Công nghệ >> COVID-19 (nCoV)

Chính phủ gửi tin nhắn SMS tới toàn dân thế nào

Có ba cách giúp chính phủ truyền thông điệp qua tin nhắn SMS đến hàng triệu dân cùng lúc mà không cần biết rõ số điện thoại từng người.

Khoảng ba đến năm lần mỗi ngày, người dân Hàn Quốc lại nhận được tin nhắn về ca bệnh dương tính với Covid-19 đang ở trong khu vực sinh sống, lộ trình người đó di chuyển, cũng như thông tin yêu cầu mỗi người ở nhà, tự vệ sinh bản thân để hạn chế nhiễm bệnh...

Chính phủ gửi tin nhắn SMS tới toàn dân thế nào
Một tin nhắn có nội dung về Covid-19 gửi từ Bộ Y tế.

Nhắn tin chính là một trong những cách thức mà chính phủ Hàn Quốc thực hiện để tránh lây lan Covid-19. Cùng với nỗ lực xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp theo dõi chặt chẽ và liên hệ giám sát, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước này đang có dấu hiệu khả quan khi số ca nhiễm mới ngày càng giảm.

Không chỉ tại Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng sử dụng hình thức nhắn tin để cung cấp thông tin, cũng như cảnh báo người dân về Covid-19. Tại Việt Nam, Bộ Y tế, các cơ quan thuộc tỉnh, thành phố cũng gửi tin nhắn SMS khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường, rửa tay thường xuyên với dung dịch diệt khuẩn, mang khẩu trang... thời gian qua.

Vậy việc nhắn tin được thực hiện thế nào? Theo CNN, có ba cách phổ biến, đầu tiên là thông qua các công ty viễn thông. Khi có vấn đề quan trọng, chẳng hạn đại dịch Covid-19, chính phủ sẽ yêu cầu nhà mạng gửi cảnh báo.

Tuy nhiên, thay vì gửi đồng loạt một lần, nhà mạng sẽ gửi thông tin cho lần lượt từng nhóm người dùng theo từng khu vực để tránh nghẽn mạng, do đó sẽ có người nhận trước, người nhận sau. Đây cũng là cách mà Bộ Y tế cũng như chính quyền các tỉnh, thành phố, cơ quan hữu quan tại Việt Nam thực hiện thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Javier Colado, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty phần mềm về hành chính công và tổ chức sự kiện quan trọng Everbridge của Anh, có hai cách nữa để giúp chính phủ có thể gửi tin nhắn cho tất cả người dân mà không cần xin phép nhà mạng. Cả hai tùy chọn đều yêu cầu công nghệ và phần cứng cụ thể để nhúng vào hệ thống mạng di động. Chính phủ có thể buộc nhà mạng phải đồng ý làm điều này.

Tùy chọn đầu tiên gọi là gửi tin nhắn quảng bá tới từng cell (Cell Broadcast), sử dụng các tháp di động (cellular tower) và tế bào vô tuyến (radio cell), cho phép gửi đồng thời tới nhiều thuê bao trong vùng phủ sóng đã được xác định, không cần truy cập bất kỳ thông tin cụ thể nào trên thẻ sim hay số điện thoại. Theo thống kê, cách này có thể tiếp cận hơn 80% dân số, kể cả những người tắt kết nối dữ liệu di động. Hiện Mỹ, Hàn Quốc áp dụng cách này.

Tùy chọn thứ hai là nhắn tin dựa trên vị trí SMS, cho phép hướng đến nhóm người tại một địa điểm cụ thể thông qua vị trí của họ. Chính phủ có thể chọn một khu vực trên bản đồ và gửi tin nhắn đến những ai đang hoạt động ở đó, đồng thời có thể thông báo cho họ nhận thêm thông tin hoặc tương tác.

"Tin nhắn không đi nhanh như Cell Broadcast, nhưng chính phủ có thể hỏi mọi người nếu cần sự giúp đỡ, hoặc hỗ trợ về thông tin y tế nếu họ có các triệu chứng của bệnh", Colado giải thích.

Michael Hallowes, người từng triển khai hệ thống cảnh báo khẩn cấp cho chính phủ Australia, đánh giá hình thức nhắn tin dựa trên vị trí SMS có mức độ chính xác rất cao, thậm chí có thể chỉ gửi cho những người đang ở trong công viên nhỏ hoặc một tòa chung cư cụ thể. "Nếu cần cảnh báo sơ tán, hệ thống có thể gửi tin nhắn yêu cầu tới tất cả những ai đang sử dụng điện thoại di động tại khu vực đó, đồng thời dùng bản đồ nhiệt để kiểm tra xem họ có tuân thủ hay không", Hallowes nói. "Tại Australia, tỷ lệ gửi tin nhắn thành công đạt tới 97%, cao hơn nhiều so với Cell Broadcast".

Tiến sĩ Fred Muench, Chủ tịch Trung tâm người nghiện tại Mỹ, người đã có nhiều công trình nghiên cứu chi tiết về việc sử dụng tin nhắn kỹ thuật số cho sức khỏe cộng đồng, cho rằng các chiến dịch gửi SMS y tế đạt hiệu quả cao nhờ nhiều ưu điểm: vùng tiếp cận, tính tức thời, cá nhân hóa, khả năng điều chỉnh thông tin, cũng như tính linh hoạt trong liên kết với nguồn khác.

Hallowes, nay là Giám đốc Zefonar, công ty chuyên cố vấn cho chính phủ các nước về hệ thống cảnh báo khẩn cấp, cho rằng khác với Australia hay Hàn Quốc, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang bị tụt lại phía sau do quy định về quyền riêng tư và các điều luật bảo vệ dữ liệu người dùng ẩn danh.

Thực tế, EU từng thông qua một dự thảo vào năm 2018, trong đó cho biết đến tháng 6/2022, tất cả các quốc gia thành viên sẽ có hệ thống cảnh báo di động để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Anh cũng đã thử nghiệm một hệ thống tương tự từ 2014, nhưng không đưa vào sử dụng do vấp phải nhiều vấn đề về tự do cá nhân. Đó cũng là lý do vì sao tuần trước, nước này phải thông qua nhà mạng để gửi tin nhắn SMS về Covid-19 toàn quốc.

Colado cho rằng, trước những tác động không thể lường trước của Covid-19, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều chính phủ xây dựng hệ thống cảnh báo khẩn cấp thời gian tới.

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/so-hoa/chinh-phu-gui-tin-nhan-sms-toi-toan-dan-the-nao-4077547.html