập nước, kẹt xe trên địa bàn TP còn tái diễn trong những ngày tới.

Mưa dông, nhiều chuyến bay phải đổi hướng

Đại diện Vietnam Airlines cho biết do ảnh hưởng của mưa dông, ngày 3-10 có hai chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh. Cụ thể, chuyến bay Singapore - TP.HCM hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, chuyến bay Phú Quốc - TP.HCM hạ cánh xuống sân bay Liên Khương (Lâm Đồng).

Ngoài ra, một số chuyến bay nội địa và quốc tế khác đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất phải điều chỉnh giờ khai thác, chậm hơn 30 phút đến một tiếng so với kế hoạch. Đến 18g cùng ngày, các chuyến bay mới lần lượt cất/hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết có 9 chuyến bay do mưa lớn, tầm nhìn hạn chế nên không thể đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (5 chuyến bay trong nước, 4 chuyến bay quốc tế), trong đó VietJet có 5 chuyến, Jetstar 2 chuyến, Vietnam Airlines 2 chuyến.

Theo vị này, mưa cũng làm một số khu vực của bãi đậu sân bay bị ngập, nhưng sau đó nước rút nhanh, không ảnh hưởng đến hoạt động bay.

Minh Phượng

 
Theo Q.Khải - L.Phan - T.Đức (Tuổi Trẻ)