Kinh tế

Chứng khoán Việt với sức ép từ khối ngoại

Các chuyên gia kỳ vọng trong ngắn hạn, sau khi các quỹ ngoại cơ cấu danh mục xong, thị trường sẽ tích cực hơn

Nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới giao dịch bùng nổ tuần qua với kỳ vọng lãi suất giảm và kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng sức ép từ đà bán ròng của khối ngoại khiến chứng khoán Việt Nam vẫn giao dịch trong ảm đạm. Diễn biến này gây thất vọng cho giới đầu tư. Nhiều người đã chủ động rút bớt vốn khỏi thị trường để giảm rủi ro và chờ cơ hội mới.

Khối ngoại bán ròng

TS Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán DNSE, phân tích thị trường tài chính thế giới đang chứng kiến mức tăng cao nhất từ năm 2022. Thông điệp từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần đây nhất cho thấy lãi suất mục tiêu vào cuối năm 2024 sẽ giảm xuống 4,6% thay vì 5,1% như cuộc họp đầu tháng 11. 

Điều này có nghĩa FED sẽ có thêm 1 đến 2 lần cắt giảm lãi suất nữa so với kế hoạch trước đây. Diễn biến này xuất phát từ 2 yếu tố lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn dự báo và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Thông điệp của FED đã tạo một cú hích rất lớn cho thị trường tài chính. Trên thị trường trái phiếu chính phủ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh 0,3 điểm % trong 2 ngày. Chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) ngay lập tức giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 8-2023. 

Trên thị trường cổ phiếu cũng tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ, hàng loạt chỉ số lớn như S&P500 của Mỹ, DAX của Đức thi nhau phá đỉnh lịch sử. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc họp của FED, chứng khoán châu Á cũng đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng mạnh trên 1%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang đi ngược chiều với thế giới. VN-Index đã giảm liên tục 4 phiên gần nhất, mất tổng cộng 30 điểm trong tuần qua. "Diễn biến này có thể được lý giải từ việc bán ròng của khối ngoại trong 3 ngày liên tiếp với giá trị lớn, có phiên bán tới 1.500 tỉ đồng. 

Động thái này ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và thị trường nói chung. Bên cạnh đó, sự sụt giảm 3 tháng liên tiếp của chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực sản xuất xuống mức 47,3 điểm, cho thấy đang có một số lo ngại liên quan đến sự phục hồi của khu vực sản xuất" - TS Hồ Sỹ Hòa nêu.

Chứng khoán Việt với sức ép từ khối ngoại
Thị trường chứng khoán không thể bứt phá cùng các thị trường lớn khác khiến giới đầu tư trong nước thất vọng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Đinh Minh Trí, Trưởng Phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Mirae Asset, phân tích VN-Index khoảng 2 tháng gần đây vẫn giữ được xu hướng tăng nhưng không mạnh trong bối cảnh các chỉ số lớn của Mỹ, Đức, Nhật... Diễn biến của chứng khoán Việt Nam có phần tương đồng với một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan... khi nhà đầu tư nội thận trọng còn khối ngoại cũng đang bán ròng. 

"Các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển một phần vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để giải ngân ở các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ, khi giới đầu tư đặt niềm tin vào sự tích cực của nền kinh tế Mỹ, sau số liệu GDP quý III khá khả quan. Ngoài ra, FED có thể giảm lãi suất ngay trong quý I/2024 khiến dòng tiền tin tưởng đầu tư tại Mỹ" - ông Đinh Minh Trí nói.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024. 

Cụ thể, khi FED cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam hưởng lợi. Việc FED ôn hòa về chính sách tiền tệ hơn cũng giúp tỉ giá USD/VNĐ bớt áp lực, từ đó tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng. 

"Đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới còn được củng cố nhờ xu hướng phục hồi của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, sự cải thiện của tiêu dùng nội địa nhờ chính sách tài khóa mở rộng và cải cách tiền lương. Sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể nhen nhóm từ nửa cuối năm 2024… Kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sẽ cải thiện kết quả kinh doanh, tạo động lực quan trọng để chứng khoán đi lên" - ông Đinh Quang Hinh nói.

Một yếu tố quan trọng nữa chính là những động thái mạnh tay của Chính phủ và cơ quan quản lý gần đây cho thấy các cấp lãnh đạo đang rất quan tâm đến sự phát triển của thị trường này. Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. 

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường. Tiến tới việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, góp phần nâng cao tính an toàn, minh bạch của thị trường…

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh phân tích công điện của Chính phủ là bước tiếp theo đốc thúc các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường. Những vụ việc như xử lý thao túng giá cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết, nhóm thao túng giá cổ phiếu "họ" Louis của Đỗ Thành Nhân… đã được xử lý. 

Chứng khoán ngày 15-12: Đà bán ròng từ khối ngoại sẽ chững lại?Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoánChứng khoán VPS bị phạt và cựu giám đốc tư vấn bị tước quyền hành nghề 9 tháng

Nay, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành tập trung vào phòng chống, ngăn chặn những tiêu cực cho thấy lãnh đạo Chính phủ muốn thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, tạo tiền đề thu hút thêm dòng vốn ngoại. 

"Làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán, thúc đẩy nâng hạng là phần gốc để thị trường phát triển bền vững. Đây là thông tin tích cực, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ nhìn vào chính sách của Việt Nam để quyết định đầu tư trong trung dài hạn. Thị trường cần thêm giải pháp về nâng chất lượng sản phẩm - hàng hóa, nhất là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ, trí tuệ nhân tạo" - ông Phan Dũng Khánh nói.

Liên quan đến nâng hạng, Bộ Tài chính đang rất tích cực chỉ đạo các bên liên quan trong thúc đẩy quá trình này. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo giải pháp cho phép các công ty chứng khoán được nhận lệnh ký quỹ của khối ngoại, trước đây luật không cho phép. 

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), nhận định đây là một giải pháp gỡ khó cho thị trường, lộ trình nâng hạng của thị trường chứng khoán suôn sẻ hơn, đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp đến là những vấn đề về kỹ thuật, tăng tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài… 

"Điều này tích cực cho chứng khoán trong trung dài hạn, còn để thị trường phản ứng ngay cần giải tỏa về mặt tâm lý cho nhà đầu tư. Kỳ vọng trong ngắn hạn, sau khi các quỹ ngoại cơ cấu danh mục xong (mốc ngày 15-12), thị trường sẽ tích cực hơn" - ông Đỗ Bảo Ngọc nói. 

Tăng niềm tin cho nhà đầu tư

Lãnh đạo CSI nói rằng việc làm sạch dữ liệu tài khoản chứng khoán theo yêu cầu của Thủ tướng là giải pháp tốt giúp loại bỏ tài khoản ảo, cơ quan quản lý giám sát thị trường tốt hơn trong ngăn chặn thao túng thị trường, thao túng giá cổ phiếu.

TS Hồ Sỹ Hòa cũng nhìn nhận sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng của thị trường vốn, trong đó xử lý các cá nhân thao túng giá cổ phiếu, gây méo mó cho thị trường... sẽ đem lại niềm tin cho nhà đầu tư. Bởi sự minh bạch của thị trường vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, sẽ giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/chung-khoan-viet-voi-suc-ep-tu-khoi-ngoai-196231217183419731.htm