Bạch Long Mã là đồ đệ thứ tư của Đường Tăng trong "Tây Du Ký" bản năm 1986. Ít ai biết rằng, chú ngựa trắng này đã phải chịu nhiều khổ cực, không ít lần suýt mất mạng trong suốt 6 năm thực hiện bộ phim và rồi cuối cùng vẫn phải nhận cái kết bi thảm.
Tây Du Ký bản năm 1986 trở thành một bộ phim truyền hình kinh điển của Trung Quốc và gắn liền với nhiều thế hệ khán giả Trung Quốc và Việt Nam.
Các diễn viên tham gia phim từ vai chính đến vai phụ đều một bước thành sao, tuy nhiên kết cục của chú ngựa Bạch Long Mã lại rất thê thảm.
Trong cuốn Dương Khiết tự thuật: chín chín tám mốt nạn của tôi (xuất bản năm 2014), cố đạo diễn Dương Khiết kể về hành trình cống hiến tới khi già nua, bị quên lãng của chú ngựa đóng Bạch Long Mã.
Chú ngựa trắng được đoàn phim mua ở Mông Cổ vào tháng 9/1983 với giá 800 tệ. Trước đó, đoàn không có ngựa cố định, đi đến đâu thuê ngựa ở địa phương đó, vì thế gặp nhiều phiền toái.
Một lần quay ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, đoàn không kiếm được ngựa trắng, chỉ tìm được ngựa nâu. Chuyên gia hóa trang bèn nhuộm màu trắng cho ngựa. Con này bất kham, luôn chạy vào ruộng lúa nước khiến lông lộ thành màu nâu. Đạo diễn chỉ còn cách quay cảnh xa Đường Tăng cưỡi ngựa và ba đồ đệ. Lần khác, khi quay tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, đoàn phim chỉ thuê được con ngựa ốm yếu. Khi Đường Tăng (Uông Việt) nhảy lên lưng, con ngựa xiêu vẹo. Đạo diễn nói: "Thôi đừng cưỡi nữa, dắt nó thôi". Vì thế, suốt tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đường Tăng không hề cưỡi ngựa.
Khi đoàn phim Tây Du Ký tới Nội Mông thực hiện một cảnh quay, họ đã may mắn gặp một chú ngựa trắng cao lớn, lông mượt, rất phù hợp với vai Bạch Long Mã trong phim. Đạo diễn Dương Khiết đã quyết định mua chú ngựa này. Tuy nhiên, phía trại ngựa đã từ chối và giải thích, chú ngựa là ngựa phục vụ quân đội nên không thể mang ra bán. Sau khi đạo diễn Dương Khiết ra sức thuyết phục, phía trại ngựa cuối cùng đã đồng ý bán ngựa với giá 800 nhân dân tệ.
Từ đó, chú ngựa trắng đã trở thành Bạch Long Mã và theo chân đoàn phim, rong ruổi tới nhiều địa điểm trong và ngoài Trung Quốc để quay phim. Chú ngựa được đánh giá là rất nghe lời, có linh tính, hợp tác tốt trong mỗi cảnh quay.
Suốt quá trình quay phim, chú ngựa trắng cũng phải đương đầu với nhiều nguy hiểm, chịu nhiều khổ cực, thậm chí không ít lần suýt mất mạng. Nó thường hay bị ngã lộn ngược khi leo trèo trên các con đường núi quanh co, bị trượt chân khi đi trên băng hay giẫm phải đá nhọn...
Ở cảnh quay đầu phim, khi 4 thầy trò Đường Tăng cùng chú ngựa đi qua thác nước cao, lúc thực hiện cảnh quay này chú ngựa đã giẫm phải hòn đá trơn và ngã sõng soài trên vách đá nước chảy xiết. May mắn một người dân địa phương vốn là người thuần ngựa chuyện nghiệp đã giúp đoàn phim kéo chú ngựa lên khi họ đã định từ bỏ sau nhiều nỗ lực.
Một lần khác chú ngựa tiếp tục bị ngã xuống khe nước sâu. Lúc đó cả đoàn phim bao gồm tất cả diễn viên chính, phụ và nhân viên đều cùng lao xuống khe nước mới đưa được chú ngựa lên.
Thường xuyên gặp nguy hiểm, phải dãi nắng dầm mưa, khi di chuyển cũng đều bị nhốt trong chiếc xe tải tối om cùng đạo cụ, chú ngựa trắng ôn hòa vẫn cần mẫn đồng hành cùng cả đoàn làm phim trong suốt 6 năm.
Khi bộ phim Tây Du Ký hoàn thành, đoàn phim không thể mang nó về nuôi nên đạo diễn đã để nó và các đạo cụ làm phim ở lại phim trường Vô Tích (Giang Tô, Trung Quốc). Sau này chú ngựa Bạch Long lại rơi vào tay một chủ gánh xiếc bất lương.
Lấy danh tiếng "Bạch Long Mã của Tây Du Ký", chủ gánh xiếc đem chú ngựa ra thu hút du khách. Với một số tiền không đáng kể, du khách có thể chụp ảnh cùng hay cưỡi ngựa đi vài vòng.
Mặc dù chú ngựa kiếm tiền nhiều tiền cho chủ nhưng nó lại bị đối xử tệ bạc, bị nhốt trong một cái chuồng hôi thối và ăn cỏ khô rẻ nhất.
Sau 4 năm, con bạch mã trở nên gầy gò, không còn chút bóng dáng của uy thế năm nào. Khi trở lại thăm "Bạch Long", đạo diễn Dương Khiết đã rơi nước mắt đau buồn. Điều đáng thương hơn là khi đang dọn bữa, con bạch mã bị một con ngựa cao lớn đá đi và phải đợi đến khi những con ngựa khác ăn hết mới dám ăn. Trước khi rời đi, đạo diễn Dương Khiết đã tự trách mình và yêu cầu nhân viên chăm sóc đối xử tốt với chú ngựa nhưng họ chẳng để ý đến lời của bà.
Năm 1997, những người lính thuộc trung đoàn kỵ binh đến Vô Tích, mong muốn cho chú ngựa trở về nhà đoàn tụ với những người đồng đội đã xa cách 10 năm, nhưng chú ngựa cũng đã chết không lâu trước đó. Chú ngựa từng xuất thân từ đội kỵ binh rồi lại lăn lộn trên phim trường kia, trong căn phòng lạnh lẽo đã trút hơi thở cuối cùng.
Đạo diễn Dương Khiết sau đó cũng đau lòng nghe tin Bạch Long qua đời, bà thậm chí cảm thấy xót xa hơn khi không ai biết nó được chôn cất ở đâu, ra đi lúc nào.
Dương Khiết cho biết thời điểm đó mức lương của bà rất thấp, không đủ sống qua ngày nên nữ đạo diễn không thể giúp cải thiện chất lượng chăm sóc Bạch Long Mã. Nữ đạo diễn còn từng viết câu chuyện về Bạch Long Mã để thể hiện nhân tình ấm lạnh trong cuộc đời.
Câu chuyện về Bạch Long đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa lẫn tức giận trước sự tàn nhẫn của một số người. Khán giả cảm thông với Dương Khiết khi thấy bà tỏ ra thương tiếc Bạch Long, nhưng cũng nhiều người chỉ trích và cho rằng Dương Khiết chỉ "đạo đức giả", bởi nếu muốn bà có thể đem trả chú ngựa về với chủ cũ từ trước đó.
TH (SHTT)