Công nghệ

Lãnh đạo cấp cao Microsoft xem 'phim nóng' trước mặt nhân viên nữ

8 năm sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ tuyên chiến với văn hoá độc hại trong công ty, một lãnh đạo cấp cao của hãng vừa xem “phim nóng” bằng kính thực tế ảo (VR) ngay trước mặt các nhân viên nữ.

Vị giám đốc điều hành Microsoft bước vào Studio C, một căn phòng nhỏ không có cửa sổ vào lúc 8 giờ tối. Nửa tá nhân viên của nhóm “thực tế hỗn hợp” đang làm việc muộn để chỉnh sửa các nguyên mẫu của thiết bị đeo thực tế ảo (VR).

Để kiểm tra thiết bị, vị lãnh đạo này đã đeo một cặp kính VR để chìm đắm trong trải nghiệm ảo. Khi thiết bị được bật lên, một màn hình bên cạnh hiển thị chi tiết những gì đang được chiếu trong cặp kính. 

Trong đoạn video lấp đầy màn hình, một số cô gái trẻ trong trang phục thiếu vải đang nô đùa trên giường đầy khiêu khích. Một nhân viên có mặt cho biết, những cảnh “như là phim khiêu dâm VR”. Các nhân viên bối rối và một vài người trong số họ bước ra ngoài.

“Điều này diễn ra trong văn phòng, ngay trước mặt các nhân viên nữ. Đó thực sự kinh khủng”, nhân viên giấu tên cho hay.

Vị lãnh đạo đó là Alex Kipman, một trong những giám đốc điều hành quyền lực nhất trong đế chế Microsoft hiện tại, cũng là người phụ trách mảng kinh doanh thực tế hỗn hợp. Với mái tóc dài ngang vai, áo khoác da và râu ria lởm chởm, Kipman trông giống như đội trưởng của một ban nhạc rock.

Sự việc diễn ra chỉ vài năm sau khi CEO Satya Nadella tuyên bố sẽ dọn dẹp văn hoá độc hại trong công ty và xây dựng môi trường làm việc có tính tôn trọng, đa dạng và hoà nhập hơn.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên và cựu nhân viên của công ty này cho biết, sự việc liên quan đến Kipman chỉ là một phần trong những hành vi sai trái phổ biến thường lặp lại của các giám đốc điều hành, gồm quấy rối tình dục và lạm dụng lời nói, đang tiếp tục tồn tại ở Microsoft.

Lãnh đạo cấp cao Microsoft xem 'phim nóng' trước mặt nhân viên nữ

Bất chấp lập trường công khai của Nadella đấu tranh lại những kẻ mà ông gọi là “kẻ khốn tài giỏi” (talented-jerk), nhiều nhân viên công ty nói rằng Microsoft vẫn rộng lượng với các hành vi xấu diễn ra tại đây. Cuối năm ngoái, một nhóm nhân viên đã khiếu nại tập thể nhằm vào Kipman, nhưng không hề có hậu quả nào xảy đến đối với vị giám đốc điều hành này.

Microsoft từ chối xác nhận hay phủ nhận những cáo buộc cụ thể nhằm vào Kipman và các giám đốc điều hành khác nhưng nói rằng đã “nắm được báo cáo” về sự cố VR. Công ty cho biết “mọi khiếu nại sẽ được chúng tôi điều tra và đưa ra hình thức xử lý cụ thể nếu đầy đủ chứng cứ”. Các hình thức kỷ luật có thể bao gồm “chấm dứt hợp đồng, cách chức, cắt lương thưởng, khiển trách chính thức, training bắt buộc hoặc kết hợp giữa các hình thức với nhau”.

Di sản văn hoá từ thời Bill Gates

Dưới triều đại của Bill Gates, người đồng sáng lập và là CEO đầu tiên, công ty đã nổi tiếng về việc khen thưởng những người thông minh nhất, bất kể cách cư xử của người đó với mọi người như thế nào.

Gates đã xây dựng Microsoft thành công ty phần mềm lớn nhất thế giới, nhưng đánh đổi lại là những nhân viên phải chịu đựng những cơn suy sụp và thất bại của ông. Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft, từng mô tả làm việc với Gates “như ở dưới địa ngục”. CEO kế nhiệm sau đó, Steve Ballmer, cũng được biết đến là người có tính khí bộc phát. Nét văn hoá này ăn sâu xuống các bộ phận ở dưới, đến mức những đơn vị của Microsoft từng được so sánh với các băng đảng xung đột.

Một “golden boy” khác tai tiếng không kém tại công ty là Terry Myerson, người từng được coi là “người đàn ông quan trọng nhất tại Microsoft”. Myerson có 21 năm làm việc tại công ty, từng lên đến vị trí Phó Chủ tịch điều hành phụ trách các sản phẩm chủ chốt như Microsoft Windows và phần mềm hệ thống Xbox. Người làm việc nhiều năm với Myerson cho biết lãnh đạo này nổi tiếng hay “lạm dụng, mắng mỏ và coi thường” nhân viên. Phải đến khi sự việc diễn ra trong một sự kiện chính thức của công ty, CEO Nadella mới hành động và buộc Myerson phải rời đi.

Ngoài ra, còn có Tom Keane, cựu binh 20 năm kinh nghiệm, từng là Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh điện toán đám mây Azure. Một cựu giám đốc điều hành cho biết “tôi đã thấy anh ta từng khiến nhiều nhân viên phải bật khóc”. Keane còn có biệt danh là “King Tom” vì các nhân viên phải ở bên cạnh và phục tùng anh ta không điều kiện.

Tương tự như Myerson và Kipman, Keane được bảo vệ tại Microsoft vì phụ trách “đòn bẩy quan trọng nhất cho sự tăng trưởng của Azure” khi nắm quyền tuỳ chỉnh các sản phẩm đám mây cho các ngành cụ thể. “Tom có thể nói bất cứ điều gì và làm mọi thứ mà anh ta muốn. Bạn chỉ có thể làm như vậy nếu tổ chức cho rằng bạn quan trọng hơn mọi thứ khác”.

Vào tháng 1, sau 30 ngày nghỉ không rõ lý do, Keane được chỉ định vào đơn vị dự án đặc biệt của Microsoft. Một nhân viên nữ làm việc trong nhóm của Kean nói rằng, công ty không những không trừng phạt mà còn thăng cấp cho “những kẻ bắt nạt”.

Nguồn: Business Insider

Theo Vinh Ngô (VietNamNet)




https://baomoi.com/lanh-dao-cap-cao-microsoft-xem-phim-nong-truoc-mat-nhan-vien-nu/c/42715241.epi