Hỏi - Đáp

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là Tháng củ mật?

"Tháng củ mật - cẩn thận cửa nẻo" có lẽ là câu nói được nhắc khi tới nhiều nhất khi bước sang tháng Chạp hàng năm. Và tất nhiên, không phải ngẫu nhiên dân gian coi tháng 12 âm lịch là Tháng củ mật.

"Củ mật" ở đây không phải là một loại củ mà chỉ đơn giản là một từ Hán Việt. "Củ" có nghĩa là đốc trách, xem xét. Người xưa thường nói "củ sát" - tức là kiểm soát, còn "mật" được dùng trong "cẩn mật", ý chỉ sự kín đáo, không để lộ.

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là Tháng củ mật?

Tháng 12 Âm lịch được gọi là “tháng củ mật” ý là nhắc nhở nhau cẩn thận, bởi, đây là thời điểm gần Tết, ai cũng cố gắng thu gom tiền bạc, thu tiền nợ về sau một năm làm ăn chăm chỉ. Không những thế, có quá nhiều việc tất bật phải lo lắng từ việc sắp xếp, lau dọn nhà cửa đến kinh doanh nên thường trong tâm trạng bất an, mệt mỏi.

Những kẻ xấu biết được điều này nên cố gắng rình mò để trộm cắp để mong có được cái Tết no ấm như người giàu. Thời điểm này, chỉ cần xong được việc là nhiều người sẵn sàng buông hết tất cả để ngủ ngon lành, thậm chí đôi khi còn quên khóa cổng, khóa cửa, thu dọn đồ đạc... Ngoài ra, thời tiết cuối năm thường hanh khô, trời rét sinh khí thường cạn kiệt dễ gây hỏa hoạn, cháy nổ.

Chính vì thế vào thời xưa, quan lại các cấp cứ đến tháng Chạp là nhắc nhở người dân phải cẩn thận đề phòng, tăng cường "củ mật" để ngăn ngừa trộm cắp.

Bên cạnh đó, "tháng củ mật" cũng là tháng nhiều người quan niệm rằng hay gặp xui xẻo, hay bị "tai bay vạ gió". Theo đó, trong tháng 12 âm lịch, nhất là những ngày giáp Tết, mọi người thường hối hả bận rộn hơn. Hầu hết ai cũng có công việc, phải đi lại thường thường xuyên. Ngoài giải quyết công việc còn khách đến nhà chơi nên thường gây nên trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, buồn ngủ. Đây cũng là thời điểm tiệc tùng gia tăng, uống nhiều rượu bia dễ gây tai nạn…

Dung (Nguoiduatin.vn)