Gia đình

Bé gái 8 tuổi ở Phú Thọ bị đột quỵ sau tắm và những dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần biết để kịp 'giờ vàng'

Sau khi tắm, bé gái 8 tuổi đột nhiên co giật, không thể tự mặc quần áo, vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ chẩn đoán đột quỵ.

Sáng 5/5, Zing dẫn lời các bác sĩ Đơn vị Phục hồi chức năng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đã tiếp nhận bé gái 8 tuổi bị đột quỵ, được chuyển về từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Bệnh nhi là bé N.T.A. (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ), có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28/3, sau khi tắm xong, trẻ có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật.

Ngay lập tức, gia đình đưa trẻ sơ cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện trước khi chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ được chẩn đoán nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.

Bé gái 8 tuổi ở Phú Thọ bị đột quỵ sau tắm và những dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần biết để kịp 'giờ vàng'
Bé gái 8 tuổi bị đột quỵ tập phục hồi chức năng vận động tại Trung tâm Đột quỵ. Ảnh: BVCC

Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trong tình trạng miệng còn méo, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc; cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó; không thể viết chữ…

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trung tâm Đột quỵ, cho biết sau 10 ngày tích cực điều trị, bệnh nhi đã hồi phục rất tốt. Miệng trẻ đã hết méo, ăn uống không rơi vãi, có thể tự đi lại, không phải phụ thuộc vào dụng cụ trợ giúp hay người nhà hỗ trợ. Bé A. có thể tự sinh hoạt bằng tay bên phải như đánh răng, rửa mặt, tự mặc quần áo, viết được chữ to nhưng còn xấu...

Các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn, làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc, còn những tế bào não ở vùng kế cận sẽ bị giảm lượng máu đến nuôi chúng. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Nhiều người cho rằng đột quỵ là bệnh của người lớn, tuy nhiên các bác sĩ cho biết, thực tế trẻ em hoặc người trẻ tuổi vẫn bị. Đột quỵ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngày càng trẻ hóa và để lại nhiều di chứng nặng nề. Trong đó, phổ biến là rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, khó vận động hay ăn uống.

Các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người lớn, đều là đột ngột xảy ra với những dấu hiệu thần kinh khu trú. Đối với những trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: méo miệng, nói ngọng, liệt nửa người, rối loạn về thị giác và thăng bằng.

Còn ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ đột ngột thấy đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi trẻ ăn, uống, cầm nắm không được như bình thường.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện dấu hiệu bất thường của con nên đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu và xử trí kịp thời trong thời gian vàng.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng, tức là dưới 6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên.

Đây được gọi là "thời gian vàng" quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỉ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.

Khi có người bị đột quỵ, chúng ta nên đặt bệnh nhân nằm xuống vị trí cố định, hạn chế di chuyển, tránh để bệnh nhân gặp phải bất cứ chấn thương nào khác lên cơ thể. Tiếp theo là nới quần áo cho bệnh nhân dễ thở, gọi cấp cứu. Người nhà không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/be-gai-8-tuoi-o-phu-tho-bi-dot-quy-sau-tam-va-nhung-dau-hieu-canh-bao-cha-me-can-biet-de-kip-gio-vang-d162101.html