Hỏi - Đáp

Dập lửa bằng nước nóng hay nước lạnh nhanh hơn?

Mặc dù trong trường hợp có xảy ra cháy, phần lớn chúng ta thường bỏ qua việc quan tâm đến dập lửa bằng nước nóng hay nước lạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ của nước thực sự rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dập tắt đám cháy.

Một quan niệm sai lầm phổ biến rằng sử dụng nước lạnh sẽ giúp dập tắt ngọn lửa nhanh hơn, nhưng thực tế nước nóng mới có hiệu quả hơn trong việc dập lửa. Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiệt dung và nhiệt hóa hơi cao của hơi nước.

Dập lửa bằng nước nóng hay nước lạnh nhanh hơn?

Nước hiệu quả hơn hầu hết các chất lỏng khác trong việc dập tắt các đám cháy nhờ vào các tính chất như nhiệt dung và nhiệt hóa hơi.

Nhiệt dung là lượng nhiệt cần thiết để tăng nhiệt độ thêm một Kelvin. Nước là một trong những chất tự nhiên có nhiệt dung riêng cao nhất. Bạn sẽ cần khoảng 4.182 kJ/kg để tăng nhiệt độ của nước thêm 1 Kelvin. Do đó, khi nước được phun vào ngọn lửa, chúng hấp thu một lượng nhiệt lớn để tăng nhiệt độ của chính nó. Phần nhiệt hấp thụ này góp phần làm mát và dịu đi ngọn lửa.

Sau khi đạt được điểm sôi của nước (100 ° C), lượng nhiệt được hấp thụ không còn được sử dụng để tăng nhiệt độ cho nước nữa, mà sẽ có tác động phá vỡ liên kết giữa các phân tử nước, chuyển đổi nước dạng lỏng trở thành hơi nước. Lượng nhiệt cần thiết để phá vỡ các liên kết và chuyển đổi nước dạng lỏng thành hơi nước được gọi là nhiệt hóa hơi. Đối với nước, nhiệt hóa hơi khá cao, ở mức khoảng 2.260 kJ/kg.

Khi sử dụng nước nóng để làm tắt ngọn lửa, vì nhiệt độ của nước nóng đã gần đạt đến điểm sôi 100 độ C, nên chúng ta cần ít thời gian hơn để đạt tới giai đoạn bốc hơi của nước nóng. Khi đó, phần nhiệt hóa hơi nhanh chóng xuất hiện và tham gia dập tắt ngọn lửa. So với khi sử dụng nước lạnh, chúng ta phải mất thêm thời gian đầu để đưa nước lạnh lên đến điểm sôi 100 độ C thì việc sử dụng nước nóng để dập lửa giúp hấp thụ nhiệt với tốc độ nhanh hơn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi nhanh hơn thành hơi nước giúp thiết lập nhanh hơn một rào cản giữa nhiên liệu đang cháy (ngọn lửa) và oxy, góp phần ngăn cản nguồn duy trì ngọn lửa là khí oxy ngoài môi trường.

Chính sự kết hợp giữa việc hấp thụ nhiệt nhanh, nhiều hơn khi chuyển đổi thành hơi nước và khả năng thiết lập lớp hàng rào hơi nước ngăn lửa tiếp xúc với oxy nhanh hơn giúp nước nóng dập tắt đám cháy nhanh hơn nước lạnh.

Như vậy, theo lý giải khoa học thì nước nóng có vẻ hiệu quả hơn trong việc cứu một đám cháy. Tuy nhiên, thành thật mà nói, sự khác biệt là quá nhỏ để xem xét, đặc biệt là trong thời điểm khẩn cấp cần phải dập lửa. Mặc dù vậy, khi đã hiểu được tại sao nước nóng dập lửa tốt hơn nước lạnh, bạn có thể mạnh dạn sử dụng nước nóng để chữa cháy trong điều kiện thuận tiện mà không cần lo lắng rằng chúng có tiếp sức cho ngọn lửa hay không.

Dung (Nguoiduatin.vn)