Xã hội

Vụ hai mẹ con tử vong bất thường sau khi uống sữa: Lời kể của người thân

Người mẹ được con gái pha sữa cho uống, sau đó có biểu hiện khó thở và tử vong. Con trai đến phụ đám tang mẹ, sau khi uống sữa cũng bị nôn ói, nhập viện nguy kịch.

Trưa 17/10, nhiều người thân đến thăm hỏi chia buồn với gia đình ông Phạm Minh Thái (51 tuổi) tại ấp khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Trước đó, chỉ thời gian ngắn, mẹ và em trai ông Thái lần lượt tử vong, còn người anh trai bị nôn ói, co giật, ói ra máu hiện nhập viện ở TP HCM.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Thái kể gia đình có 7 anh chị em, hầu hết ra ở riêng. Người mẹ 83 tuổi là Phạm Thị Phấn sống với người em út Phạm Văn Yên (con út, 45 tuổi) cùng người chị thứ 5 (53 tuổi) tại căn nhà cấp 4 cũng là nhà thờ dòng họ. Ông Thái ở nhà đối diện, sáng sớm hay mang đồ ăn cho mẹ.

Vụ hai mẹ con tử vong bất thường sau khi uống sữa: Lời kể của người thân
Căn nhà nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Nam An (VnExpress.net)

Khoảng 6h ngày 14/10, ông Thái sang nhà thăm mẹ, sau đó đến giường định kêu ông Yên dậy, phát hiện người này tử vong. Theo gia đình, người em út làm nghề trồng mít, thường uống rượu với hàng xóm. Vài tháng trước, do bị thiếu máu ông Yên đi chữa tại bệnh viện tỉnh, sau đó về nhà không có dấu hiệu bất thường.

Khi gia đình đang tổ chức tang lễ, tối cùng ngày người con gái thứ 5 pha 100 ml sữa bột cho mẹ uống. Số sữa này đựng trong hộp thiếc, được người em gái thứ 7 không chồng con, phụ bán quán cơm tại TP HCM nhờ người quen mua gửi về. Mỗi lần người con gửi vài hộp, khi nào mẹ uống hết lại gửi tiếp.

Sau khi uống sữa chừng 5 phút, cụ bà có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn, co giật, đi tiểu không tự chủ. Gia đình gọi tổ y tế kế bên nhà qua sơ cứu, rồi đưa đi bệnh viện nhưng giữa đường không qua khỏi. Cho rằng cụ Phấn và ông Yên chết do bệnh lý, gia đình không trình báo cơ quan chức năng.

Sáng 15/10, ông Phạm Minh Tân (55 tuổi) là con trai thứ 4 của cụ bà đến phụ tổ chức đám tang. Tại đây, ông Tân tiếp tục pha 150 ml cùng loại sữa bột để uống. Uống được khoảng hai ngụm, ông than đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, tay chân co quắp, ói ra máu kèm theo sữa, sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, sau đó chuyển đến TP HCM để tiếp tục điều trị.

Theo ông Thái, loại sữa mẹ và anh trai uống trọng lượng mỗi hộp 900 gram, do người em gái gửi về. Hộp đang uống đã khui khoảng 10 ngày, hạn sử dụng đến năm 2025, bên trong còn chừng nửa hộp. Sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra đã thu giữ hộp sữa uống dở và một hộp nguyên cùng một số ly, chai nước.

Ông Thái nói gia đình không có xích mích gì với hàng xóm. Hôm trước khi xảy ra sự cố, cụ bà bị cảm được gia đình đưa đến trạm y tế xã tiêm thuốc, sau đó khỏe mạnh, đi lại bình thường. Gia đình cũng nghi ngờ nạn nhân Yên có thể đã uống cùng loại sữa, vì trước đó sức khỏe người này vẫn bình thường.

Vụ hai mẹ con tử vong bất thường sau khi uống sữa: Lời kể của người thân - 1
Ông Tân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Liên quan đến vụ mẹ tử vong, con ngộ độc sau uống sữa, hiện một bệnh nhân nam 55 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Khoảng 18h ngày 15/10, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam (ông P.M.T., 55 tuổi, ngụ Cái Bè, Tiền Giang) được Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long chuyển đến trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy.

Người nhà cho biết, trong 2 ngày 14/10 và 15/10, người mẹ (85 tuổi) và em trai bệnh nhân (45 tuổi) đã tử vong sau khi uống một loại sữa bột. Trong ngày 15/10, khi làm đám tang cho 2 người thân, bệnh nhân cũng sử dụng loại sữa trên.

Chỉ trong vòng 1 tiếng sau đó, bệnh nhân cũng xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng và diễn tiến nhanh đến lơ mơ, suy hô hấp, phải nhập viện.

Hiện bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, tuy nhiên, vẫn chưa xác định được bệnh nhân bị nhiễm loại chất độc cụ thể nào.

Ngày 16/10, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 2472/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương truy tìm nguyên nhân vụ ngộ độc nghi do sữa tại Tiền Giang.

Cụ thể, Cục An toàn đề nghị Sở Y tế Vĩnh Long để chỉ đạo Bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung tích cực điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở Y tế phối hợp với cơ quan quản lý sản phẩm này ở địa phương để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương).

Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

NT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/vu-hai-me-con-ngo-doc-sau-khi-uong-sua-loi-ke-cua-nguoi-than-d189125.html