Xã hội

Vụ bức tường đổ sập, đè bẹp 13 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?

Nếu thiệt hại được xác định là do bất khả kháng, hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về chủ phương tiện thì chủ phương tiện phải chịu mọi thiệt hại, luật sư Cường nhận định.

Liên quan đến vụ việc bức tường của trường Mầm non Mai Dịch nằm phía ngõ 245 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ đổ sập, đè lên nhiều ô tô đỗ tại vỉa hè.

Nhiều người đặt câu hỏi trong tình huống này, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe?

Nếu tự ý đỗ xe không có bãi gửi, chủ xe sẽ bị phạt?

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về sự việc, trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thiệt hại trong sự việc đã xảy ra. Tuy nhiên, nếu thiệt hại được xác định là do bất khả kháng, hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về chủ phương tiện thì chủ phương tiện phải chịu mọi thiệt hại.

Luật sư Cường viện dẫn, tại Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại cho người khác". 

Vụ bức tường đổ sập, đè bẹp 13 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?
Bức tường đổ sập đè lên 13 ô tô.

Tuy nhiên, điều này cũng quy định, chủ sở hữu tài sản sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba nếu thiệt hại do bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn thuộc về phía bên bị thiệt hại, cụ thể ở đây là chủ 13 chiếc xe ô tô.

Trong trường hợp việc đỗ xe này vi phạm các quy định về dừng đỗ, thì song song với việc chủ xe vẫn được bồi thường thiệt hại do lỗi của những công trình xây dựng, nhà cửa hoặc công trình xây dựng khác gây ra, chủ xe trong trường hợp này có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong việc dừng đỗ trái quy định.

Vụ bức tường đổ sập, đè bẹp 13 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 1
Bức tường có kết cấu chủ yếu là gạch và xi măng bị đổ sập do mưa lớn trong những ngày qua.

Luật sư Cường phân tích thêm, bên quản lý công trình xây dựng, cụ thể ở đây là chủ sở hữu bức tường bị đổ phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp sự việc được xác định là bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại.

Như vậy nếu trường hợp không được cho là bất khả kháng hoặc không phải là lỗi hoàn toàn thuộc về người bị hại, thì chủ sở hữu tài sản là bức tường trên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe.

Nếu có hợp đồng gửi giữ xe, bên trông xe có phải bồi thường cho 13 chủ xe?

Luật sư Cường cũng cho rằng, nếu 13 chiếc xe ô tô kể trên có hợp đồng gửi giữ (có thỏa thuận trông giữ xe) thì bên trông giữ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về hợp đồng gửi giữ tài sản.

Ngoài ra, trong trường hợp việc trông giữ đúng quy định của pháp luật, bãi trông giữ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và thiệt hại không phải là bất khả kháng, không có lỗi của bên trông giữ và chủ phương tiện, thì bên trông giữ tài sản có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức quản lý bức tường kia bồi thường cho chủ 13 xe ô tô.

Vụ bức tường đổ sập, đè bẹp 13 ô tô ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại? - 2
Những chiếc ô tô bị thiệt hại nặng sau sự cố sập tường

Với trường hợp trông giữ xe là tự phát, thiệt hại là do bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về phía nạn nhân và bên trông giữ xe, thì bên quản lý bức tường không phải bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng, nếu khu vực vỉa hè cạnh cổng trường học không có biển báo cấm dừng, đỗ hoặc ngoài phạm vi 5m tính từ cổng trường tiểu học Mai Dịch thì các xe trên không vi phạm, không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả thiệt hại theo hợp đồng đã ký kết với chủ xe nếu tường đổ được xác định là tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe.

Theo Minh Khôi (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/vu-buc-tuong-do-sap-de-bep-13-o-to-o-ha-noi-ai-chiu-trach-nhiem-den-bu-thiet-hai-162211007105955508.htm