Gia đình

Nữ sinh suýt mất mạng vì ngậm hoa 'sống ảo': 'Thủ phạm' là loại cây cảnh được mệnh danh là 'sự quyến rũ của thần chết' được trồng khá nhiều tại Việt Nam

Giới chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh tỉnh sau khi nhiều người đổ bệnh vì ngậm hoa chụp ảnh tự sướng mà không biết là loài hoa đó có độc.

Ngậm hoa trên môi rồi chụp ảnh tự sướng đang là trào lưu nổi như cồn trên mạng xã hội Trung Quốc. Có vô số bài viết chỉ cách các blogger tạo dáng khi cầm hoa như đặt hoa bên cạnh mặt, che miệng, để lên tai, thậm chí ngậm trong miệng. Tất tần tật chỉ để có những bức ảnh sống ảo thật đẹp.

Thế nhưng, các phương tiện truyền thông như tờ South China Morning Post, hãng China News ngày 16-6-2022 dẫn câu chuyện nữ sinh đại học ngậm bông hoa độc trong miệng, sau đó phải đi cấp cứu trong tình trạng tính mạng bị đe dọa.

Nữ sinh nói trên ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Trong lúc chụp ảnh tự sướng với cây hoa ven đường, cô gái tạo dáng nàng thơ với kiểu ngậm hoa vào miệng. Sau đó, về đến nhà, cô cảm thấy chóng mặt, hoa mắt nhưng không để tâm, chỉ nghĩ cơ thể mệt mỏi thông thường. Sau một đêm, tình trạng càng nặng hơn, cô nôn mửa, tiêu chảy không dừng.

Nữ sinh suýt mất mạng vì ngậm hoa 'sống ảo': 'Thủ phạm' là loại cây cảnh được mệnh danh là 'sự quyến rũ của thần chết' được trồng khá nhiều tại Việt Nam
Nữ sinh suýt mất mạng vì ngậm hoa trúc đào. Ảnh: SCMP

Nhận thấy có dấu hiệu ngộ độc, gia đình vội đưa nữ sinh đi cấp cứu. Nhờ đến bệnh viện kịp thời nên cô đã qua cơn nguy hiểm và đang hồi phục dần, dù tình trạng ngộ độc khá nặng.

Bác sĩ xác định nữ sinh bị ngộ độc nhựa cây trúc đào do hái hoa và ngậm vào miệng. Các chuyên gia y tế cảnh báo lá, hoa, cành và thân cây trúc đào rất độc và có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong.

Trao đổi với Thanh Niên, Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết trúc đào có tên khoa học: Nerium oleander L, họ trúc đào (Apocynaceae). Vì toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, axit hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.

Y học cổ xưa đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Qua thử nghiệm người ta thấy rằng, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào.

Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).

Do đó, Bác sĩ Tấn Vũ lưu ý, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không ngậm hoa vào miệng, không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.

Đồng quan điểm, Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y (Hà Nội) chia sẻ với Thể Thao & Văn Hóa, cây trúc đào có lá xanh, hoa đẹp được nhiều người ưa thích trồng làm cảnh. Trúc đào có nhiều tên gọi khác nhau như: giáp trúc đào, đào lê, trước đào. Đây là loại cây du nhập vào Việt Nam và hiện nay được trồng làm cảnh rất nhiều.

Tuy nhiên, loại cây này có độc tính rất cao, gây nguy hiểm chết người. Độc tính của cây trúc đào có trong tất cả các bộ phận của thân cây, đặc biệt là nhựa cây.

"Trúc đào là cây có chất kịch độc đáng ra không nên trồng để tránh nguy cơ gây ra ngộ độc cho con người", lương y Bùi Đắc Sáng nói.

Nữ sinh suýt mất mạng vì ngậm hoa 'sống ảo': 'Thủ phạm' là loại cây cảnh được mệnh danh là 'sự quyến rũ của thần chết' được trồng khá nhiều tại Việt Nam - 1
Trúc đào có chất kịch độc. Nguồn ảnh: SHUTTERSTOCK

Vị lương y cho biết thêm đã có trường hợp tử vong do lá cây trúc đào. Theo xét nghiệm, bệnh nhân này dùng một đơn thuốc có chứa lá trúc đào.

Người ăn phải cây trúc đào thường có những triệu chứng chóng mặt, đau bụng, nôn nhiều, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân tiến triển nặng có thể bị trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn ăn 10-20 lá trúc đào có thể nguy hiểm tới tính mạng, trẻ nhỏ ăn 1 lá trúc đào có thể bị tử vong.

Trong trường hợp nghi ngờ bị ngộ độc trúc đào, cần phải nhanh chóng gây nôn cho nạn nhân, sau đó nhanh chóng đưa họ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ giải độc.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết: "Trúc đào có tính độc thuộc nhóm A (cực độc), vì vậy không nên trồng cây trong nhà, trường học để tránh trẻ con ăn phải. Tránh trồng cây ở nơi có chứa nguồn nước ăn vì lá rơi xuống có thể gây nhiễm độc. Tuyệt đối không tự ý dùng trúc đào vì sẽ rất nguy hiểm".

Trong đông y, trúc đào có vị đắng, chát, tính bình, có độc mạnh. Trúc đào được coi là vị thuốc có tác dụng trợ tim, lợi tiểu, tán ứ chỉ thống, giải độc thấu chẩn… Nhưng việc dùng trúc đào làm thuốc cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nu-sinh-suyt-mat-mang-vi-ngam-hoa-song-ao-thu-pham-la-loai-cay-canh-uoc-menh-danh-la-su-quyen-ru-cua-than-chet-uoc-trong-kha-nhieu-tai-viet-nam-a369625.html