Đời sống

Năm nay, nên xin ông đồ chữ gì để may mắn?

Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi vậy, ngoài mong ước về may mắn, tài lộc... người xin chữ còn tìm đến các “ông đồ” để cảm nhận được sự tài hoa, mực thước và những triết lý sâu sa.

Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc. Bởi vậy, ngoài mong ước về may mắn, tài lộc... người xin chữ còn tìm đến các “ông đồ” để cảm nhận được sự tài hoa, mực thước và những triết lý sâu sa.
Không nên quá câu nệ
 
Trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, vẻ đẹp của tục xin chữ, cho chữ luôn gắn liền với sự tri kỉ và trân trọng cái Đẹp. Dịp đầu xuân, dòng người tìm đến “phố ông đồ” luôn đông đúc, đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề bởi mỗi chữ được quan niệm là ứng với mỗi người, gói ghém trong đó biết bao tâm tư, ý niệm.
 
Xưa kia, mỗi khi ai đó muốn xin chữ thường phải chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc...) đến nhà thầy đồ và bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Thầy đồ dựa vào đó mà giảng giải, chọn cho chữ thích hợp.
 
Mỗi chữ viết ra là hội tụ của cả Trí - Thần - Lực người cầm bút nên ngoài ý nghĩa cầu may, chữ nghĩa còn là tác phẩm nghệ thuật. Còn có câu chuyện rằng, nếu ai đó không đi xin chữ, nhưng lại được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có "lộc chữ", cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, như ý.
 
Theo ông đồ Nguyễn Tiến Đạt – người đã nhiều năm cho chữ tại Văn Miếu - việc xin chữ và cho chữ đầu năm mới không nên quá câu nệ. "Thời buổi bây giờ, không hiểu sao người ta cứ đắn đo xem xét chữ nghĩa có hợp với tuổi, hợp với gia đình mình không trong khi chữ nghĩa không kiêng kị gì cả. Ai kĩ tính thì có thể chọn chữ phù hợp với độ tuổi, tâm tư hoặc người viết chữ lựa tâm lý, nguyện vọng người xin để đặt bút viết", ông cho biết.
 

Nhiều gia đình Việt có truyền thống xin chữ đầu năm. Ảnh: Việt Nguyễn

 
Nhiều nhà thư pháp tư vấn, có thể dựa vào lứa tuổi hoặc tâm tính để chọn chữ phù hợp. Chẳng hạn, với trẻ nhỏ thì có thể xin chữ “Thực vi tiên” để trẻ hay ăn, chóng lớn. Sau độ tuổi đó, có thể cho chữ “Minh”, "Thành", "Đạt". Khi đến tuổi yêu, xây dựng vợ, gả chồng có thể xin chữ "Duyên", chữ "Phúc"… Khi lớn lên, người ta hay xin chữ "Đức" để nhắc nhở đạo làm người, chữ "Hiếu" để thấu nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ...
 
Ngoài ra, vào dịp đầu năm, cũng có những chữ cũng được xin phổ biến như một sự “mặc định”. Chẳng hạn, người đi học thường xin chữ "Trí", "Tài", "Nhẫn"; Người buôn bán, kinh doanh xin chữ "Lộc", "Tín", "Phát"; Người xin chữ treo trong gia đình thường là "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Tâm", "An"; Nam nữ cầu "Danh", "Duyên", "Hiếu", "Trung"; Tặng bố mẹ chọn chữ: "Tâm", "An Khang", "Bình An", "Thọ"...
 
Các chữ được xin thường là chữ Nho - đây là truyền thống từ xưa tới nay. Chỉ đến gần đây, người ta mới xin cả chữ Quốc ngữ vì loại chữ này có ưu thế là thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Còn các chữ Nho không chỉ có mặt chữ lạ lẫm với phần lớn mọi người, lại mang nhiều tầng ý nghĩa.
 
Không phải ... xổ số cầu may!
 
Trong quan niệm của người xưa, cả người cho chữ và người xin chữ đều phải hiểu biết, chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may. Lòng có thành đức mới sáng, việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa, bằng không cũng chỉ như "nước chảy bèo trôi", "chữ nghĩa trả thầy"…
 

Chữ nghĩa cần cái Tâm lắng đọng. Ảnh: Việt Nguyễn

 
“Trong số những người đi xin chữ hiện nay cũng có nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của tục xin chữ đầu năm, nên hầu hết là xin theo mục đích lợi ích cá nhân chứ không hẳn đã là để “thưởng” chữ. Họ thường xin những chữ như: "Tiền", "Lộc", "Phát", "Thịnh"... chứ những chữ để làm gương tu tâm, tích đức như Tâm, Đức, Nhẫn... thì ít xin”, nhà thư pháp Lê Quốc Việt tâm sự.
 
Nhiều “ông đồ” cũng cho hay, tục xin chữ và cho chữ đầu năm không chỉ là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh mà còn tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Mỗi chữ thư pháp ngoài ước mong của người xin, tài đức của người cho thì cần chính sự thành tâm, hướng thiện của con người để phong tục đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.
 
>> Ngày Tết thắp mấy nén hương?
 
Theo Thùy Phương (Giadinh.net.vn)