Hỏi - Đáp

Vì sao Tào Tháo không thiêu cháy thuyền cỏ Khổng Minh?

"Thuyền cỏ mượn tên" là một chiến thuật nổi tiếng trong thời Tam quốc, ghi dấu vào lịch sử tài năng của vị quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Vào thời Tam Quốc, năm 208, Tào Tháo đã huấn luyện thủy quân tại Hà Bắc, chuẩn bị cho kế hoạch xua quân Nam tiến. Khi ấy Tào Tháo đã đem hơn 80 vạn quân với tham vọng thống nhất Trung Quốc.

Vì sao Tào Tháo không thiêu cháy thuyền cỏ Khổng Minh?
 Tào Tháo mắc mưu dùng thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Lượng

Trước áp lực này thì Lưu Bị và Tôn Quyền buộc kết thành liên minh để chống lại Tào Tháo. Khi ấy, Khổng Minh Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thân hành sang sông, đến phối hợp tác chiến cùng Chu Du, Đại đô đốc của Đông Ngô. Tuy nhiên, các tướng Đông Ngô thường ghen tị với tài năng của Gia Cát Lượng nên nhiều lần bày kế hãm hại ông.

Một lần, Chu Du - danh tướng của Đông Ngô muốn mưu hại Gia Cát Lượng liền phái ông làm 10 vạn mũi tên trong 10 ngày, nếu không sẽ bị xử theo quân lệnh, rồi nói sẽ cho người giúp.

Nếu là người bình thường thì việc này là không thể nhưng Gia Cát Lượng lại đồng ý và cười mỉa không cần ai phải giúp mình. Ông cũng không cần đến 10 ngày để đủ số lượng mũi tên, Gia Cát Lượng chỉ xin có 3 ngày.

Thời hạn gần trôi qua hết nhưng Chu Du vẫn không thấy động tĩnh của Gia Cát Lượng bèn mừng thầm. Tuy nhiên đến ngày thứ 3, Gia Cát Lượng chuẩn bị các thuyền, kết rơm thành binh lính giả, rồi đến lúc sương mù dày đặc thì cho các thuyền này đến doanh trại quân Ngụy.

Do sương mù dày đặc, quân Ngụy không quan sát rõ, tưởng là thuyền do thám, nên Tào Tháo ra lệnh cho quân bắn tên ra như mưa, chẳng mấy chốc các thuyền đã thu được đầy tên rồi trở về.

Nhờ kế lấy thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Lượng, quân Thục- Ngô có đầy đủ vũ khí trong phút chốc để sẵn sàng đối phó với quân Ngụy của Tào Tháo.

Sau đó trận Xích Bích diễn ra, 10 vạn mũi tên góp phần quan trọng cho chiến thắng của đội quân phương Nam.

Vì sao Tào Tháo không thiêu cháy thuyền cỏ Khổng Minh? - 1

Nhiều người thắc mắc rằng Tào Tháo giỏi mưu lược, mạnh về quân lực nhưng sao lại không dùng hỏa tiễn để thiêu rụi thuyền cỏ của Gia Cát Lượng?

Câu trả lời cũng chính là sự chứng minh cho hùng tài mưu lược của Gia Cát Lượng. Theo đó ông đã tính toán rất kỹ việc dùng thuyền cỏ và mượn sương mù dày đặc để giả vờ tấn công quân Ngụy. Tào Tháo đã nhanh chóng mắc mưu.

Vào thời điểm ấy, Tào Tháo vốn không hề biết trên thuyền của Gia Cát Lượng toàn bộ đều là “người cỏ”, vốn là những vật dễ bắt cháy.

Hai nữa, khi ấy sương mù dày đặc, hơi ẩm lớn, tầm nhìn bị che khuất, sức cản của gió sẽ khiến chuyện bắn tên phóng hoả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tầm bắn của hỏa tiễn cũng không được xa như của mũi tên thông thường, trong khi thuyền của Gia Cát Lượng rõ ràng ở cách trại quân Tào khá xa.

Hỏa tiễn cũng không phải nói bắn là bắn ngay được. Việc chế tác hỏa tiễn khá phiền phức. Tên sắt thông thường thì có thể trực tiếp bỏ vào thùng đựng tên nhưng hỏa tiễn phải châm lửa đốt nữa mới có thể dương cung bắn, mất nhiều thời gian hơn.

Gia Cát Lượng thì hiểu được tâm lý ngang tàng, muốn lấy "thịt đè người" của Tào Tháo khi cho rằng quân Ngụy đông gấp mấy lần quân Ngô.

Khi ấy Tào Tháo đã thoáng nhìn thấy bên địch có động thái kéo đến nên cho bắn tên với tốc độ dày và nhanh. Nếu dùng hỏa lực thì hiệu quả bắn sẽ không cao.

Ngoài ra bản thân Tào Tháo cũng không chuộng việc dùng hỏa công. Có thể thấy cả đời ông ít khi sử dụng hỏa công, chỉ trừ một lần đốt kho lương Ô Sào của Viên Thiệu trong trận Quan Độ. Quân phương Bắc sở trường kỵ binh, đột kích, tác chiến nhanh nhẹn nhưng không quen dùng cung nỏ như quân miền Nam vốn nhiều sông nước, tác chiến buộc phải có tên nỏ.

Lợi dụng những sơ hở ấy của Tào Tháo, Gia Cát Lượng đã kiếm về cho quân đội của mình hàng vạn mũi tên mà không cần đến quá nhiều sức lực, mặt khác lại làm cho quân địch tiêu hao 1 lượng khá lớn vũ khí.

HH (SHTT)