Kinh tế

Mổ xẻ khoản lỗ 17.600 tỷ của Bamboo Airways nhìn từ cơ cấu tài sản đầy bất ổn: Mang vài chục nghìn tỷ đi cho vay, đầu tư chứng khoán, bất động sản

Trong khoản lỗ khủng của năm 2022 thì chỉ có khoảng 4.800 tỷ là trực tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng không.

Việc Bamboo Airways chủ động công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 đã hé mở nhiều điều về bức tranh tài chính không mấy khả quan của hãng không non trẻ này.

Không chỉ ở mức lỗ khủng lên đến 17.600 tỷ năm 2022, bảng cân đối kế toán của Bamboo Airways cũng cho thấy rất nhiều điều bất ổn, phần nào giải thích cho nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ bất thường trên.

Mổ xẻ khoản lỗ 17.600 tỷ của Bamboo Airways nhìn từ cơ cấu tài sản đầy bất ổn: Mang vài chục nghìn tỷ đi cho vay, đầu tư chứng khoán, bất động sản

Các số liệu đã công bố cho thấy, đóng góp chính vào khoản lỗ của năm 2022 có tới 12.500 tỷ đồng là trích lập dự phòng phải thu khó đòi, được ghi nhận vào khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là 731 tỷ đồng dự phòng đầu tư vào công ty liên kết, được ghi nhận vào chi phí tài chính. Như vậy còn lại khoảng 4.800 tỷ đồng là thực sự lỗ từ hoạt động kinh doanh chính hàng không của công ty.

Tổng giá gốc các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Bamboo Airways là hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, phải thu về cho vay là gần 11.000 tỷ, các khoản phải thu dài hạn khác là 7.900 tỷ đồng. Phần lớn các khoản cho vay, phải thu này đã phát sinh từ trước năm 2022. Do công ty không công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ mục đích cũng như đối tượng của các khoản phải thu này.

Mổ xẻ khoản lỗ 17.600 tỷ của Bamboo Airways nhìn từ cơ cấu tài sản đầy bất ổn: Mang vài chục nghìn tỷ đi cho vay, đầu tư chứng khoán, bất động sản - 1
Hơn 90% tài sản của Bamboo Airways nằm ở các khoản phải thu, đầu tư chứng khoán, bất động sản

Nhưng không khó để nhận thấy trong bối cảnh tình hình tài chính của công ty vốn đã khó khăn khi ngành hàng không vẫn chưa phục hồi sau covid thì việc công ty mang tới cả chục nghìn tỷ đồng để cho bên khác vay thực sự điều rất bất thường, bên cạnh đó còn là chục nghìn tỷ đồng phải thu khác.

Rủi ro của việc mang lượng tài sản quá lớn đi cho vay mượn đã hiện hữu ở việc số tiền không có khả năng thu hồi đã chiếm đến quá nửa.

Không ít doanh nghiệp có các khoản phải thu lớn gặp rủi ro không thu hồi được khi ông chủ vướng phải vòng lao lý. Ocean Group trước đây cũng từng phải trích lập vài nghìn tỷ đồng cho nhiều khoản phải thu liên quan đến ông Hà Văn Thắm và câu chuyện của Bamboo Airways bây giờ cũng tương tự.

Ban lãnh đạo hiện tại của Bamboo Airways cho biết việc mạnh tay trích lập dự phòng phải thu khó đòi là một trong các động thái quyết liệt của hãng bay trong quá trình tái cơ cấu để nâng cao chất lượng tài sản và phản ánh đúng thực trạng của công ty.

Các khoản phải thu không phải là điều khó hiểu duy nhất trên bảng cân đối của Bamboo Airways. Tại thời điểm đầu và cuối năm 2022, công ty có khoản mục chứng khoán kinh doanh trị giá hơn 6.300 tỷ đồng – tức chiếm hơn 1/3 tổng tài sản hiện nay.

Hiện không rõ đây là khoản đầu tư vào tài sản gì và cũng chưa hề phải trích lập dự phòng. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sở hữu một khoản đầu tư bất động sản trị giá 1.400 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy dù có quy mô vốn và tài sản rất lớn, nhưng phần lớn tài sản của Bamboo Airways là các khoản cho vay, đầu tư tài chính, bất động sản… không hoặc có rất ít liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng không của công ty.

Những tài sản này nhiều khả năng liên quan đến quá trình tăng vốn ồ ạt của Bamboo Airways từ 2.200 tỷ vào tháng 9/2019 lên 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021.

Mổ xẻ khoản lỗ 17.600 tỷ của Bamboo Airways nhìn từ cơ cấu tài sản đầy bất ổn: Mang vài chục nghìn tỷ đi cho vay, đầu tư chứng khoán, bất động sản - 2

Một lượng lớn cổ phiếu Bamboo Airways hình thành từ quá trình tăng vốn này đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay rồi sau đó đã được sang tên cho chủ nợ. Ngân hàng NCB hiện đang lên kế hoạch bán toàn bộ 203 triệu cổ phiếu Bamboo Airways mà ngân hàng này nắm giữ.

Ở phía bên kia của bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của công ty đã rơi xuống -836 tỷ đồng trong khi đang phải gánh khoản nợ phải trả hơn 18.800 tỷ.

Áp lực trả nợ và dòng tiền mới phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways trong thời gian tới sẽ được giải tỏa phần nào khi ĐHĐCĐ của công ty đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 7.720 tỷ đồng phát hành để hoán đổi nợ và 3.780 tỷ đồng phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo Kinh Kha (Nhịp Sống Thị Trường)




https://markettimes.vn/mo-xe-khoan-lo-17-600-ty-cua-bamboo-airways-nhin-tu-co-cau-tai-san-day-bat-on-mang-vai-chuc-nghin-ty-di-cho-vay-dau-tu-chung-khoan-bat-dong-san-31481.html