Kinh tế

Lãi suất cắt cổ 40%/năm, công ty tài chính có phạm luật?

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, vay mua sắm với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa của NHNN quy định rất nhiều nhưng vẫn không bị xử phạt, liệu họ có đang làm đúng luật?

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, vay mua sắm với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa của NHNN quy định rất nhiều nhưng vẫn không bị xử phạt, liệu họ có đang làm đúng luật?

Lãi suất vay tiêu dùng "cắt cổ", do đâu?

Cho vay tiêu dùng hiểu theo nghĩa hẹp là hoạt động cung cấp các khoản vay nhỏ cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nếu theo nghĩa rộng nó bao gồm cả khoản cho vay lớn mua nhà ở thế chấp, mua ôtô.

Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay mua nhà thế chấp, vay sửa chữa nhà, cho vay mua ôtô, mua xe máy trả góp, cho vay mua điện thoại – điện máy trả góp, cho vay tiền mặt cho các mục đích tiêu dùng, cho vay qua thẻ tín dụng...

Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước - chi trả sau dưới nhiều hình thức.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, lãi suất vay tiêu dùng tại nước ta còn đang ở mức khá "chát", có nơi lên tới 40%/năm. Vậy, nguyên nhân là do đâu?

Ảnh minh họa.

 
Theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng, cho vay của các công ty tài chính nói chung luôn cao hơn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại (NHTM) do công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư, cũng không tận dụng được lợi thế mạng lưới như NHTM.

Thứ hai, đây chính là chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay. Lãi suất sẽ tỉ lệ thuận với rủi ro.

Cho vay tiêu dùng tín chấp là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín cá nhân được đánh giá bởi tổ chức tín dụng dành cho một khách hàng mà không cần phải thế chấp tài sản. Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng tín chấp có rủi ro cao, nên lãi suất phải cao hơn so với cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp của ngân hàng thương mại.

"Ngay cả NHTM khi họ cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng tức vay không có tài sản thế chấp thì lãi suất cũng khá cao 18-20%/năm. Và có trường hợp hai khách hàng cùng lựa chọn sản phẩm vay như nhau tại cùng một công ty tài chính nhưng lãi suất áp dụng cho hai khách hàng hoàn toàn khác nhau", ông Hòe giải thích.

Thứ ba, giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 – 8 tháng, thậm chí 4-5 tháng) dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Như vậy, khi bóc tách các chi phí mà khoản vay phải chịu, chúng ta sẽ thấy giá cả phù hợp và lợi nhuận từ một khoản vay sẽ tương đối phù hợp hơn so với chi phí mà công ty phải bỏ ra trên một khoản vay.

Công ty vẫn đúng luật?

Việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, vay mua sắm với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa của Ngân hàng Nhà nước quy định rất nhiều nhưng vẫn không bị xử phạt, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, là do họ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

"Theo quy định tại khoản 2, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 12 của NHNN hướng dẫn về việc thực hiện lãi suất thoả thuận trong cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Có thể có một số ý kiến viện dẫn điều khoản tại Bộ Luật Dân sự để cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng hoặc các ngân hàng thương mại không được cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố thì cho rằng mức lãi suất lên đến 40%/năm là vi phạm quy định của pháp luật.
 

Các ý kiến này không đúng vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản quy phạm pháp luật của cùng một cơ quan ban hành nếu có quy định cùng về một vấn đề thì sẽ áp dụng văn bản được ban hành sau. Trong khi bộ luật Dân sự được Quốc hội ban hành năm 2005, Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011", ông Hòe giải thích.

Người đi vay hãy tự bảo vệ mình!

Lãi suất của các công ty tài chính đang rất cao, vậy NHNN có nên áp trần lãi suất hay để tự cạnh tranh theo thị trường?

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, trong nền kinh tế thị trường, thì lãi suất là giá cả của đồng tiền, mà đồng tiền thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, nên lãi suất cao hay thấp là do thị trường cạnh tranh của nền kinh tế quyết định.
"Không một công ty tài chính nào có thể tự đặt ra mức lãi suất quá khác biệt so với thị trường, đồng thời cũng không thể ép buộc khách hàng phải vay vốn.

Vì vậy, muốn giảm lãi suất thì phải tác động gián tiếp vào môi trường kinh doanh, tăng tính cạnh tranh giữa các TCTD, giảm bớt rủi ro, hỗ trợ thu hồi nợ nhanh chóng, chứ không nên áp trần lãi suất. Nếu áp trần lãi suất không phù hợp với quy luật khách quan của thị trường thì chỉ dẫn đến tình trạng lách luật hay vi phạm tràn lan, kết quả cuối cùng là lãi suất vẫn không giảm thật sự, thậm chí còn tăng thêm vì phải phát sinh các chi phí đối phó, hợp thức hoá việc thu ngoài con số chính thức", luật sư khẳng định.

Mặc dù đây là một nguồn vay vốn khá dễ dàng, người vay cũng cần phải lưu ý rất nhiều vấn đề trong khi vay để tránh bị thiệt hại sau này.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nghĩa vụ quan trọng nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất của người vay là việc trả nợ gốc và lãi. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, trước hết, người đi vay phải nắm rõ lãi suất sẽ phải trả là bao nhiêu, cả trong trường hợp trả đúng hạn và quá hạn. Và đặc biệt là phải tính tới khả năng trả nợ có bảo đảm không.

"Lãi suất vay tiêu dùng thường cao, nếu không trả được nợ thì thường bị tính lãi quá hạn bằng 150% so với lãi suất trong hạn, đôi khi còn bị cộng thêm một số nghĩa vụ tài chính khác, sẽ dẫn đến lãi suất phải trả rất cao, càng khó trả nợ", luật sư lưu ý.
 
>> Lãi suất tiền gửi tăng, thời cơ "vàng" cho người dân gửi tiền
 
Theo L.Linh (Bizlive.vn)